Bài dự thi "Vì an toàn giao thông":

Kiềm chế tai nạn giao thông ở Quảng Trạch

Cập nhật lúc 09:35, Thứ Sáu, 02/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tình hình ATGT diễn biến phức tạp, TNGT tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương, đó là thực trạng đáng buồn của “bức tranh” trật tự an toàn giao thông ở huyện Quảng Trạch từ năm 2011 trở về trước. Quyết tâm lập lại  trật tự ATGT và đặc biệt là kiềm chế TNGT, từ đầu năm 2012 đến nay, Quảng Trạch đã triển khai đồng bộ các biện pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên mặt trận này.

Từ thực trạng buồn...

Trong bức tranh trật tự ATGT huyện Quảng Trạch, năm 2011 được xem là năm “nóng” nhất. Theo thống kê, trong năm 2011, trên địa bàn huyện xảy ra 62 vụ TNGT đường bộ, làm chết 67 người, bị thương 29 người, tài sản thiệt hại gần 550 triệu đồng. So với năm 2010, TNGT tăng 17 vụ, tăng 20 người chết và 11 người bị thương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn xảy ra 89 vụ va chạm giao thông đường bộ, làm bị thương nhẹ 99 người, thiệt hại về tài sản 386 triệu đồng.

Đáng chú ý là, nguyên nhân gây tai nạn do đi sai phần đường chiếm 46,7%, tránh, vượt không đúng quy định chiếm 29%, không nhường đường chiếm 4,9%, thiếu quan sát chiếm 12,9%. Điều này cho thấy một thực tế rất đáng lo ngại là, ý thức của người tham gia giao thông rất kém, trong khi công tác tuyên truyền, vận động về pháp luật ATGT đã được cả hệ thống chính trị chú trọng.

Trên tuyến đường sắt, mặc dù các cấp, các ngành đã có sự quan tâm phối hợp trong công tác quản lý trật tự ATGT, tuy nhiên do một số đường ngang dân sinh chưa được tổ chức phòng vệ và lắp đặt hệ thống báo động từ xa, ý thức của người dân còn hạn chế nên TNGT vẫn xảy ra. Trong năm 2011, Quảng Trạch xảy ra 2  vụ TNGT đường sắt, làm chết 2 người.

Lực lượng CSGT Quảng Trạch kiểm tra việc chấp hành Luật ATGT.
Lực lượng CSGT Quảng Trạch kiểm tra việc chấp hành Luật ATGT.

“Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do các phương tiện tham gia giao thông chạy quá tốc độ, sai phần đường, tránh, vượt, đỗ, đậu sai quy định, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, chở quá số người, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện...Đặc biệt, còn nổi lên nhiều đối tượng lứa tuổi thanh niên điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng trên đường, không chấp hành lệnh dừng xe của lực lượng chức năng, cản trở người thi hành công vụ, khiến cho tình hình ATGT càng xấu thêm”- Thượng tá Phạm Sĩ Cương, Đội trưởng Đội CSGT- TT, Công an huyện Quảng Trạch bộc bạch với chúng tôi.

... Đến những biện pháp quyết liệt

Từ thực trạng trên, Quảng Trạch được xác định là địa bàn trọng điểm về ATGT. Với quyết tâm kiềm chế TNGT và lập lại trật tự ATGT trên địa bàn, phấn đấu giảm TNGT từ 5- 10%, bước vào năm 2012, Ban ATGT huyện và Công an Quảng Trạch đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp “mạnh” trong tuần tra kiểm soát, có sự phối hợp của nhiều lực lượng liên quan. Công an huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện, Ban ATGT Quảng Trạch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của tháng ra quân cao điểm, năm ATGT 2012 và Nghị quyết 88/CP của Chính phủ.

Ở các xã, thị trấn, cơ quan đơn vị trên địa bàn cũng đồng loạt triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, nhiệm vụ bảo đảm ATGT theo tinh thần của Ban ATGT huyện. Mặt khác, duy trì hoạt động có hiệu quả 9 mô hình tự quản về trật tự ATGT đường bộ, 2 mô hình ATGT đường thủy nội địa, 3 tổ xe thồ tự quản.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về pháp luật ATGT cho người dân đã được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và đạt hiệu quả cao. Cùng với tuyên truyền trực quan, Ban ATGT huyện đã cung cấp nhiều tài liệu tuyên truyền cho các xã, thị trấn phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

Đặc biệt, Công an huyện đã phát động thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, qua đó tổ chức cho 22 chủ tịch UBND các xã, ban công an xã và 13 chủ bến đò ngang ký cam kết trực tiếp với Trưởng ban ATGT huyện, nhằm bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn phụ trách.

