.

Kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh được trả lời như thế nào? (tiếp theo)

Thứ Năm, 15/12/2016, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII, Chủ tọa kỳ họp đã bố trí nhiều thời gian để lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện thành phố, thị xã trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

- Cử tri huyện Minh Hóa đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo để các hộ thoát nghèo bền vững, như cho vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi trong thời gian 3 đến 5 năm.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) trả lời: Trong những năm vừa qua để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững, tỉnh ta đã tập trung triển khai lồng ghép linh hoạt các chương trình, đề án, kế hoạch cũng như vận dụng đồng bộ, sáng tạo các chính sách, quy định của Trung ương, của tỉnh và các địa phương liên quan đến các chính sách về tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Cụ thể như: Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm; Quyết định 71/2009/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động; Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững; Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiểu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tại Tiểu dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo); Quyết định 1730/QĐ-UBND ngày 9-6-2016 của UBND tỉnh về Đề án chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh...

Đề nghị UBND huyện Minh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan đến hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được với các chính sách quy định mới của Trung ương và địa phương; đồng thời có các giải pháp đồng bộ, toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội để giúp bà con phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đối với kiến nghị của cử tri phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) và xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch) đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xem xét lại hồ sơ hưởng chế độ chính sách của một số đối tượng thương binh, chất độc màu da cam, tránh trường hợp hưởng không đúng đối tượng. Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát thường kỳ tại phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn), Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết, đã thành lập hai đoàn kiểm tra giải quyết đơn thư tố cáo về thực hiện chính sách người có công tại phường.

Qua thanh tra, kiểm tra đã chỉ đạo xử lý đình chỉ và thu hồi 37 trường hợp hưởng sai chế độ. Về các kiến nghị của cử tri nói chung, cử tri Quảng Trạch nói riêng, Sở sẽ tham mưu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra liên ngành để tiếp tục làm rõ.

Về kiến nghị tỉnh cần quan tâm xây mộ chí cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống độc thân, không có người nuôi dưỡng của cử tri huyện Tuyên Hóa, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 10/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước tỉnh Quảng Bình khi từ trần. Trong đó, tại Điều 28 của Quy chế có quy định đối với lễ tang cấp huyện, thị xã, thành phố bao gồm cả đối tượng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (khoản 2). Đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa chỉ đạo Phòng LĐ-TB và XH, Phòng Nội vụ kiểm tra, hướng dẫn và trả lời cho cử tri được rõ.

Các nội dung kiến nghị của các cá nhân về chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, nạn nhân nhiễm chất độ da cam, Sở LĐ-TB và XH đã tiếp thu, chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban liên quan và cá nhân kiểm tra, xem xét giải quyết.

- Cử tri xã Quảng Trường (Quảng Trạch) và cử tri huyện Tuyên Hóa đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp, nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa để bảo đảm sinh hoạt cộng đồng, cũng đồng thời là nhà vượt lũ cho nhân dân trong mùa mưa lũ.

Sở Văn hóa - Thể thao trả lời: Trong những năm qua, kinh phí xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố chủ yếu được huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010, nguồn ngân sách các cấp (tỉnh, huyện, xã) có hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố theo Đề án “Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và phát triển đời sống văn hóa cơ sở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010” - ban hành theo quyết định số 23/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh.

Mặt khác, từ năm 2005 trở về trước, nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa cũng có hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng và mua sắm trang thiết bị hoạt động văn hóa cho một số nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản.

Tuy nhiên hiện tại trên địa bàn tỉnh ta không còn các chính sách hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố từ nguồn ngân sách của tỉnh (2001 đến nay) và từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa (từ năm 2016).

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, trước mắt đề nghị các địa phương tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa - khu thể thao chưa được xây dựng hoặc xuống cấp nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với các địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao trên địa bàn.

Cử tri huyện Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị tỉnh đầu tư duy tu, bảo tồn các di tích lịch sử đã xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn huyện Quảng Ninh như di tích Lũy Thầy, cụm di tích lịch sử Đoàn 559 tại xã Hiền Ninh”.

Sở Văn hóa – Thể thao trả lời: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là việc làm cần thiết, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước. Đối với di tích lịch sử Đoàn 559, năm 2013 đã được cấp kinh phí 100 triệu đồng để tôn tạo, sửa chữa một số hạng mục. Lũy Trường Dục cũng đã được Ban Quản lý Di tích và UBND huyện Quảng Ninh đầu tư xây dựng bia và nhà bia di tích.

Tuy nhiên hiệ nay số lượng di tích bị xuống cấp trên địa bàn tỉnh cần đầu tư, tôn tạo khá nhiều, nhưng do không có nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu Quốc gia như những năm trước đây nên trước mắt chưa bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo lũy Trường Dục và Di tích lịch sử Đoàn 559. Sở Văn hóa - Thể thao sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí trong thời gian tới. Trước mắt đề nghị chính quyền địa phương trên tình thần xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, huy động mọi nguồn lực của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung ta trùng tu, tôn tạo Lũy Trường Dục và di tích lịch sử Đoàn 559 theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

- Cử tri huyện Quảng Ninh phản ánh: Hiện nay trên địa bàn xã Lương Ninh và thị trấn Quán Hàu phát sinh sốt xuất huyết, đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành chức năng tăng cường hỗ trợ phun thuốc, tẩm màn, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Sở Y tế trả lời: Qua kiểm tra, đến ngày 27-10-2016, tại thị trấn Quán Hàu ghi nhận 7 ca sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca dương tính. Còn tại xã Lương Ninh, qua giám sát và điều tra ca bệnh, đánh giá chỉ số côn trùng cho thấy chưa có ca bệnh sốt xuất huyết như cử tri phản ánh. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch sốt xuất huyết nói riêng.

- Cử tri đề nghị tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân, được trả lời:

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp của các ban ngành, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Trong phạm vi quản lý của ngành, năm 2016, Sở Y tế đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức 361 đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành thanh, kiểm tra 5.008 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. kết quả có 75,8% cơ sở đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đã xử lý vi phạm hành chính về VSATTP 82 cơ sở với số tiền phạt trên 100 triệu đồng, buộc tiêu hủy 34 sản phẩm thực phẩm. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc nào xảy ra tại các bếp ăn tập thể của nhà máy và cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường và ATTP vẫn còn nhiều bất cập. Thời gian tới, tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra để đôn độc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

- Cử tri đề nghị tỉnh tăng cường công tác quản lý, có biện pháp quản lý hiệu quả công tác dạy thêm, học thêm trong và ngoài các trường học.

Sở Giáo dục - Đào tạo trả lời: Từ năm 2012, việc quản lý dạy thêm, học thêm, được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 12-5-2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 23-10-2012 của UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
Để việc dạy thêm, học thêm theo đúng quy định, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh, đồng thời thường xuyên thanh, kiểm tra đối với hoạt động này. Công tác quản lý dạy thêm, học thêm có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên vẫn còn một số nhà trường và giáo viên chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm. Sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT và chính quyền cấp huyện trong quản lý dạy thêm, học thêm thiếu chặt chẽ. Công tác thanh, kiểm tra, nhất là kiểm tra theo phản ảnh của nhân dân chưa đầy đủ, thiếu kịp thời.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm để đưa hoạt động này vào nền nếp, đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

N.Mai (lược ghi)
(Còn tiếp)