Khu tái định cư Cây Trai cầu cứu

Cập nhật lúc 09:34, Thứ Sáu, 02/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Khu tái định cư (TĐC) Cây Trai (hay còn gọi là thôn Trường Nam) thuộc dự án di dời dân để xây dựng đập thủy lợi Rào Đá. Sáu năm qua, những tưởng người dân nơi đây thực sự đã an cư lạc nghiệp, nhưng cuộc sống nơi khu TĐC vẫn còn đó những bộn bề khó khăn cần sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền.  

Khó khăn chồng lên khó khăn

Theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, UBND xã Trường Xuân đã cấp cho khu TĐC Cây Trai 105.844 m2 đất giúp 57 hộ dân thuộc khu vực lòng hồ Rào Đá đến định cư. Nhưng qua 6 năm hình thành, toàn thôn Trường Nam chỉ mới có 12 hộ với 33 khẩu đến sinh sống. Theo quy hoạch, trong khu TĐC Cây Trai có 36.384 m2 đất ở và sản xuất nông nghiệp, còn lại là đất rừng. So với những ngày đầu mới chuyển đến đây, các hộ gia đình vẫn còn quá nhiều khó khăn, không thay đổi là bao.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Khu vực này toàn là đất đồi núi bạc màu, thiếu nước sản xuất, đường sá đi lại khó khăn. Khi hình thành nên khu TĐC, để tạo lập mặt bằng, đơn vị thi công đã dùng xe ủi hết lớp đất màu mỡ phía trên, người dân không thể trồng được bất cứ một loại cây gì. Không có đất vườn tốt để sản xuất, đất trồng lúa nước cũng không, nên đời sống nhân dân nghèo khó là điều tất yếu.”

Hệ thống cơ sở vật chất của khu TĐC Cây Trai ngày càng xuống cấp.
Hệ thống cơ sở vật chất của khu TĐC Cây Trai ngày càng xuống cấp.

Chúng tôi được biết các hộ dân sinh sống tại khu TĐC chủ yếu thuộc các xã: Hiền Ninh, Xuân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh... sống trong cảnh “một chốn hai quê”. Khi đến vùng đất mới, với suy nghĩ "có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, cộng với sự hỗ trợ một phần kinh phí của nhà nước, nhiều hộ gia đình hạ quyết tâm “cắm chốt” tại khu TĐC. Họ mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trồng hoa màu và chăn nuôi. Thế nhưng giữa đất đồi bạc màu, khí hậu khắc nghiệt, mùa màng thất bát, đầu tư không hiệu quả, đồng vốn mai một dần. Chán nản, nhiều hộ gia đình bỏ khu TĐC quay về quê cũ tìm hướng mưu sinh. Nhiều ngôi nhà giờ đây bỏ hoang, nương vườn mọc đầy cây cỏ dại, khu TĐC Cây Trai xơ xác, tiêu điều.

Để tạo thuận lợi cho những hộ dân còn ở lại, năm 2011, UBND xã Trường Xuân cấp cho khu TĐC cư 0,5 ha đất trồng lúa nước tại khu vực hồ thủy lợi Trạng Rộông (bản Khe Ngang) nhằm bảo đảm một phần lương thực cho họ. Sau hai vụ sản xuất, thu hoạch không đáng là bao vì đất ruộng thiếu nước tưới, đoạn đường từ khu TĐC đến chỗ canh tác lại xa nên khó chăm sóc chu đáo cho cây lúa. Bây giờ thu nhập chủ yếu của các hộ dân chỉ nhờ gùi gỗ thuê cho lâm tặc hoặc vào rừng đốn củi, đốt than.

Tài sản của khu TĐC Cây Trai xây dựng qua 6 năm chỉ vẻn vẹn chừng 10 con trâu, bò và đàn gia cầm khoảng 300 con, quá ít ỏi để bảo đảm cuộc sống cho 12 hộ dân nơi đây thoát nghèo. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hai, Trưởng thôn Trường Nam cho biết: “Mặc dù đảng ủy, chính quyền xã Trường Xuân rất quan tâm đến bà con trong vấn đề sản xuất và vận động các ban, ngành trong xã giúp đỡ thêm cho thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng do khó khăn về đường sá, thiếu đất, công cụ sản xuất và đồng vốn nên dân Cây Trai không khá lên được”.

Không trồng trọt được, nhiều hộ dân trong khu TĐC bỏ nhà cửa, vườn tược cho cỏ dại mọc.
Không trồng trọt được, nhiều hộ dân trong khu TĐC bỏ nhà cửa, vườn tược cho cỏ dại mọc.

Anh Hoàng Đại Hiền, một cư dân khu TĐC Cây Trai chia sẻ: “Diện tích đất được chia ít, lại bạc màu, cằn cỗi nên không thể trồng bất cứ loại cây hoa màu nào. Dân chúng tôi chỉ có một mơ ước là được nhận đất rừng để trồng cây lâm nghiệp. Chứ hiện tại mang tiếng sống giữa rừng mà chẳng có đất trồng rừng”.

Làm gì để dân an cư lạc nghiệp?

Phó chủ tịch UBND xã Trường Xuân, Phạm Văn Quang nhận định: “Nhìn một cách tổng thể để tìm ra hướng phát triển kinh tế- xã hội nhằm giải quyết các vấn đề an sinh cho khu TĐC Cây Trai quả là bài toán khó. Trước mắt và cả về lâu dài phải tạo bằng được việc làm cho 12 hộ dân. Xây dựng cơ chế đồng bộ giữa chính quyền và nhân dân nhằm giúp dân vượt khó vượt khổ.

Trong đó yêu cầu cấp thiết là đầu tư hệ thống nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Tận dụng các nguồn vốn ưu đãi mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sản xuất. UBND xã sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng tạo điều kiện cho các hộ dân nắm bắt khoa học kỹ thuật kịp thời ứng dụng vào chăn nuôi, trồng rừng. Hỗ trợ về cây, con giống để bà con yên tâm sản xuất.

Mặt khác, cần động viên, kêu gọi các hộ dân trở lại khu TĐC”.
Vẫn biết con đường mưu sinh phía trước của khu TĐC Cây Trai còn đầy chông gai, nhưng quy luật cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn. Và vấn đề việc làm cho người dân khu TĐC Cây Trai đang là bài toán khó chưa tìm ra đáp số.

                                                                  Thanh Long - Hồng Đăng


 

,
.
.
.