.

Hiệu quả của một công trình cấp nước sinh hoạt

Thứ Năm, 03/12/2015, 11:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt là chương trình đầu tư có ý nghĩa thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình sau đầu tư, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường đã phối hợp với xã Thanh Trạch (Bố Trạch) xây dựng tốt mô hình quản lý công trình cấp nước sạch xã Thanh Trạch.

Công trình cấp nước sạch xã Thanh Trạch thuộc Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền Trung tỉnh Quảng Bình. Công trình có tổng mức đầu tư xây dựng gần 30 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Phải nói rằng, công trình nước sạch xã Thanh Trạch do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh xây dựng đã thỏa mãn ước mơ bao đời được sử dụng nguồn nước sạch của người dân nơi đây.

Công trình cấp nước sạch xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
Công trình cấp nước sạch xã Thanh Trạch (Bố Trạch).

Trước hết, để thực hiện có hiệu quả công trình nước sạch nông thôn, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phối hợp với chính quyền xã Thanh Trạch khảo sát điều kiện tự nhiên, đặc tính sử dụng nước của địa phương và khả năng tiếp nhận của người dân để lựa chọn loại hình công trình phù hợp. Trên cơ sở đó, công trình nước sạch xã Thanh Trạch được thiết kế với công suất 1.530m3/ngày, đêm, nhằm bảo đảm cung cấp nước sạch cho hơn 12.200 người dân xã Thanh Trạch và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.

Trung tâm đã phối hợp với địa phương gắn hoạt động của chương trình với hoạt động xây dựng nông thôn mới, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia trên cơ sở phù hợp với đặc thù địa phương. Chính vì thế, ngay sau khi công trình cấp nước sạch toàn xã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ cuối tháng 10-2014, mặc dù số tiền đấu nối sử dụng nước khá lớn, trên dưới 2 triệu đồng/hộ nhưng gần 100% số hộ dân xã Thanh Trạch đã tích cực hưởng ứng.

Nhờ vậy, đến nay đã có trên 2.500 hộ dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã như các trường học, trạm y tế, UBND xã, Ban quản lý cảng cá Sông Gianh và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá... đấu nối sử dụng nguồn nước từ công trình. Theo đó, khối lượng nước sạch sản xuất bình quân trong 10 tháng năm 2015 đạt trên 45.000m3 với tổng doanh thu đạt được là trên 1 tỷ đồng, nộp ngân sách tỉnh gần 100 triệu đồng.

Đáng nói là, với sự đầu tư nguồn lực cho công trình nước sạch đã góp phần làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn và chất lượng cuộc sống của người dân cũng thay đổi cơ bản. Chị Lưu Thị Đào, thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch đang sử dụng nguồn nước sạch từ công trình nước sạch cho biết, trước đây không có nguồn nước sạch gia đình nấu ăn và mọi sinh hoạt khác đều sử dụng nước giếng khoan nên không bảo đảm vệ sinh và sức khỏe. Tuy nhiên, từ khi gia đình chị đăng ký sử dụng nước sạch từ công trình trên, chị đã hoàn toàn yên tâm.

Ảnh 4 : Các hộ gia đình trên địa bàn xã đã sử dụng nước sạch từ công trình.
Các hộ gia đình trên địa bàn xã đã sử dụng nước sạch từ công trình.

Theo ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, hiện tại giá tiêu thụ nước sạch của công trình áp dụng theo đơn giá tại Quyết định 07/2014 của UBND tỉnh với mức 6.000 đồng/khối nên phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn xã.

Để xây dựng mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước sau đầu tư bền vững, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cũng đã thành lập Trạm cấp nước xã Thanh Trạch gồm 8 cán bộ với nhiệm vụ xử lý mọi vấn đề liên quan, từ công suất thiết kế tới vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và thu ngân. Từ nguồn thu của Trạm cấp nước, các cán bộ đã có mức thu nhập ổn định 3,6 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong thực hiện chương trình nước sạch ở xã Thanh Trạch là thực hiện chủ trương xây dựng công trình tiếp cận dựa theo nhu cầu của người dân, trong đó đặc biệt chú trọng vào việc lấy quyền lợi nhân dân làm trọng tâm. Mặt khác, công trình cấp nước sạch của xã được khai thác và sử dụng hợp lý với chất lượng nước bảo đảm. Cuối cùng là mô hình có sự quản lý của Nhà nước nên giá nước ổn định, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân.

Đây có thể xem là bài học thành công của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh khi có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và người dân hưởng lợi. Hiệu quả từ chương trình mang lại cũng đã và sẽ góp phần đáng kể vào chương trình xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông thôn của tỉnh.

N.L