Sống chung với... khát

Cập nhật lúc 08:43, Thứ Sáu, 14/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Giống như những địa phương miền núi khác, bà con ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nước sinh hoạt, đặc biệt là ở hai bản Khe Sung và Mười Bốn. Sống chung với cơn khát nhiều năm qua, hơn ai hết, người dân tộc Bru-Vân Kiều nơi đây hiểu được giá trị từng giọt nước của trời.

Vào những ngày trời mưa, bản Mười Bốn vui như mở hội, bởi bà con biết rằng mình sẽ có đủ nước trong bể chứa để dùng và con suối sau lưng nhà sẽ ăm ắp nước để giặt giũ, nấu ăn. Mấy chục năm qua, dân bản chỉ biết sống phụ thuộc vào “lộc trời” như thế.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng bản Mười Bốn, cho biết, ngoài nước mưa và nước từ khe suối, bà con chỉ biết trông chờ nước từ ba giếng đào trong bản. Nhưng nước cũng chỉ được gọi là tạm ổn, bởi chất lượng chưa được kiểm chứng, nhiều lúc còn có mùi xăng hay mùi đá vôi bốc lên, lo ngại đe dọa đến sức khỏe lâu dài của người dân.

Trong khi nước ở các bể chứa khu vực trên bản Khe Sung luôn đầy tràn nước...
Trong khi nước ở các bể chứa khu vực trên bản Khe Sung luôn đầy tràn nước...

Tuy nhiên, có nước dùng vẫn hơn không bởi vào mùa khô, nước khe cạn suối, nước giếng cạn đáy, thì vấn đề nước lại càng nan giải. Biện pháp hiệu quả nhất hiện nay theo ông Nguyễn Bá Thanh là sử dụng nước giếng khoan. Nhưng trong 70 hộ ở bản Mười Bốn, thì đến 45 hộ là hộ nghèo, do vậy, số tiền hơn 12 triệu đồng cho một chiếc giếng khoan lại càng trở nên rất xa vời. Vậy là tình trạng cứ mùa khô, tình cảnh phụ nữ và trẻ em thi nhau “rồng rắn” ra giếng đội nước mang về nhà trở nên vô cùng quen thuộc.

Nghịch cảnh trớ trêu là trong khi bản Mười Bốn không có nước sạch để dùng, thì bản Khe Sung lại có nước sạch để dùng mà bà con vẫn vất vả (?!). Ông Nguyễn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy, cho hay, cách đây mấy năm, bản Khe Sung được chương trình 135 hỗ trợ một công trình nước sạch. Đây là niềm vui lớn cho bà con nơi đây, thế nhưng, hiện nay, cả bản mới có được 13 hộ sử dụng được nguồn nước sạch, còn lại 20 hộ vẫn trong tình trạng thiếu nước.

...thì ở khu vực dưới bản Khe Sung, gia đình anh Hồ Ngọc Thọ phải lấy nước từ con suối nhỏ này.
...thì ở khu vực dưới bản Khe Sung, gia đình anh Hồ Ngọc Thọ phải lấy nước từ con suối nhỏ này.

Theo Trưởng bản Khe Sung Hồ Văn Loan, nước được lấy từ khe suối lớn trên nguồn, dẫn về bản bằng đường ống đến 4 bể chứa nước lớn. Từ bể nước này, bà con có thể sử dụng các ống nhựa nhỏ đưa nước về nhà hoặc trực tiếp đến lấy nước về. Tuy nhiên, 4 bể chứa nước lại được xây khá gần nhau ở khu vực phía trên (13 hộ có nước sạch), trong khi khu vực phía dưới lại không có bể nước nào và phải dùng ống dài bắt về.

Hiện nay, các ống bị hư hỏng không sử dụng được, khiến bà con khu vực dưới gồm 20 hộ, rất lúng túng trong nguồn nước sinh hoạt. Một số nhà có phương tiện đi lại như xe máy, xe đạp lặn lội chở từng can nước từ bể về, còn đa phần các nhà không có điều kiện thì đành sử dụng nước trực tiếp từ khe suối.

Vào mùa mưa, nước từ khe tạm đủ cho nhu cầu của bà con, còn mùa khô, nước khe cạn đáy, cơn khát nước trở thành nỗi ám ảnh. Ông Hồ Văn Loan lo ngại nhất là ở khe nước này trâu bò đầm mình, nhưng nhiều bà con vẫn giặt giũ, tắm rửa. Do đó, về lâu về dài, sức khỏe người dân sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Nguyễn Thoan cho biết nếu mong muốn của bà con bản Mười Bốn là được hỗ trợ vốn để đào khoảng 5 – 7 chiếc giếng khoan, thì bản Khe Sung chỉ ước ao hệ thống ống nước sẽ hết hỏng hóc hoặc sẽ được thay thế bằng hệ thống ống lớn hơn, để nước sạch có thể về đến tận từng nhà bà con.

                                                                         Mai Nhân








 

,
.
.
.