.

Họ đã sống một thời như thế

Thứ Sáu, 30/12/2016, 16:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng Lê chiều cuối năm se lạnh, tôi cơ duyên chứng kiến hai người lính già tìm đến nhau. Người từ Hà Nội vào cảm nhận cung đường Đồng Lê vừa lạ, vừa quen bằng ánh sáng từ trái tim... Họ ngồi bên nhau. Người say sưa hát, người thổi sáo ngẫu hứng, hồn nhiên như ở tuổi đôi mươi, như những lúc chiến trường tạm vơi bom đạn, hát về một ngày ca khúc khải hoàn...

Hai người bạn lính ấy là ông Hồ Duy Thiện, sinh năm 1948, ở thị trấn Đồng Lê, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa. Người còn lại, ông Lê Duy Ứng, sinh 1947, gia đình cách Đồng Lê chừng 600 cây số, tại thủ đô Hà Nội. Anh hùng LLVTND, đại tá, hoạ sỹ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng, quê xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh bị thương mù hai mắt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn.

Họ bắt đầu câu chuyện: “Thế hệ chúng tôi nghe theo tiếng gọi non sông, xếp bút nghiên lên đường vào Nam, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Ngẫm một điều, giữa ác liệt, sống chết chúng tôi tìm thấy nhau, trở thành bạn chiến đấu của nhau, cùng vào sinh ra tử... mà khốc liệt nhất chính là cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972”.  

Ông Hồ Duy Thiện ngược về ký ức: “Tôi và Lê Duy Ứng cùng cánh lính sinh viên, Ứng hơn tôi hai tuổi. Tôi học đại học Thuỷ lợi, xong năm thứ tư thì tình nguyện lên đường đánh Mỹ, tháng 9-1970. Lê Duy Ứng đang sinh viên năm thứ ba Đại học Mỹ thuật, cũng xung phong vào bộ đội sau tôi đúng một năm, tháng 9-1971. Hai chúng tôi biên chế vào Trung đoàn 101, sau huấn luyện cấp tốc thì vào thẳng chiến trường Quảng Trị năm 1972. Tôi là lính thông tin, đại đội 18. Ứng làm lính trinh sát tiểu đoàn 2. Tháng 4-1972, Ứng được điều lên Ban Chính trị Trung đoàn. Sau chiến dịch Thành cổ Quảng Trị, tôi chuyển về cùng cơ quan với Ứng. Cùng quê nên hai người nhanh chóng thân nhau”.

Gặp nhau mừng tủi... (Đồng Lê 2016)
Gặp nhau mừng tủi... (Đồng Lê 2016)

Những kỷ niệm không thể nào quên về tình bạn, tình đồng chí, nghĩa đồng hương của hai ông Hồ Duy Thiện và Lê Duy Ứng diễn ra trong thời gian họ công tác tại Ban Chính trị Trung đoàn 101. Ông Lê Duy Ứng kể: "Còn nhớ cuối năm 1972, trong điều kiện chiến trường thiếu thốn trăm bề, hai anh em được cơ quan cử đi thị xã Đông Hà tìm giấy để về làm việc. Mặc trời nắng, trên đầu máy bay địch quần đảo, pháo hạm ngoài biển ầm oàng dội vào thị xã và dọc tuyến đường 9, nhưng hai anh em vẫn kệ, đi hết nhà này đến nhà khác suốt một ngày ròng rã để lục tìm trong hoang tàn, đổ nát các loại giấy về tận dụng cho công tác. Cuối cùng thì chúng tôi cũng chất mỗi người một ba lô giấy mang về cứ". "Năm 1973, sau khi Hiệp định Pa- ri ký kết, hai anh em được đơn vị phân công dùng thuyền máy ngược lên hậu cứ Sư đoàn 325 đóng ở Cùa (thị trấn Cam Lộ) để nhận hàng. Thuyền máy trục trặc, hai người trần lưng ra mà sửa, mãi đến 12 giờ đêm mới về đến đơn vị, ai cũng đói hoa cả mắt...”. Ông Hồ Duy Thiện cho biết thêm: "Trong chiến tranh có những lúc xa cách, hợp tan, nhưng chúng tôi vẫn không thôi nhớ về nhau. Tháng 3-1973, Lê Duy Ứng lên Ban Tuyên huấn Sư đoàn 325, cuối năm 1974 chuyển đến Phòng Tuyên huấn, Quân đoàn 2. Từ đó hai anh em bặt tin nhau”.

Sau này, khi kết nối thông tin lại với nhau, nhiều lần hai người tái ngộ mới biết chiến tranh có những điều thiêng liêng không thể cắt nghĩa nổi: trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, từ giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang... đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử họ đều ở đội hình cánh đông, chỉ khác đơn vị .