Vấn đề ATGT học đường cũng được đặc biệt quan tâm. UBND huyện Quảng Trạch đã tổ chức hội nghị tuyên truyền ký cam kết bảo đảm ANTT và ATGT trong các trường học, với sự tham dự của 120 hiệu trưởng và thủ trưởng các ban ngành liên quan. Ngoài ra, lực lượng CSGT Công an huyện phối hợp với Trường THPT số 3 tổ chức ký cam kết bảo đảm ANTT và ATGT, có 1.200 giáo viên, học sinh tham gia; phối hợp với Huyện đoàn, các đơn vị liên quan mở lớp tuyên truyền, phổ biến luật giao thông cho 150 cán bộ cơ sở, tổ chức ký cam kết cho 180 cán bộ chủ chốt các đoàn thể, trường học...

Từ những việc làm trên, trong 9 tháng đầu năm 2012, tình hình trật tự ATGT và kiềm chế TNGT trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực, TNGT giảm trên cả 3 mặt. Theo thống kê của Ban ATGT huyện, trong 9 tháng qua, trên địa bàn Quảng Trạch xảy ra 29 vụ TNGT, làm chết 31 người và bị thương 12 người, so với cùng kỳ 2011 giảm 8 vụ TNGT, 11 người chết và 3 người bị thương. Các vụ va chạm giao thông cũng chỉ xảy ra 28 vụ, làm bị thương nhẹ 28 người. Đây là kết quả đáng mừng đối với một địa bàn rộng, điều kiệm giao thông phức tạp như Quảng Trạch.

Để duy trì trật tự ATGT

Tuy đạt được những kết quả trên, nhưng khách quan mà nói thì công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn Quảng Trạch còn gặp nhiều khó khăn, diễn biến vẫn rất phức tạp. Trong nhiều chuyến công tác tại đây, chúng tôi không khó để được mục kích những hình ảnh vi phạm trật tự ATGT của nhiều phương tiện, từ ô tô đến xe đạp và nhiều người dân, từ trẻ đến già, từ thị trấn Ba Đồn đến vùng Roòn hoặc sang vùng Nam của huyện. Thường xuyên nhất vẫn là tình trạng điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu...

Thượng tá Phạm Đức Tuyến, Phó trưởng Công an huyện Quảng Trạch khẳng định: “Với nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt, thường xuyên, tình hình ATGT ở Quảng Trạch đã có những chuyển biến rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tình hình này vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng các phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định về ATGT, người điều khiển không có giấy phép lái xe, chở quá số người, không chấp hành lệnh dừng xe của CSGT, lạng lách, đánh võng trên đường, không đội mũ bảo hiểm...vẫn còn xảy ra”.

Cũng theo thượng tá Phạm Đức Tuyến, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của không ít cán bộ và nhân dân còn hạn chế. Công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT tuy đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa quán xuyến hết địa bàn; lực lượng CSGT huyện quá mỏng, phương tiện phục vụ cho công tác tuần tra kiểm soát còn thiếu...Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả của công tác duy trì trật tự ATGT trên địa bàn.

Xuất phát từ tình hình trên, để duy trì trật tự ATGT và kiềm chế có hiệu quả TNGT trên địa bàn, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành đoàn thể cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tuyên truyền vận động cán bộ, quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật ATGT. Công tác tuyên truyền, vận động cần gắn với các hình thức khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích, đồng thời có hình thức nhắc nhở, phê phán, thậm chí kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân vi phạm, có nhiều hạn chế, khuyết điểm trong công tác ATGT. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT trong giáo dục, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật ATGT, nhất là đối tượng thanh thiếu nhi.

Đặc biệt, trong công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT huyện cần tiếp tục nâng cao hiệu quả việc kiểm tra theo từng chuyên đề, từng đối tượng và từng thời điểm, nhất là tuần tra kiểm soát vào ban đêm. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là đối tượng có tiền án, tiền sự, lạng lách đánh võng, không chấp hành lệnh dừng xe của CSGT. Bởi thực tế đã chứng minh, đây là biện pháp có tác dụng phòng ngừa và kiềm chế TNGT rất cao.

                                                                                Anh Tuấn

 

,
.
.
.