.

Công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn bị xem nhẹ

Thứ Tư, 31/08/2016, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATLĐ, VSLĐ) được xem là một khâu hết sức quan trọng trong việc bảo đảm điều kiện an toàn cho người lao động. Tuy nhiên, không ít các cơ quan, doanh nghiệp... vẫn còn xem nhẹ vấn đề này khiến số vụ tai nạn lao động đang có xu hướng gia tăng.

Thời gian qua, công tác ATLĐ, VSLĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này vẫn tồn tại không ít hạn chế. Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm và vi phạm các quy định pháp luật về ATLĐ, VSLĐ.

Không ít các cơ quan, doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động. Người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tình trạng mất ATLĐ, VSLĐ trong các cơ quan, doanh nghiệp, khu vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề xảy ra khá phổ biến. Chính vì vậy, hằng năm, số vụ tai nạn lao động và người mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Liên đoàn lao động tỉnh, tính đến 31-5-2016, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 26 vụ tai nạn lao động.

Sự chủ quan, xem nhẹ của người sử dụng lao động và người lao động khiến cho các vụ tai nạn lao động có xu hướng ngày càng tăng.
Sự chủ quan, xem nhẹ của người sử dụng lao động và người lao động khiến cho các vụ tai nạn lao động có xu hướng ngày càng tăng.

Trong đó, có 5 người bị chết, 26 người bị thương (có 12 vụ tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động và làm chết 4 người). Hậu quả từ những vụ tai nạn lao động gây ra là rất nghiêm trọng, nó không những gây tổn thất lớn về người và tài sản mà còn để lại di chứng nặng nề, lâu dài cho người lao động, gia đình và xã hội.

Mặc dù các vụ tai nạn lao động xảy ra hàng năm tương đối nhiều nhưng việc tuyên truyền, giáo dục về ATLĐ, VSLĐ của các tổ chức chính trị, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan cho người lao động chưa được quan tâm, còn mang tính hình thức. Đa số thiên về đưa tin các vụ việc mà thiếu biện pháp cảnh báo, phòng ngừa. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn không còn phù hợp, chậm sửa đổi. Năng lực, trình độ cán bộ làm công tác ATLĐ, VSLĐ ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm nên còn nhiều hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về ATLĐ, VSLĐ còn thiếu thường xuyên, chưa đủ sức răn đe.

Hàng năm liên ngành chỉ tổ chức kiểm công tác ATLĐ, VSLĐ bình quân đạt khoảng 15 doanh nghiệp. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về ATLĐ, VSLĐ tại cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Có thể nói, những vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian qua đều xuất phát từ sự chủ quan và sự xem nhẹ của chính các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động. Để khắc phục tình trạng này và hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn xảy ra trong quá trình sản xuất thì vai trò và trách nhiệm của người lao động và các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động là rất quan trọng. Một trong những hoạt động hết sức quan trọng là việc tổ chức thực hiện tốt công tác ATLĐ, VSLĐ và nâng cao năng lực thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về ATLĐ, VSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động.

Trong hoạt động ATLĐ, VSLĐ các cấp Công đoàn, nhất là các Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao cần đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại cơ sở, cần củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động của các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động; từ đó, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phú Cường-Đ.Nguyệt