.

Quản lý chặt chẽ, an toàn nguồn tài chính của ngành BHXH

Thứ Sáu, 10/04/2015, 12:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Gắn bó cùng với ngành BHXH tỉnh từ những ngày đầu mới thành lập, ông Phạm Văn Vẽ, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (TC-KH), Kế toán trưởng BHXH tỉnh từng đảm nhận qua nhiều chức vụ: chuyên viên Phòng TC-KH; Phó Trưởng phòng TC-KH; Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh... Trên cương vị của mình, ông Phạm Văn Vẽ chia sẻ: “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tập thể Phòng TC-KH là quản lý chặt chẽ, khoa học, an toàn nguồn tài chính của ngành”.

Ông Phạm Văn Vẽ đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Văn Vẽ đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phòng TC-KH có chức năng, nhiệm vụ quản lý nguồn tài chính của ngành; phối hợp với các phòng chuyên môn BHXH xây dựng và phân bổ chỉ tiêu kế hoạch thu chi; chi quản lý bộ máy hành chính hàng năm cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố và quyết toán tài chính toàn ngành chính xác, bảo đảm đúng thời gian quy định.

Với khối lượng công việc khá lớn, đòi hỏi tính chính xác cao, bản thân ông Vẽ cùng sự đoàn kết, nỗ lực của 10 cán bộ, công chức, viên chức trong phòng đã tổ chức quản lý và thực hiện chi trả lương hưu hàng tháng, trợ cấp BHXH cho đối tượng hưởng chế độ thường xuyên và một lần; đối tượng hưởng chế độ ngắn hạn bảo đảm an toàn tiền mặt; chi đúng, chi đủ, kịp thời, đúng trước ngày 10 hàng tháng.

Năm 2014, toàn tỉnh có 34.054 lượt người xét hưởng chế độ BHXH và 761.461 lượt người xét hưởng chế độ BHYT. Quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT được hưởng ngày càng bảo đảm, thủ tục hành chính tinh gọn, chất lượng phục vụ tốt hơn. BHXH tỉnh phối hợp với điểm bưu điện ở 159 xã, phường tổ chức quản lý và thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho trên 4,2 vạn người với số tiền hơn 1.620 tỷ đồng, so với năm 1995 tăng 1,2 vạn người hưởng và tăng hơn 70 lần về số tiền chi trả, bảo đảm chi trả kịp thời, an toàn tiền mặt, chi đúng, chi đủ. Chi phí khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng, năm 1995 chi KCB là 2,5 tỷ đồng thì năm 2014 tăng lên 315 tỷ đồng hơn 126 lần so với năm 1995.

Công tác chi quản lý của ngành, căn cứ vào phân bổ của BHXH Việt Nam và tình hình thực tế địa phương, ông Phạm Văn Vẽ cùng tập thể Phòng TC- KH cố gắng thực hiện chi tiết kiệm, chống lãng phí, quan tâm đến đời sống, thu nhập của cán bộ, công chức; chỉ đạo cán bộ nghiệp vụ, kế toán BHXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tốt với ngân hàng, Kho bạc Nhà nước chuyển tiền thu BHXH, BHYT lên tuyến tỉnh và trung ương kịp thời.

Trong quá trình chi trả, công tác quản lý tiền mặt phải tuân thủ triệt để các quy định nghiêm ngặt của ngành, nhất là thời điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại các đại lý chi trả ở cơ sở. Phòng TC- KH chỉ đạo cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và vận chuyển tiền mặt về đại lý chi trả với lượng tiền vừa đủ, không để qua đêm. Bằng các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ nên những năm qua quá trình vận chuyển tiền mặt, công tác chi trả ở các tuyến, các đại lý chi trả luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Những đóng góp tích cực đối với sự phát triển vững mạnh toàn ngành BHXH tỉnh, ông Phạm Văn Vẽ được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tặng 3 bằng khen.

P.V