.

Ngư Hóa: Thoát "thủy thần", dân trắng tay

Thứ Tư, 19/10/2016, 16:07 [GMT+7]
(QBĐT) - Nhiều vị cao niên ở xã Ngư Hoá (huyện Tuyên Hóa) cho biết, cơn lũ vừa qua vượt cả cơn lũ lịch sử năm 2007 quét qua địa bàn xã này. Lũ lên nhanh và bất ngờ đến nỗi, người dân chỉ kịp ngược lên các ngọn núi gần đó để thoát thân. Nhưng, trong cảnh đổ nát, hoang tàn ấy lại sáng lên những câu chuyện ấm áp tình người lúc hoạn nạn, khó khăn.
 
 
Lên núi chạy lũ
 
9 giờ tối ngày 16-10, qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Ngư Hoá, Nguyễn Thanh Phong báo tin gấp gáp với chúng tôi: "Lũ càn quét địa bàn xã tan hoang lắm các chú ơi...!. Mọi hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt từ ngày 13-10, đến giờ, đường vào Ngư Hoá mới tạm được khơi thông, anh mới chạy xe về xã Mai Hóa để xạc điện thoại và gọi điện báo cáo tình hình thiệt hại cho Văn phòng thường trực BCH PCTT & TKCN huyện".
Một đoạn đường vào Ngư Hóa bị hư hỏng.
Một đoạn đường vào Ngư Hóa bị hư hỏng.
Sáng ngày 17-10, vượt qua quãng đường sình lầy bùn đất, một số đoạn sạt lở khá nghiêm trọng trên tuyến đường Mai Hóa-Ngư Hóa, chúng tôi đặt chân lên đất Ngư Hóa.
 
Gần 3 ngày sau lũ dữ quét qua, người dân xã Ngư Hóa mới trở về nhà của mình để dọn dẹp vệ sinh. Nhưng cũng có người không còn nhà để trở về. Vừa gặp chúng tôi, vợ chồng anh Chu Văn Huy (sinh năm 1984) và chị Võ Thị Vinh (sinh năm 1987) ở thôn 4, nước mắt lưng tròng, chỉ tay vào ngôi nhà trống huơ trống hoác bị lũ đẩy trôi khỏi nền nhà khoảng chục mét nói: "Mất hết cả rồi! Dành dụm, vay mượn khắp nơi mới dựng được ngôi nhà để ở, vậy mà lũ dữ đã cuốn trôi theo dòng nước hết cả rồi. Bây chừ nhà không có mà ở, áo quần mỗi người chỉ còn mỗi bộ trên người, gạo không có để nấu ăn...".
 
Chị Vinh kể: "Chiều 14-10-2016, lũ về nhanh và hung dữ lắm. Lúc thấy nước tràn vào sân, vợ chồng tui gấp gáp ôm con nhỏ chạy sang nhà anh Thoan hàng xóm ở trên đồi cao để tá túc. Nhưng cũng chỉ được vài tiếng đồng hồ, lũ tiếp tục dâng lên ngập quá đầu gối. Hoảng quá, cả mấy hộ liền dắt díu nhau băng dòng nước vừa chạy, vừa dùng rựa phát cây, ngược lên ngọn núi phía sau nhà anh Thoan để tránh lũ".
Ngôi nhà của Trần Văn Chính (thôn 4) nằm chỏng chơ trên đỉnh ngọn đồi bên cạnh, cách nền cũ hơn 200m
Ngôi nhà của Trần Văn Chính (thôn 4) nằm chỏng chơ trên đỉnh ngọn đồi bên cạnh, cách nền cũ hơn 200m.
Riêng hộ anh Trần Văn Chính ở bên cạnh, vừa mới tìm được ngôi nhà của mình nằm chỏng chơ trên đỉnh ngọn đồi bên cạnh, cách nền cũ hơn 200m.
 
Anh Chính kể: "Thấy nước lên nhanh quá, em phải hét lên bảo vợ mang 2 con nhỏ, đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi lên núi trước. Còn em, cố nán lại thêm chút nữa để vơ vét chút áo quần cho các cháu. Vừa leo lên núi, vừa quay lại nhìn, thấy nhà mình bị nước lũ cuốn đi".
 
Sinh năm 1989, vừa mới ra ở riêng được 5 năm nên cuộc sống gia đình anh vẫn còn rất khó khăn. Đứng trên nền nhà cũ, gương mặt Chính vẫn chưa hết bàng hoàng kể từ khi dắt díu vợ con xuống núi. "Gia đình em lại phải về nhà bố mẹ để ở thôi!...", Chính ngậm ngùi, chua xót nói.
Ngôi nhà xây kiên cố có đầy đủ trụ, móng cốt sắt của anh Trần Công Đặng ở thôn 5 gần như bị đổ sập hoàn toàn.
Ngôi nhà xây kiên cố có đầy đủ trụ, móng cốt sắt của anh Trần Công Đặng ở thôn 5 gần như bị đổ sập hoàn toàn.

Anh Trần Công Đặng (thôn 5) vừa mới hoàn hồn vì cả 4 người trong gia đình đã kịp thoát khỏi cơn lũ dữ. Nnhưng giờ đây, đứng trước ngôi nhà xây kiên cố có đầy đủ trụ, móng cốt sắt gần như bị đổ sập hoàn toàn, anh không thể tin nổi vào chính mắt mình.

