Hôn nhân ở gia đình trẻ: Khi "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt"...

Cập nhật lúc 08:19, Thứ Sáu, 01/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến với nhau bằng tình yêu tự nguyện, nhưng chỉ vì không hoà giải được bất đồng trong cuộc sống hôn nhân, nhiều đôi vợ chồng trẻ đã phải giải quyết bằng cách ra tòa, để “giải phóng” và trả lại “tự do” cho nhau.

Không hợp là… ra tòa

Cuộc sống gia đình sau hôn nhân là một thách thức không nhỏ đối với nhiều đôi vợ chồng trẻ. Và khi những mâu thuẫn nhỏ nhặt tất yếu trong những ngày đầu xây dựng hạnh phúc dần dần nảy sinh, từ chuyện “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, cho đến những bất đồng trong quan điểm sống... Để hoá giải những bất đồng này nhiều đôi vợ chồng đã tìm đến tòa án như một cứu cánh. Có muôn vàn lý do để họ trình bày trước tòa. Nhưng trong đó có một lý do mà hầu như đôi lứa nào cũng viện dẫn đó là do “bất đồng quan điểm sống”.

Năm 2010, chị N.T.H (SN 1992) và anh N.Đ.T (SN 1991) ở huyện Quảng Trạch, kết hôn với nhau. Những tưởng 2 người ở cùng thôn, trước khi đi đến quyết định này, họ đã thấu hiểu nhau. Cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc như mơ ước. Nhưng sau đó không lâu, giữa 2 người lại xảy ra nhiều xung đột do bất đồng quan điểm. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, khi anh T. đã nhiều lần đánh đập vợ. Thế rồi, chuyện không mong muốn đã xảy ra, chị H. viết đơn xin ly hôn và được tòa án chấp nhận.

Trường hợp, chị N.T.T.L và anh H.V.D ở thành phố Đồng Hới lại khác. Thời gian đầu, anh chị sống khá hạnh phúc và đã sinh được 2 con khoẻ mạnh. Nhưng kể từ năm 2010, khi anh D nhiều lần uống rượu say về nhà gây gổ, đánh đập, xúc phạm và đuổi chị ra khỏi nhà. Từ đó, chị về nhà ngoại sinh sống. Đến tháng 4-2010, anh chị quyết định ra tòa ly hôn.

Năm 2011, sau nhiều lần anh D. đến xin lỗi, vì thương con, chị thuận tình quay trở lại để cùng anh chăm sóc con cái. Tuy nhiên, D. vẫn chứng nào tật ấy. Lần này, không chịu đựng được nữa, chị quyết định một lần nữa viết đơn ra tòa xin ly hôn. Mặt khác, anh D. thừa nhận là do, mỗi khi có xích mích, chị L. thường bỏ về nhà ngoại sống. Trong đó có một số lần anh đã tát vợ do chị L. nói hỗn.

Do thiếu tiếng nói chung trong hôn nhân, nên mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng không cùng ngồi lại với nhau để tìm cách tháo gỡ. Bên nào cũng cố chấp, bảo vệ chính kiến của mình. Chính điều này đã đẩy họ ngày càng xa nhau. "Một sự nhịn là chín sự lành", "cơm sôi thì nhỏ lửa" như lời dạy của ông bà xưa vẫn là một bài học còn nguyên giá trị.

Trong năm 2012, trung bình mỗi ngày, ngành Tòa án toàn tỉnh giải quyết hơn 2,3 vụ việc ly hôn. Trong đó, đáng chú ý xu hướng ly hôn trong các gia đình trẻ ngày càng gia tăng (độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi).       

Sắp đến ngày sinh nở, chị M.T.D ở huyện Quảng Trạch, xin phép về nhà bố mẹ đẻ để sinh con. Một thời gian sau, anh T.V.L đi làm ăn xa về, qua nhà vợ xin đón 2 mẹ con chị về để tiện chăm sóc, nhưng D. không đồng ý. Sau đó, anh L. vẫn nhiều lần qua lại chăm sóc và tiếp tục đề nghị chị trở về. Nhưng chị D vẫn không đồng ý và cho rằng, vợ chồng sống không hợp, vì suốt thời gian chung sống trước đó, hai người thường xuyên cãi vã nhau. Không chịu đựng được sự cố chấp của vợ, anh L. viết đơn xin ly hôn.

