Hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại tình dục
(QBĐT) - Đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục, bên cạnh nỗi đau đớn về thể chất, là sự khủng hoảng về tinh thần, nỗi ám ảnh suốt thời thơ ấu và kéo theo nhiều hệ lụy cho cả tương lai. Chính vì vậy, phía sau mỗi tội ác xâm hại tình dục trẻ em bị phanh phui, đưa ra ánh sáng, khi kẻ thủ ác phải trả giá đích đáng cho hành vi của mình, trẻ em vẫn là đối tượng cần được quan tâm nhất, đặc biệt là sự hỗ trợ về tâm lý, để nhanh chóng hồi phục, hòa nhập cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, vẫn còn đó không ít trường hợp, việc tư vấn tâm lý chưa được xem trọng.
Giữa năm 2014, cháu N.T.H, con gái chị L.T.B, ở Sen Thủy, Lệ Thủy bị một đối tượng xâm hại tình dục ngay tại nhà khi ở một mình. Điều đáng nói, cháu H. là trẻ em khuyết tật nặng, thuộc diện rối loạn tâm thần, động kinh, thiểu năng tâm thần. Đối tượng thực hiện hành vi hiếp dâm đã ở tuổi gần 60 và còn đang tâm xâm hại cháu 2 lần trong vòng 1 ngày. Anh trai của cháu H. chia sẻ trong nước mắt, sau khi vụ việc xảy ra, mặc dù chưa nhận thức được hành vi tội ác đối với mình, nhưng trong vòng 1 tháng sau đó, cháu thường xuyên biểu hiện sự đau đớn, hoảng loạn. Anh trai cháu H. phải bỏ việc ở nhà chăm sóc em gái, để em vơi bớt nỗi sợ hãi. Đáng thương hơn nữa, chị B, mẹ của cháu H. cũng thuộc diện người khuyết tật của xã, trình độ nhận thức hạn chế, hầu như vẫn chưa hiểu được những nỗi đau về thể xác và tinh thần của con trẻ. Từ sau khi sự việc xảy ra, cháu H. cũng chưa được đến khám tại các cơ sở y tế chuyên về tâm lý học hay chuyên về trẻ em để được hỗ trợ điều trị tâm lý. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, đoàn thể ở cơ sở cũng chỉ mới dừng ở mức độ hỏi han, thăm nom, chưa thực sự chú trọng vấn đề hỗ trợ tâm lý cho cháu hay động viên gia đình đưa cháu đi khám, tư vấn tâm lý. Gia đình cháu H. lại thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt, 3 mẹ con sống với nhau, chị B. và chồng chuẩn bị ly hôn, điều kiện kinh tế khó khăn.
Kẻ thủ ác đã đền tội trước pháp luật, nhưng những trẻ em bị xâm hại tình dục thì phải chịu hậu quả đến suốt cuộc đời... |
Một vụ án hiếp dâm trẻ em khác trên địa bàn xã Duy Ninh, Quảng Ninh cũng gây chấn động dư luận trong năm 2013 khi nạn nhân là 2 bé gái ở độ tuổi lên 7. Các bé bị xâm hại nhiều lần trong khoảng thời gian dài hơn 5 tháng trời mà không ai phát hiện. Thủ phạm, mặc dù chỉ mới ở độ tuổi 14, nhưng do tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy lại thiếu sự chăm sóc, giáo dục, kiểm soát của gia đình, cho nên đã gây ra tội ác. Mặc dù hành vi giao cấu với trẻ em chưa để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng rõ ràng, sự ảnh hưởng của hành vi này vẫn để lại nhiều tác động xấu trong quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ em. Đó là chưa kể đến sự hoang mang trong dư luận xã hội, phá vỡ sự yên bình bấy lâu của làng quê.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, chuyên trách về chính sách xã hội của xã Duy Ninh (Quảng Ninh), phụ trách mảng trẻ em, cho biết, khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân trực tiếp làm việc với công an xã để giải quyết, chưa có sự tiếp xúc với cán bộ phụ trách trẻ em để có sự hỗ trợ thêm, do đó, chị Phương cũng chỉ nắm thông tin để thông báo lên cấp trên (?!).
