.

Sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Thứ Ba, 30/08/2016, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bước vào mùa mưa bão năm 2016, huyện Tuyên Hoá đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm ứng phó với mọi tình huống của thời tiết cực đoan, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra...

Huyện miền núi rẻo cao Tuyên Hóa có 3 vùng cơ bản gồm: vùng núi cao, vùng đồi núi trung du và vùng đồng bằng. Địa hình của huyện hẹp và dốc, nghiêng từ tây sang đông, lại bị chia cắt bởi 3 con sông, gồm sông Gianh (2 nhánh Rào Trổ và Rào Nậy), sông Nan, sông Ngàn Sâu cùng nhiều khe suối.

Các lực lượng, phương tiện được huyện Tuyên Hóa huy động để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Các lực lượng, phương tiện được huyện Tuyên Hóa huy động để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa hiện có hơn 60 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có những hồ đập với dung tích khá lớn và xung yếu như: đập Bẹ ở xã Mai Hóa, đập Thuỷ điện Hố Hô, đập Cây Trâm, đập Cây Ươi ở xã Hương Hoá... Bởi vậy, hàng năm cứ đến mùa mưa lũ, mực nước trên các sông, đặc biệt là tại các khu vực ở gần hồ đập thường dâng cao và chảy xiết khó lường, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Theo kinh nghiệm được Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Tuyên Hóa rút ra, vài năm trở lại đây, huyện thường chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai điển hình như: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở hoặc sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối..., gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Điển hình, trong năm 2015, đã có 15 đợt gió mùa Đông Bắc hoặc không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến Quảng Bình nói chung và Tuyên Hóa nói riêng.

Cuối tháng 1 năm 2016, trên địa bàn xảy ra một đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ có nơi xuống dưới 8 độ C. Từ tháng 4 đến tháng 7-2015, nắng nóng gay gắt xảy ra với tần suất khá cao, nhiệt độ cao nhất ngày trên địa bàn Tuyên Hóa đạt trên 41,5 độ C (ngày 31-5); đợt nắng nóng dài ngày nhất trong năm 2015 ở địa bàn huyện là 37 ngày... Đặc biệt, mới đây vào tháng 5-2016, ở Tuyên Hóa xảy ra 2 trận lốc xoáy mạnh gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân (đợt 1 tại thị trấn Đồng Lê và xã Thanh Hóa, đợt 2 tại xã Kim Hóa, Lê Hóa)...

Báo cáo từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuyên Hóa cho biết, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện có 6 loại hình thiên tai xảy ra. Cụ thể, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, từ ngày 12 đến 17-9-2015, tại huyện Tuyên Hóa đã có mưa lớn gây ngập lụt 10 nhà ở xã Châu Hoá, làm  thiệt hại 88,91 ha lúa; 34,45 ha ngô; 8,5 ha khoai lang các loại, 1,5ha lạc, 20ha đậu các loại, 15,3ha sắn, 6,7ha rau, màu các loại, 18,8ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã bị nước lũ xói lở và cuốn trôi khoảng 1.520m3 đất, đá, bê tông các loại.

Ngoài ra, rét đậm, rét hại, sương muối trong vòng 2 năm trở lại đây còn khiến cho khoảng 2.000 con gia súc, gia cầm và hơn 520ha lúa, gần 850ha cây trồng các loại... bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra đối với toàn huyện từ năm 2015 đến nay lên tới hàng chục tỷ đồng...

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, năm 2016, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuyên Hóa đã sớm khoanh vùng xung yếu, trọng điểm gồm: Vùng thường bị lũ lụt, ngập úng ở các địa phương có địa hình nằm hai bên bờ sông Gianh như Văn Hoá, Tiến Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa, Lê Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch và một số vùng ngập úng cục bộ thuộc thị trấn Đồng Lê...; các vùng thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất gồm các khu vực hai bên bờ và hạ lưu các con suối ở các xã Tiến Hóa, Ngư Hóa, Cao Quảng, Đức Hóa, Kim Hóa, Hương Hóa, Thanh Thạch, Thanh Hóa, Lâm Hóa...; tố lốc, mưa đá, sét... thường xảy ra tại những xã vùng cao như Thanh Thạch, Lâm Hóa, Hương Hóa.

Khi có bão, lũ xảy ra, tinh thần chỉ đạo của huyện Tuyên Hóa là trước, trong thời điểm diễn ra mưa lũ, tất cả các đồng chí lãnh đạo, thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN ở huyện phải có mặt thường trực 24/24 giờ để chỉ đạo phòng, chống lũ lụt và thông tin, báo cáo kịp thời cho tỉnh; lãnh đạo các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị cũng tổ chức trực chỉ huy PCLB 24/24h; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết; quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.

Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn huyện...

Cán bộ Trạm khí tượng thuỷ văn Đồng Lê luôn túc trực để theo dõi mọi diễn biến của thời tiết.
Cán bộ Trạm khí tượng thuỷ văn Đồng Lê luôn túc trực để theo dõi mọi diễn biến của thời tiết.

Theo ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuyên Hóa cho biết, để chủ động ứng phó với thiên tai một cách đạt hiêu quả cao, mới đây toàn huyện đã tiến hành kiện toàn lại Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành để thống nhất lại công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cho thật phù hợp.

Mặt khác, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai, đặc biệt là tiếp tục rà soát, bổ sung phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão, xây dựng phương án phòng tránh lũ quét; phát triển hệ thống thông tin cảnh báo theo chiều hướng từ trung tâm xuống cơ sở và thu nhận các báo cáo từ dưới lên; tăng cường quản lý, đầu tư, duy tu và đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống ngập lụt, sạt lở, thủy lợi nhằm bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh; chú trọng triển khai kế hoạch quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Huyện cũng đã kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi, công trình chống sạt lở; triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; chú trọng việc lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn; thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai...

Văn Minh