Ngày 26-4-1975, Trung đoàn 101 của ông Hồ Duy Thiện đánh chiếm xong quận lỵ Long Thành, Đồng Nai; ngày 28-4-1975, giải phóng quận lỵ Nhơn Trạch. Đội hình cánh đông dừng lại chuẩn bị vượt sông Đồng Nai tiến về Sài Gòn theo quốc lộ 25. Ông Hồ Duy Thiện biết tin ông Lê Duy Ứng đang ở cùng cánh pháo binh với nhiệm vụ phóng viên chiến trường. Trong khí thế hừng hực “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng”, ông Lê Duy Ứng dồn cả tâm huyết để ghi lại các trận chiến đấu trên đường tiến quân bằng máy ảnh và bút vẽ ký hoạ. Chuẩn bị tấn công căn cứ Nước Trong, thủ trưởng Quân đoàn 2 rút ông Lê Duy Ứng về trực tiếp giao nhiệm vụ đi cùng xe tăng mang số hiệu 847, Lữ đoàn 203 thẳng tiến vào Sài Gòn.

 ...thổi sáo và hát cho nhau nghe.
...thổi sáo và hát cho nhau nghe.

Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp cùng bộ binh đột kích giải phóng căn cứ Nước Trong đến xa lộ Biên Hoà rồi thẳng tiến hướng Dinh Độc Lập. Ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, trên tháp pháo xe tăng 847, ông Lê Duy Ứng trúng đạn của địch, mù cả hai mắt, ngất đi. Khi tỉnh lại Lê Duy Ứng chợt nhớ đến Bác Hồ, rồi trong giây phút linh thiêng và xuất thần ấy ông lấy máu ở hai mắt mình vẽ nên chân dung Bác Hồ với tựa đề “Ánh sáng niềm tin - con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”. Vẽ xong bức tranh, ông Lê Duy Ứng tiếp tục ngất lịm.

Họ đã có lần hội ngộ cùng nhau tại phố núi Đồng Lê vào năm 1997, sau khi đôi mắt ông Lê Duy Ứng sáng lại đôi chút và ông Hồ Duy Thiện chuyển ngành về công tác ở UBND huyện Tuyên Hóa. Vẫn ông Lê Duy Ứng chủ động đến tìm. Lần này hai người bạn lính tri kỷ ấy đến thăm một đồng đội khác tại thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hoá.

Đây chính là lần hội ngộ đầu tiên sau chiến tranh, sau mất mát và chia ly. Gặp nhau, ba người lính không còn trẻ ấy thức trọn đêm dưới ánh trăng vàng nơi miền sơn cước, chuyện vui buồn, kỷ niệm đời lính cứ thế mà chảy tràn. Chính đêm ấy, ông Lê Duy Ứng đã kể cho ông Hồ Duy Thiện ngọn ngành chuyện ông bị thương trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và tình yêu chung thủy son sắt của cô bạn gái Hà Nội, sau này trở thành vợ ông - bà Trần Thị Lê. Bà đã song hành cùng chồng, trở thành “đôi mắt” của ông.

10 năm sau, ông Hồ Duy Thiện đến thăm ông Lê Duy Ứng, khi đi công tác Hà Nội. Đại gia đình nhà bạn đón ông Hồ Duy Thiện trong niềm vui, hạnh phúc riêng, chung. Ông Thiện nhớ lại: "Ứng say mãi chuyện bằng hữu. Anh kể vào tháng 10-1982, Viện mắt Trung ương thực hiện ca ghép giác mạc thành công, trả lại ánh sáng cho anh, tuy chỉ được 5/10, mắt phải vĩnh viễn bị mù. Nhưng đến năm 2005 mắt Ứng chìm sâu vào bóng tối trở lại. Thêm nữa, vết thương cũ tái phát nên chỉ còn phân biệt được tối sáng. Nhưng mừng một điều là hai đứa con anh, một gái, một trai đã trưởng thành".

..."Vinh dự đến với Lê Duy Ứng cũng như những người lính bạn bè của ông, tháng 10-2013, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông. Hôm đón nhận tin vui, Ứng làm bài thơ có tựa đề “Cảm xúc” và đọc cho tôi nghe: “Hay tin danh hiệu Anh hùng/Lặng đi khoảnh khắc tưởng dừng nhịp tim/Biết bao đồng đội hy sinh/Để vun thành tích cho mình hôm nay..."- ông Hồ Duy Thiện bồi hồi.

Tôi vinh dự được hầu chuyện hai người lính già tri kỷ ấy. Ông Hồ Duy Thiện nhắc lại lời nhận xét của mình về bạn: “Từ ánh sáng trái tim đưa đường chỉ lối, Ứng lại lao vào sáng tác, vẽ tranh, làm tượng về đề tài chiến tranh cách mạng với tất cả niềm đam mê, nghị lực và quyết tâm, quên cả ngày tháng, giờ giấc...". Ông Lê Duy Ứng hóm hỉnh: “Già rồi, tóc Thiện chắc chắn đã bạc trắng hết cả. Ta sống trong hoài niệm, trong tình bạn, tình đồng chí, luôn động viên, dõi theo nhau đến chân trời góc bể, sống xứng đáng với lý tưởng cao đẹp và là niềm kiêu hãnh cho gia đình, cho quê hương, đất nước...!”.

Hương Trà