.

Cần có cơ chế giám sát thực thi quyền trẻ em

Thứ Sáu, 27/11/2015, 16:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu tháng 10-2015, vụ việc bạo hành tại cơ sở mầm non Sơn Ca ở thành phố Đồng Hới trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Chưa bao giờ, quyền trẻ em được quan tâm và nhắc nhiều đến vậy. Dư luận xã hội lại bắt đầu một mối lo muôn thuở: đến bao giờ quyền trẻ em mới được thực thi hiệu quả nhất?

Năm 2014, do không chịu đựng được việc liên tục bị chồng đánh đập, hành hạ, chị Nguyễn Thị N. (Sen Thủy, Lệ Thủy) phải mang hai con đến gõ cửa Trung tâm Bảo trợ xã hội, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để xin nương nhờ một thời gian. Nhưng điều đáng nói, đó không phải là lần đầu tiên mẹ con chị bị chính người chồng, người cha đánh đập tàn nhẫn và cũng không phải là lần duy nhất họ phải cầu cứu các cấp chính quyền. Đã từ lâu, tình trạng bạo hành gia đình diễn ra thường xuyên trong ngôi nhà ấy, trở thành nỗi lo canh cánh khôn nguôi trong tâm thức người vợ và nỗi ám ảnh dai dẳng trong ký ức trẻ thơ. Hai đứa con chị, một đứa vừa lên 10, một đứa lên 7 tuổi cũng phải hứng chịu những trận roi vọt vô nhân tính của người cha. Khi nỗi đau đã vượt quá sức chịu đựng, chị buộc lòng phải nhờ đến sự can thiệp các cơ quan chức năng.

Vụ bạo hành ở cơ sở mầm non Sơn Ca và vụ việc trên chỉ là một trong số rất nhiều những vụ bạo hành liên quan đến trẻ em nhưng lại là một trong số ít vụ được phát giác và xử lý kịp thời. Dẫu có cả một hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi đối tượng đặc biệt này, nhưng hằng ngày, vẫn có không ít vụ việc đau lòng liên quan đến việc bạo hành, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích... ở trẻ em.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2014, toàn tỉnh có 31 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 23 trẻ bị chết mà nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị đuối nước, xâm hại tình dục, bị TNGT... Năm 2015, con số này giảm xuống còn 24 trẻ nhưng số lượng trẻ chết do bị đuối nước, xâm hại tình dục không hề thuyên giảm. Nhưng đó chỉ là phần nổi của cả “tảng băng chìm” liên quan đến việc xâm hại quyền trẻ em. Và dẫu số liệu về việc bạo hành con trẻ chưa xuất hiện trong bất cứ báo cáo cụ thể nào nhưng điều đó không có nghĩa, việc bạo hành trẻ em không và chưa bao giờ diễn ra.

Nguyên nhân chủ yếu có lẽ do nhiều gia đình coi việc đánh đập, hành hạ hay xâm hại tình dục trẻ em chỉ là việc gói gọn trong chính mái nhà của mình, chỉ cần “đóng cửa bảo nhau” nên pháp luật không thể can thiệp. Và ngày ngày, nhiều trẻ em vẫn bị xâm hại, vẫn bị hành hạ, đánh đập và vẫn bị chết hoặc thương tích do tai nạn mà nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn. Chỉ đến khi nhiều vụ việc được xã hội phanh phui hay xảy ra những hậu quả đáng tiếc thì người ta mới giật mình: quyền trẻ em đã bị coi nhẹ và ai là người giám sát việc thực thi quyền này?

Trẻ em cần được bảo vệ bằng tình thương, trách nhiệm và một hệ thống pháp luật chặt chẽ.
Trẻ em cần được bảo vệ bằng tình thương, trách nhiệm và một hệ thống pháp luật chặt chẽ.

Hiến pháp năm 2013 có những đổi mới quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt quy định về quyền trẻ em và trách nhiệm của các chủ thể như Nhà nước, gia đình, xã hội trong việc giúp trẻ em thực hiện quyền của mình. Đó là nền tảng pháp lý để thực hiện cải tiến, đột phá trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đó có việc sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm dục, giáo dục trẻ em nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo nên khuôn khổ pháp lý phù hợp triển khai công tác quản lý nhà nước về quyền trẻ em trong thời gian tới đạt hiệu quả cao. Thế nhưng, điều đáng nói là hiện nay chưa có cơ quan cụ thể để thực hiện nhiệm vụ như cơ quan đại diện cho tiếng nói của trẻ em và giám sát thực hiện quyền trẻ em. Đây có thể coi là khoảng trống cần được lấp đầy về việc thực thi quyền trẻ em trong lập pháp và thực tế.

Một thực tế là tại tỉnh ta, việc giám sát thực thi quyền trẻ em còn nhiều bất cập khi Quảng Bình chưa có Hội Bảo vệ quyền trẻ em – cơ quan chuyên trách đứng ra bảo vệ những lợi ích và quyền lợi chính đáng của trẻ em. Hiện nay, ở một số tỉnh, thành, hệ thống hội, chi hội Bảo vệ quyền trẻ em đã được phát triển rộng khắp với một mạng lưới hội viên đông đảo. Cơ quan này là cầu nối giữa người dân và các cơ quan chức năng nhằm phát giác, điều tra và xử lý các vụ việc xâm hại đến quyền trẻ em.

Tháng 10-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1333/KH-UBND về xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Trong đó, mục tiêu chung là xây dựng một môi trường thuận lợi để mọi trẻ em đều được hưởng các quyền cơ bản của mình, đồng thời góp phần ngăn ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ngược đãi, bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích. Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay, đã có 124/159 xã, phường trên toàn tỉnh đăng ký xây dựng mô hình này. Đây có thể coi là một tín hiệu đáng mừng nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc do xâm hại đến quyền trẻ em.

Có lẽ đã đến lúc cần phải có một cơ chế hoàn thiện nhằm giám sát thực thi quyền trẻ em. Cơ chế này sẽ tạo được mối quan hệ mật thiết giữa luật pháp và việc thực thi trong đời sống; đồng thời, với sự giám sát của các tổ chức độc lập, những biện pháp khắc phục các vi phạm về quyền trẻ em sẽ được giải quyết nhanh chóng. Và trên tất cả, tổ chức giám sát độc lập đóng vai trò thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề liên quan đến trẻ em cũng như kết nối với xã hội dân sự.

“Trẻ em như búp trên cành”, chỉ khi nào đối tượng cần được nâng niu, chăm sóc một cách đặc biệt này được bảo vệ bằng tất cả tình thương, trách nhiệm và bằng một hệ thống pháp lý chặt chẽ, khi ấy xã hội mới vơi bớt đi những nỗi đau về con trẻ bị xâm hại, bạo hành và tai nạn thương tích.

Diệu Hương