Ông Lê Hữu Duật, Phó Chủ tịch xã Duy Ninh cho biết thêm, các đoàn thể, chính quyền cũng chủ yếu, thăm hỏi, động viên để gia đình giúp bé sớm hòa nhập với môi trường, “với lại, các cháu còn nhỏ, chưa biết gì đâu, mà cũng không thấy hoảng loạn gì” (?!). Tuy nhiên, theo như ông Duật chia sẻ, đối với các bậc phụ huynh chủ yếu làm nghề nông, trình độ học vấn thấp, nhiều khi khó nhận thức thấu đáo tầm quan trọng của vấn đề. Chính vì vậy, việc trẻ em-nạn nhân của xâm hại tình dục-cần được hỗ trợ tư vấn tâm lý từ các chuyên gia, bác sĩ tâm lý là điều mà hầu như chưa ai nghĩ đến.
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, trong năm 2014, Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý 7 vụ án về hiếp dâm trẻ em, trong đó, án sơ thẩm có 3 vụ với 5 bị cáo, án phúc thẩm có 4 vụ với 4 bị cáo. Còn theo số liệu thống kê từ Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2013 và 2014, toàn tỉnh có 11 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục và đa phần các trường hợp thường xảy ra ở vùng nông thôn. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, đối với các trường hợp bị xâm hại tình dục, cán bộ phụ trách mảng trẻ em tại xã, phường sẽ thực hiện các bước theo thông tư 23/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Hiện nay, dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình hệ thống Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng” cũng đã được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và thường xuyên có sự liên kết, trao đổi, cập nhật thông tin. Dự án đã góp phần tạo sự gắn kết bền chặt giữa các ngành, đoàn thể, trường học cấp xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai hệ thống Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng. Dù phát huy hiệu quả, nhưng dự án mới chỉ triển khai thí điểm tại 5 xã của huyện Quảng Ninh. Các dự án thuộc Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em cũng được triển khai với 33 xã, phường, thị trấn có điểm tư vấn cộng đồng trợ giúp trẻ em.
Trẻ em cần sự quan tâm chung tay của cộng đồng để tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục |
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cũng thẳng thắn thừa nhận một thực tế là việc triển khai công tác bảo vệ trẻ em tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, bởi đội ngũ những người làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách. Ở không ít xã, phường, cán bộ phụ trách mảng trẻ em vừa kiêm cả chính sách, lao động, xã hội... Mặt khác, hầu hết anh chị em cũng chỉ mới qua một vài lớp bồi dưỡng, tập huấn về trẻ em, chưa có sự đào tạo chuyên sâu về tâm lý trẻ em để có thể hỗ trợ tích cực cho trẻ trong hoàn cảnh đặc biệt, như khi bị xâm hại tình dục. Trong khi đó, đối với khu vực nông thôn, vai trò của cán bộ phụ trách mảng trẻ em rất quan trọng trong việc định hướng cho gia đình trẻ biết cần phải làm gì khi trẻ bị xâm hại, cũng như tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm, tỉnh ta vẫn chưa có đội ngũ chuyên gia về tâm lý để trợ giúp trong lộ trình bảo vệ trẻ em khỏi những sang chấn tâm lý sau xâm hại.
Chương trình phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đưa ra một con số đáng lo ngại, đó là có đến hơn 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, chủ động phòng ngừa nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, đồng thời, cộng đồng và mỗi gia đình phải luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ con em mình trước nguy cơ này. Mặt khác, đối với các vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt pháp luật, vật chất, cần có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả về tư vấn tâm lý cho trẻ em và gia đình. Và có lẽ, xây dựng một đội ngũ chuyên gia hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau xâm hại ở tỉnh ta là một điều rất cần thiết, nhất là với đối tượng trẻ em ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Quảng Hạ