Vẻ đẹp phụ nữ Việt xưa và nay qua hội họa

  • 06:55 | Chủ Nhật, 20/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ở mỗi thời đại, mỗi dân tộc hay cộng đồng đều có những tiêu chí thẩm mỹ riêng, trong đó có quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ. Chính vì vậy mà không có tiêu chuẩn chung và mang tính cố định, từ đó có sự phong phú trong việc thể hiện nét đẹp của người phụ nữ trong lịch sử hội họa. Do những lý do khách quan như hoàn cảnh lịch sử, điều kiện thời tiết mà mỹ thuật truyền thống Việt Nam (thuật ngữ này để phân biệt với mỹ thuật hiện đại từ những năm đầu của thế kỷ XX) không còn lưu giữ được những tác phẩm hội họa về hình tượng người phụ nữ Việt Nam.           

Tuy nhiên, từ tính ước lệ của thẩm mỹ phương Đông nói chung, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt xưa được đúc kết mang tính biểu tượng, như: “Mặt trái xoan, mắt lá răm, mày lá liễu, mũi dọc dừa, cổ cao 3 ngấn…” hay “Mình hạc xương mai”… Chúng ta dễ dàng thấy được điều này qua miêu tả trong các thư tịch, văn, thơ và đặc biệt ở loại hình nghệ thuật điêu khắc Phật giáo. Tiểu biểu như tượng A-di-đà tại chùa Phật Tích (thời Lý), tỉnh Bắc Ninh. Bức tượng mang nhiều nét đẹp nữ tính hiền hòa với những đặc điểm tạo hình mềm mại, thanh thoát và tinh tế theo tiêu chuẩn thẩm mỹ trên.

Bên cạnh dòng nghệ thuật chính thống, còn một mạch nguồn không ngừng chảy, đó là mỹ thuật dân gian. Chúng ta có thể thấy hình tượng người phụ nữ Việt xuất hiện nhiều trong chạm khắc đình làng (thời Lê-Mạc) với hình tượng tiên rồng hay các cảnh nam, nữ trong vui chơi, lễ hội hay sinh hoạt đời thường.

Đặc biệt là sự phát triển của các dòng tranh dân gian, trong đó tiêu biểu là Đông Hồ và Hàng Trống. Người phụ nữ trong tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) có sự mộc mạc, dân dã và hồn nhiên trong các tác phẩm, như: Đánh ghen, hứng dừa, đánh đu... và đầy kiêu dũng nhưng vẫn mang nét mềm mại nữ tính trong tác phẩm về các nữ anh hùng dân tộc, như: Bà Triệu cưỡi voi, Hai Bà Trưng... Tranh Hàng Trống (Hà Nội) là thẩm mỹ của người dân thị thành, vì vậy, hình tượng phụ nữ thường thanh thoát, yểu điệu như trong bộ tranh Tố nữ. Từ tín ngưỡng thờ Mẫu, các tác phẩm phục vụ thờ cúng, như: Bà Chúa thượng ngàn, Tam tòa thánh mẫu…, hình tượng mẹ ở trung tâm, trang trọng mang những nét đẹp đặc trưng của phụ nữ Việt xưa… Có thể thấy thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ là xuyên suốt trong sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ phong kiến.

Mùa thu thiếu nữ
Mùa thu thiếu nữ.

Hội họa hiện đại Việt Nam chính thức bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX. Sự tiếp cận phương pháp tạo hình của phương Tây (Pháp) được các họa sĩ kết hợp nhuần nhuyễn với tinh thần nghệ thuật của dân tộc nói riêng, phương Đông nói chung đã tạo nên một nền hội họa đặc sắc.

Giai đoạn trước năm 1945, các họa sĩ vẽ nhiều về hình tượng người phụ nữ ở thị thành. Những cô gái đài các, sang trọng trong tà áo dài dân tộc hay trang phục áo tứ thân xuất hiện nhiều trong tranh. Trong đó tiêu biểu nhất có lẽ là tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân, sáng tác năm 1943 thể hiện người thiếu nữ nghiêng đầu ngắm hoa huệ tây (hoa loa kèn) với dáng điệu duyên dáng. Vẻ đẹp và phẩm hạnh của người phụ nữ Việt được đề cao thông qua chiếc áo dài trắng tinh khiết như một sự phản ứng trước mặt tiêu cực của phong trào Âu hóa đang từng ngày xâm nhập vào đời sống của giới trẻ.