Thiếu sự cảm thông, chia sẻ trong hôn nhân và gia đình cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều cặp vợ chồng vừa mới kết hôn đã phải dắt nhau ra tòa. Vợ mới về nhà sinh con được 2 tháng, chỉ vì biết bố vợ bị bệnh phổi nặng, mà anh P.Đ.T (ở Quảng Trạch) đã cấm vợ, con mình tiếp xúc với bố vợ vì sợ bị lây bệnh.

Vì chuyện này, từ đó anh T. tìm mọi cách để gây chuyện với vợ. T còn cho rằng chị P.T.N nhác làm, lười biếng. Không dừng lại ở đó, T. ruồng rẫy và đuổi vợ ra khỏi nhà. Không biết nương nhờ vào ai, chị N lại bế con sang ngoại, từ đó cho đến lúc ly hôn, hai người sống ly thân.

Gia tăng ly hôn ở gia đình trẻ

Mặt khác, những bất hòa trong các gia đình trẻ này chủ yếu đến từ người chồng bê tha, rượu chè, cờ bạc, thiếu kiềm chế, kiểm soát bản thân dẫn đến những hành động xúc phạm, bạo lực đối với vợ.

Nguyên nhân chính dẫn đến chị C.T.G và anh L.N.Đ ở huyện Quảng Trạch ly hôn là do, tuy đã có vợ, nhưng anh Đ. vẫn thường bù khú cùng bạn bè, suốt ngày cờ bạc rượu chè. Sau những cơn say, về nhà, Đ. đập phá nhiều đồ đạc trong gia đình và nhiều lần chửi mắng, sĩ nhục, đánh đập vợ.

Có lúc, giữa bữa ăn, Đ. đã đổ hết cơm và thức ăn xuống nền nhà. Nhiều lần chị G đã nhờ 2 bên gia đình và bà con lối xóm can thiệp, giúp đỡ, nhưng Đ. vẫn chứng nào tật ấy, “no rượu hơn no cơm”. Không thể cam chịu hơn được nữa, năm 2010, hai người quyết định ly thân. Chị G. bỏ đi làm ăn xa, cũng là dịp để chị thử thách tình cảm vợ chồng, nhưng cuối cùng thấy tình cảm vợ chồng không còn nguyên vẹn như lúc trước. Chị đành viết đơn ra tòa xin ly hôn. Đứng trước tòa, chị G. kể trong nước mắt: “Là một người con gái khi bước chân đi lấy chồng, cũng như bao người con gái khác, tôi cũng muốn có được một mái ấm gia đình ấm áp, có được người chồng thương yêu, một chỗ nương tựa lúc ốm đau, nhưng tôi lại không có được điều đó...”.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch, cho biết: Xu hướng ly hôn ở các gia đình trẻ ngày một gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do tuổi trẻ, thiếu kỹ năng ứng xử trong hôn nhân và gia đình, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên khi về chung sống với nhau, lúc xảy ra bất hòa, họ không biết cách hoà giải. Nền móng tình yêu ban đầu không bền vững, có quá ít thời gian để yêu đương và tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến các quyết định ly hôn ở các gia đình trẻ. Trong thực tế, phần lớn các vụ ly hôn thường xảy ra ở những gia đình có người chồng sử dụng bạo lực. Tuy nhiên, muốn xác định được người vợ có bị bạo lực hay không, chúng tôi cần phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc phải có giám định y tế.

Ông Diệu cũng lưu ý các đôi vợ chồng trẻ: “Mỗi khi có xích mích hoặc mâu thuẫn, vợ chồng cần bình tĩnh, nhường nhịn nhau, tránh trường hợp “đổ thêm dầu vào lửa” trong lúc nóng nảy. Rồi sau đó, dần dần tìm cách chia sẻ, dung hòa các mâu thuẫn”. 

                                                               Dương Công Hợp






 

,
.
.
.