.

Tuyên Hóa: Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Thứ Năm, 17/10/2013, 16:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến hàng ngàn ngôi nhà của các hộ dân dọc hai bên bờ sông Gianh ngập sâu trong nước lũ. Đến sáng nay (17-10), mưa đã tạnh, chính quyền địa phương và người dân huyện Tuyên Hóa đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ.

 

Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa có mặt tại các địa phương để chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa có mặt tại các địa phương để chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Từ sáng sớm 17-10, chúng tôi đã cùng với đồng chí Trần Vũ Khiêm, Bí thư Huyện ủy có mặt tại các xã vùng hạ du sông Gianh. Ghi nhận ban đầu là chính quyền các địa phương đã cùng với người dân nỗ lực hết mình nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ với tinh thần hết sức khẩn trương.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, tinh thần chỉ đạo của huyện là huy động tối đa nhân lực, tập trung làm vệ sinh tại các các cơ sở trường học, trạm y tế để bảo đảm đưa học sinh trở lại trường và thực hiện công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, các thành viên Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện tiếp tục bám địa bàn được phân công để chỉ đạo chính quyền địa phương và các lực lượng triển khai ngay các phương án xử lý vệ sinh môi trường, dịch bệnh sau lũ.

Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trạm Thú y, UBND các xã, thị trấn triển khai ngay các phương án để đảm bảo vệ sinh môi trường, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc cho người và gia súc; triển khai phun tiêu độc khử trùng, hạn chế dịch bệnh xảy ra sau mưa, lũ. Lãnh đạo huyện tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời những gia đình bị thiệt hại nặng cả về người và của do mưa lũ, bằng mọi giá không được để dân đói.

Người dân xã Văn Hóa khẩn trương vệ sinh đường liên thôn ngay sau khi lũ rút.
Người dân xã Văn Hóa khẩn trương vệ sinh đường liên thôn ngay sau khi lũ rút.

Cũng trong sáng 17-10, Huyện Đoàn Tuyên Hóa đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên của các cơ quan, đơn vị về  các xã bị thiệt hại nặng giúp nhân dân, các trường học, trạm y tế khắc phục thiệt hại. Cụ thể, đã tổ chức được 7 đoàn gồm chi đoàn Huyện ủy, UBND huyện, Mặt trận, Công an, Kiểm lâm, Viện Kiểm sát, Toà án về trực tiếp giúp các xã Văn Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Tiến Hóa, Thạch Hóa làm vệ sinh sau lũ.

Đang cùng với các cán bộ, giáo viên và phụ huynh làm vệ sinh lớp học, cô giáo Hoàng Thúy Liễu, giáo viên Trường Tiểu học Liên Sơn, xã Mai Hóa cho biết: Từ sáng sớm, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã có mặt tại trường khẩn trương làm vệ sinh trường lớp học. Do địa bàn trường ở vùng thấp trũng nên hàng năm vẫn thường phải chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Năm nay, mặc dù đã nhận định được tình hình lũ có thể rất lớn và đã chuẩn bị thu dọn đồ đạc, dụng cụ dạy học lên vị trí cao từ rất sớm nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại.

Các em học sinh Trường Tiểu học Văn Hóa làm vệ sinh trường lớp sau lũ.
Các em học sinh Trường Tiểu học Văn Hóa làm vệ sinh trường lớp sau lũ.

Chúng tôi tiếp tục hành trình đến xã Văn Hóa. Mặc dù mưa đã tạnh từ đêm qua, nhưng mãi đến sáng nay, hầu hết các tuyến đường liên thôn của xã vẫn ngập trong nước lũ. Hậu quả nặng nề mà người dân nơi đây phải gánh chịu trong trận bão đầu tháng 10 vừa qua vẫn còn hiện rõ trên từng mái nhà với ngổn ngang ngói vỡ, tấm lợp cong vênh; những vật dụng sinh hoạt gia đình của hầu hết các hộ dân nơi đây còn chưa kịp được sửa sang, sắp xếp, nay lại phải thêm một lần nữa chìm trong biển nước màu vàng đục của dòng sông Gianh cuồn cuộn chảy.

Đến sáng 17-10, nhiều tuyến đường liên thôn của xã Văn Hóa vẫn ngập sâu trong lũ.
Đến sáng 17-10, nhiều tuyến đường liên thôn của xã Văn Hóa vẫn ngập sâu trong lũ.

Thầy giáo Lê Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Hóa cho biết: Từ sáng sớm, các lực lượng đoàn viên thanh niên đã có mặt phụ giúp nhà trường làm vệ sinh trường lớp. Tuy nhiên do lớp bùn rất dày nên phải mất khá nhiều thời gian và thực hiện hết sức khẩn trương mới có thể xong việc trong ngày hôm nay. Tinh thần là nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Chúng tôi quyết tâm đưa học sinh trở lại trường trong ngày 18-10, thầy Nghĩa chia sẻ.

Thông tin mà chúng tôi nhận được đến thời điểm 11 giờ ngày 17-10, trên địa bàn Tuyên Hóa, mưa lũ đã làm 1 người chết, đó là anh Trần Thanh Phương, công nhân Nhà máy Xi măng Sông Gianh. Mưa lũ cũng đã làm 8 người bị thương ở các xã Mai Hóa (5 người), Châu Hóa (1 người), Tiến Hóa (1 người) và Phong Hóa (1 người).

Đoàn viên thanh niên Công an huyện Tuyên Hóa giúp làm vệ sinh các trường học sau lũ.
Đoàn viên thanh niên Công an huyện Tuyên Hóa giúp làm vệ sinh các trường học sau lũ.

Hiện công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được cán bộ, chính quyền và người dân huyện miền núi Tuyên Hóa thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất.

Về tài sản, mưa lũ đã làm tốc mái 30 nhà dân, cuốn trôi 1 nhà của ông Đinh Văn Hòa ở xã Thanh Hóa. Có 207 nhà dân bị lũ quét hư hỏng nặng, gần 8.000 nhà bị ngập chìm trong nước lũ, trong đó ngập sâu trên 2m là 2.490 nhà (chủ yếu ở các xã vùng hạ du sông Gianh). Mưa lũ cũng đã khiến 29 trường học bị hư hỏng, 279 phòng học, 5 trạm y tế với 24 phòng khám bệnh bị ngập sâu; gần 100 tấn lương thực của người dân bị lũ cuốn trôi; 3 con trâu, bò và gần 5.000 con gia cầm bị trôi chết; diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 30ha, 20 lồng cá của người dân bị trôi.

Về cơ sở hạ tầng, Quốc lộ 15 bị ngập 2 đoạn (cầu tràn Quảng Hóa, xã Lê Hóa và ngầm tràn khe Đènh, xã Kim Hóa), Quốc lộ 12 bị ngập 2 đoạn tại đoạn cầu Yên Tố (Đức Hóa) và khu vực trước UBND Đức Hóa.

Tổng thiệt hại ước tính trên 52 tỷ đồng.

Nguyễn Hoàng