"Đó là công sức gần chục năm vợ chồng tui ky cóp, vay mượn vá víu để rồi giờ đây tan hoang theo dòng lũ. May sao, 2 con trâu và 3 con lợn tui chuyển đi từ sớm không thì hết đường cho 3 đứa con ăn học (đứa lớn đang theo học nghề, 2 đứa ở nhà học lớp 11 và lớp 6)", anh Đặng chia sẻ.

Sau lũ là tan hoang, đổ nát.
Sau lũ là cảnh tan hoang, đổ nát.
Anh Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Ngư Hoá cho biết, do nằm ở phía thượng nguồn ngọn Rào Trổ (một nhánh của sông Gianh) nên nước lũ ở Ngư Hóa rất dữ và chảy xiết.
 
Ngay từ ngày 12-10, mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt, điện thắp sáng và sóng điện thoại không có nên hoạt động phòng chống lũ hầu như chỉ dựa vào "4 tại chỗ". Ngày 13-10, thấy mưa to, xã phải cắt cử cán bộ đến từng nhà dân ở vùng thấp trũng để thông báo tình hình và chuẩn bị tránh lũ.
 
So với đỉnh lũ năm 2007, lũ năm nay lớn hơn và bất ngờ hơn nhiều, khiến bà con không kịp trở tay. Cũng may mà có những ngọn núi cao nên bà con mới kịp thoát khỏi bàn tay của thủy thần. 
 
Tình người tỏa sáng

Thôn 5 là thôn chịu thiệt hại nặng nề nhất xã Ngư Hóa. Bởi thôn này nằm ngay chính giữa dòng lũ xiết. Cả thôn có 34 hộ dân, định cư ở 3 mỏm đồi. Hễ nước lũ lên đến đâu, bà con cứ việc bám đồi lên tránh lũ đến đấy. Chỉ mỗi nhà anh Nguyễn Văn Minh ở trên đỉnh đồi Độông Chè là không bị ngập. Thế nên, từ ngày 14 đến ngày 17, nhà anh Minh trở thành mái nhà chung cho nhiều gia đình trong xóm đồi Độông Chè này. Suốt 3 ngày, vợ chồng anh Minh nấu ăn cho cả 7 gia đình, với hơn 20 con người. Chị Trần Thị Sâm, Bí thư Chi bộ thôn 5 đi cùng chúng tôi xác nhận, không chỉ lũ năm nay mà, mọi năm có lũ lụt đều như thế. Còn anh Minh từ tốn bảo: "Lúc bình thường, ai mần nấy ăn, chứ hoạn nạn thì phải giúp nhau thôi".

Chị Sâm kể: "Người dân ở đây nghèo tiền, nghèo bạc thật nhưng tình cảm không nghèo đâu. Từ hôm qua đến giờ, người dân ở thôn các thôn 2, thôn 3 không bị ngập lụt cũng xuống xắn tay vào giúp dân ở đây dọn dẹp nhà cửa. Có người còn mang theo gạo xuống cho các gia đình bị ướt gạo".
Người dân giúp nhau lợp lại nhà cửa.
Người dân giúp nhau lợp lại nhà cửa.
Anh Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết, với gần 50% gia đình trong toàn xã bị ngập trong nước từ 3m trở lên cùng với toàn bộ lương thực, thực phẩm bị lũ nhấn chìm và cuốn trôi, thì thứ cần thiết nhất với họ bây giờ chính là cơm ăn, nước uống. Hiểu được tình cảnh của bà con, ngay sau khi lũ rút, UBND xã đã trích kinh phí mua 45 thùng mì tôm cứu trợ khẩn cấp cho bà con. Bên cạnh đó, huy động lực lượng toàn trong xã đến giúp đỡ bà con khôi phục lại đời sống. 
 
Thống kê sơ bộ, toàn xã Ngư Hóa có 31 nhà dân bị lũ ngập sâu hơn 3 mét và 40 nhà ngập gần 3 mét; 50 mét đường bê-tông liên thôn và 80 mét kênh mương bị sạt lở gần như hoàn toàn; hàng chục tấn lương thực, lạc, đậu các loại của bà con bị lũ cuốn trôi và hư hỏng; 25 ha cây keo và 2.000 gốc tiêu của người dân bị lũ làm bật gốc và đổ nghiêng...
                            
Văn Minh-Công Hợp
 

Những đóng góp thiết thực, ủng hộ đồng bào Quảng Bình của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh… sẽ góp phần giúp bà con giảm bớt những khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Chúng tôi sẽ công khai đầy đủ tất cả mọi sự giúp đỡ (quí danh, số lượng, giá trị) hỗ trợ trên Báo Quảng Bình và chuyển số vật chất, tiền nhận được đến bà con vùng bị thiệt hại nặng do lũ lụt trong thời gian sớm nhất.

Mọi sự ủng hộ xin chuyển về:

Báo Quảng Bình, địa chỉ: đường Trần Quang Khải, TP. Đồng Hới

Điện thoại: 0523.822.529; 0523.850.609; Di động: 0915.272.957, 0903.487.377

hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình


số TK: 10401 000000 5829 - Ngân hàng Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.