.

Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng: Khó chồng lên khó

Thứ Năm, 16/04/2015, 13:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng dân cư đang trở thành nỗi nhức nhối của nhiều gia đình và toàn xã hội. Ma tuý không chỉ hủy hoại sức khoẻ con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng. Và đáng lo ngại hơn là từ hành vi tiêm chích ma túy của các đối tượng nghiện đã dẫn đến sự lây truyền đại dịch HIV/AIDS, trong khi công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hết sức khó khăn.

Khó có thể thống kê được con số chính xác về số người nghiện và liên quan đến ma túy trên địa bàn toàn tỉnh vì các đối tượng trên thường thay đổi địa điểm, che giấu bản thân với rất nhiều hình thức thủ đoạn, tinh vi. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 2.000 đối tượng liên quan đến ma túy và khoảng 900 người nghiện có hồ sơ quản lý ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tệ nạn ma túy đã làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, cùng cực, không ít đối tượng còn bị nhiễm HIV và lây truyền bệnh cho người thân và cộng đồng... Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đa số các đối tượng nghiện sử dụng heroin. Ngoài ra, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp (dạng đá) và hút lá cần sa khô. Phần lớn đối tượng nghiện ma túy ở độ tuổi từ 18-40.

Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là hình thức được nhiều gia đình lựa chọn, song hiệu quả của mô hình này lại không mấy khả quan. Trong giai đoạn 2012-2014, tỉnh ta đã triển khai mô hình thí điểm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở 5 huyện, thị xã, thành phố (Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Ba Đồn) với 15 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy tham gia. Qua ba năm, đã thực hiện cai nghiện ma túy cho 186 đối tượng, song tỷ lệ tái nghiện sau cai chiếm tới gần 90%.

Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được thực hiện theo ba hình thức: cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Sau 5-7 ngày điều trị cắt cơn tập trung tại cộng đồng, người nghiện được giao về cho gia đình và địa phương chăm sóc quản lý thông qua sự hướng dẫn, theo dõi của các tổ công tác cai nghiện trong 12 tháng. Sau khi khi cắt cơn, các đối tượng được tham gia sinh hoạt nhóm tự lực hoặc các câu lạc bộ dành cho người sau cai nghiện. Định kỳ 10 ngày, người nghiện báo cáo kết quả cai nghiện với tổ công tác. Sau 12 tháng nếu không tái nghiện sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình cai nghiện và được tiếp tục quản lý sau cai nghiện trong vòng 12 tháng, nếu không tái nghiện thì được ra khỏi danh sách quản lý.

Nghiện ma túy được xem là một vấn nạn của xã hội và cai được ma túy là hết sức khó khăn trong khi hình thức cai nghiện trên lại khá “lỏng” đối với các đối tượng, nhất là việc theo dõi, quản lý. Vì thế dù đạt được một số kết quả bước đầu song thiếu bền vững, hầu hết các đối tượng đều tái nghiện sau cai.

Bệnh nhân được tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước khi sử dụng methadone.
Bệnh nhân được tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước khi sử dụng methadone.

Một điều dễ nhận thấy rằng, hoạt động cai nghiện ở nhiều xã, phường, thị trấn chủ yếu mới tập trung ở khâu tuyên truyền, vận động, chưa tập trung đầu tư vào khâu rà soát, đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng người. Việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho người sau cai chưa được chú trọng.

Thành viên của các tổ công tác cai nghiện chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên khó khăn trong việc bố trí thời gian cũng như triển khai các hoạt động chuyên môn, nhất là các hoạt động liên quan đến quản lý, tư vấn cho người cai nghiện, tổ chức điều trị cắt cơn giải độc.

Mặt khác, quá trình rà soát thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, họ thường vắng mặt nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhất là các đối tượng thường xuyên đi làm ăn xa, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý người nghiện ma túy. Kinh phí cho hoạt động này còn hết sức hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn công tác. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Một nguyên nhân nữa khiến cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn lại xuất phát từ chính gia đình người nghiện. Không ít gia đình đã tự nguyện đưa con em đi cai song chỉ một thời gian họ nản chí vì kết quả của việc cai nghiện không phải một sớm, một chiều trong khi nhiều gia đình đang rơi vào hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Và nữa, người nghiện thiếu ý tự giác cũng là vấn đề khá phổ biến. Không ít đối tượng tìm mọi cách để che dấu tình trạng bản thân.

Thực trạng trên đã tác động không nhỏ đến hiệu quả của chương trình này. Cùng với đó là xã hội vẫn còn tâm lý định kiến nặng nề với người nghiện. Thế nên nhiều người nghiện sau cai không tìm được việc làm. Điều này khiến họ rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn. Và cũng chính từ việc quá nhàn rỗi dễ dẫn đến hậu quả tái nghiện.

Để cai nghiện thành công và tránh trường hợp tái nghiện, thiết nghĩ, bên cạnh sự hỗ trợ từ cộng đồng, quyết tâm của người cai nghiện vẫn là quan trọng nhất. Để làm được điều này, gia đình, cộng đồng và xã hội cần có cách nhìn cởi mở hơn đối với người nghiện. Do kỳ thị, coi nghiện ma túy là “sự tha hóa về nhân cách” nên từ chối tiếp nhận việc làm, xa lánh nên đã vô tình đẩy người nghiện đi xa hơn vào tình trạng nghiện ngập, thậm chí phạm tội. Chính điều này gây khó khăn cho công tác cai nghiện.

Kể từ tỉnh ta triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone (thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS) với quan điểm xem người nghiện là bệnh nhân và sẵn sàng có sự hỗ trợ về mặt tinh thần đã góp phần xóa bỏ mặc cảm ở người nghiện ma túy và gia đình họ, giúp cho nhiều người có thể công khai tình trạng nghiện của bản thân hoặc con em mình để được giúp đỡ điều trị, cai nghiện sớm.

Bên cạnh đó, sự ra đời của cơ sở điều trị nghiện bằng methadone và nhất là mô hình tư vấn điều trị nghiện ma túy đã tiếp thêm động lực để người bệnh cai nghiện. Điều đáng mừng là hầu hết người tham gia điều trị đều giảm tần suất và ngừng hẳn sử dụng ma túy. Ngoài ra, bệnh nhân còn được cải thiện rõ nét về mặt tinh thần, tâm trí ổn định để kiên trì điều trị. Kết quả này  mở ra hướng đi mới trong công tác phòng, chống ma túy và HIV/AIDS, góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội.

Hiện tại, tỉnh ta đang tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước giảm tác hại của nghiện ma túy, giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, giảm và kiềm chế lây nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng...

Một trong những nhiệm vụ được quan tâm là thực hiện lộ trình chuyển đổi Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh theo hướng tăng dần điều trị nghiện tự nguyện, giảm điều trị nghiện bắt buộc; đưa điều trị thay thế methadone vào triển khai tại trung tâm.

Trong giai đoạn 2016 – 2020 thành lập thêm các cơ sở điều trị methadone ở địa bàn các địa phương và thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, đồng thời tăng cường nguồn lực để nâng cao năng lực dự phòng và điều trị cai nghiện nhằm thực hiện thành công các nội dung của Kế hoạch số 1051/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

Nhật Văn