Võ Văn Bế và khát vọng xanh

Cập nhật lúc 10:56, Thứ Sáu, 02/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Không còn đôi mắt, nhưng còn đôi bàn tay, cái lí lẽ đơn giản ấy đã giúp anh sống lạc quan, cùng vợ xây dựng nên cơ ngơi kha khá. Anh còn được biết đến là một trong những người đi đầu tại địa phương trong phong trào trồng rừng trên vùng đất cát. Anh là Võ Văn Bế, ở thôn Thanh Lương, hội viên Hội Người mù xã Quảng Xuân (Quảng Trạch).

Sinh ra trong một gia đình nghèo, tuổi thơ của anh Bế là những chuỗi ngày dài sống khép mình trong bóng tối. Lớn lên, nhờ sự mai mối và cảm thông trước hoàn cảnh của anh, chị Trần Thị Cúc ở xã Quảng Long (Quảng Trạch) đã về làm bạn với anh, trước sự vui mừng xen lẫn lo lắng của gia đình hai bên. Mừng vì nghĩ cùng cảnh nghèo khó gặp nhau nên họ dễ cảm thông mà sống đầm ấm, hạnh phúc; lo vì anh là người khiếm thị, chị cũng nhỏ bé, gầy gò, liệu có thể làm gì để nuôi sống nhau?

Thế nhưng sau một năm lập gia đình, vợ chồng anh Bế mạnh dạn bàn nhau nhận đồi cát trắng phía tây quốc lộ 1A để khai hoang lập nghiệp. Không thể kể hết những ngày đầu gian khó ấy. Vùng đất hơn 2 ha ở thôn Thanh Lương khi ấy chỉ toàn cây bụi, hào hố công sự và mênh mông cát trắng. Ấy thế nhưng, với quyết tâm của mình, anh chị đã dựng lều và bắt đầu những dự định của mình. Không nhìn thấy đường, cầm cây cuốc sao cho đúng cũng còn khó khăn, huống chi là vỡ đất khai hoang. Nhưng với quyết tâm, nghị lực và trách nhiệm của người chồng, người cha, anh Bế đã nỗ lực cùng vợ làm lụng nuôi con. Chặt cây bụi, san lấp hố hào: không một máy móc thiết bị hiện đại, tất cả những công việc nặng nhọc ấy đều qua bàn tay của anh chị. Chồng làm lượt đi chưa được, vợ đi sau cần mẫn sửa lại.

Vợ chồng anh Bế - chị Cúc đang chăm sóc rau, sau lưng là hơn 10.000 gốc tràm, phi lao, keo lai... đang xanh tốt.
Vợ chồng anh Bế - chị Cúc đang chăm sóc rau, sau lưng là hơn 10.000 gốc tràm, phi lao, keo lai... đang xanh tốt.

Cứ như thế, hàng ngàn mét vuông cát trắng dần được khoác lên màu xanh cây cỏ dưới bàn tay lao động cần cù của anh chị. Ban đầu, vùng đất rộng hơn 500m2, anh chị dành để trồng rau cải, khoai lang, hành ngò và các loại dưa. Còn phần bao xung quanh là hơn 10.000 gốc cây tràm, bạch đàn, keo lai đã lên xanh tốt, đang chờ ngày thu hoạch. Anh chị còn nuôi thêm lợn, gà và đàn bò sinh sản.

Chị Trần Thị Cúc, vợ anh Bế hồ hởi khoe với chúng tôi: “Mỗi mùa rau dưa cho thu nhập khoảng 7- 8 triệu đồng; 2 lứa lợn khoảng 10 triệu đồng; đàn bò trị giá khoảng 50 triệu đồng; đàn gà cũng cho thu nhập trên 4 triệu đồng,... Trừ các khoản chi phí, ăn uống, đầu tư cho 3 đứa con ăn học, tính ra, mỗi năm còn dành dụm được 20 triệu đồng”. Với sự cần mẫn làm lụng, lại biết tính toán trong chi tiêu, năm 2009, gia đình anh chị xây cất được ngôi nhà mới khang trang. Và chỉ trong hai năm, món nợ làm nhà, anh chị cũng đã trả xong.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Anh Võ Văn Bế ở xã Quảng Xuân là một trong những tấm gương tiêu biểu của Hội Người mù huyện Quảng Trạch cũng như của tỉnh. Hiện nay, Tỉnh hội đang tích cực phát động hội viên hưởng ứng cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vượt khó vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng” của Trung ương hội. Bởi vậy, trong các cuộc họp tổng kết, chúng tôi thường nêu gương anh để các đơn vị về phổ biến anh em hội viên học tập”.

Với những nỗ lực của mình, năm 2010, anh được UBND tỉnh tặng bằng khen về tấm gương vượt khó vươn lên. Anh cũng là đại diện tiêu biểu của huyện Quảng Trạch tham dự Đại hội Hội Người mù toàn tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2012-2017.

Điều đáng nói nữa là, với khát vọng vươn lên của mình, vợ chồng anh Bế đã phủ xanh gần 2 ha đồi cát trắng, góp phần chống nạn cát bay, cát lấp từng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây. Khi chúng tôi hỏi anh rằng, vì sao anh nghĩ đến việc trồng rừng chắn cát, anh trả lời giản dị: "Tui sống trong bóng tối, nhưng qua ti vi, đài, tui cũng hiểu được những tác hại của nạn cát bay, cát lấp. Tui trồng rừng trước là giữ đất cho gia đình, sau nữa là mang lại màu xanh cho đồi cát của quê hương...".

Còn bao dự định đang ấp ủ trong lòng đôi vợ chồng cần cù và đầy nghị lực này. Anh Bế hy vọng, sau khi xã tiến hành quy hoạch và đấu thầu khu vực đồi cát, gia đình anh vẫn được nhận phần đất khai hoang để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình. Xin chúc cho niềm hy vọng của anh chị sẽ thành hiện thực, để những đồi cát nơi đây sẽ tiếp tục được khoác lên màu xanh của sự sống, như khát vọng xanh đang lớn lên trong tim họ mỗi ngày...

                                                                Hương Lê - Ngọc Mai




 

,
.
.
.