Những họa sĩ như Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Tôn Thất Đào, Bùi Xuân Phái... đều có những danh tác về đề tài ca ngợi vẻ đẹp phụ nữ. Giới sưu tập tranh thế giới đã từng bỏ ra 3,1 triệu USD để sở hữu tác phẩm hội họa “Mademoiselle Phuong” (Chân dung cô Phương) của danh họa Mai Trung Thứ tại sàn đấu giá quốc tế Sotheby’s năm 2021; trước đó năm 2019 tác phẩm “Khỏa thân” của họa sĩ Lê Phổ đạt mức giá gần 1,4 triệu USD... Các tác phẩm hội họa của danh họa Việt Nam thế hệ Đông Dương ngày càng có giá trị cao bởi thể hiện được vẻ đẹp thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói tiêu chuẩn thẩm mỹ của thời kỳ này của phụ nữ Việt đó là sự nền nã, quý phái và sang trọng vì vậy hội họa thường mang đậm tính duy mỹ.

Hội họa có sự biến chuyển mạnh mẽ trong xây dựng hình tượng người phụ nữ giai đoạn cả đất nước bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước. Tiêu chuẩn thẩm mỹ mang tính ước lệ, mảnh mai trước đây dần bị thay thế bởi sự khỏe khoắn, cá tính phù hợp với điều kiện lịch sử. Giai đoạn này phổ biến là hình tượng người phụ nữ trong đời sống lao động, chiến đấu thông qua các tác phẩm ký họa, tranh màu nước của các họa sĩ tham gia chiến trường hoặc tham gia lao động sản xuất với nhân dân.

Các tác phẩm, như: “Nữ dân quân Bảo Ninh” (1969), “Pháo thủ gái bảo vệ bờ biển” (1968) của Trần Văn Cẩn, “May áo” của họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ năm 1954… và các ký họa, tranh màu nước của các họa sĩ thời kỳ này thường có lối biểu đạt nhanh, chủ yếu bắt lấy dáng hình và bối cảnh nhằm làm tư liệu cho sáng tác. Tiêu biểu trong việc xây dựng hình tượng phụ nữ mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng là tác phẩm tranh sơn dầu “Dừng lại” của hoạ sĩ Lê Lam vẽ năm 1967. Một người phụ nữ trong trang phục áo bà ba, quấn khăn rằn đang đứng sừng sững dang tay ngăn những chiếc xe bọc thép của quân thù đang dày xéo cánh đồng lúa. Sinh thời, họa sĩ Lê Lam cho biết rất cảm động khi được biết Bác Hồ đến xem triển lãm ở miền Bắc đã nói: “Cái này mạnh hơn sắt thép đấy. Các chú in ra cho toàn dân và thế giới xem”. Một tác phẩm khác là “Trái tim và nòng súng” của Huỳnh Văn Gấm, vẽ năm 1963. Mặc dù bị đàn áp nhưng những người phụ nữ Nam bộ vẫn không chịu khuất phục, hiên ngang bất khuất trước sự tàn bạo của họng súng quân thù. Các tác phẩm vẽ về hình tượng phụ nữ thời kỳ này thường có vẻ đẹp của sự mạnh mẽ, ý chí hiên ngang, kiên cường trước bối cảnh lịch sử đầy bi tráng.

Khi đất nước thống nhất, nhiều tác phẩm hội họa biểu hiện người phụ nữ vui tươi, hân hoan bước vào giai đoạn lịch sử mới của dân tộc, như những người phụ nữ 3 miền rực rỡ áo hoa cùng chung một niềm vui khi đất nước liền một dải trong tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013) của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ từ năm 1969-1989.

Đất nước mở cửa, đặc biệt giai đoạn hội nhập quốc tế và phát triển hiện nay tạo điều kiện cho hội họa đương đại phát triển đa sắc. Những tiêu chuẩn về vẻ đẹp người phụ nữ cũng vì đó mà có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây thường có vẻ đẹp điển hình chung mang tính biểu tượng thì nay là sự tiếp cận diễn tả vẻ đẹp trực diện, cụ thể và đa dạng hơn. Chúng ta có thể tạo hình người phụ nữ mới lạ trong các tác phẩm bán trừu tượng hiện đại của Đinh Quân, Phương Bình, Đinh Ý Nhi...

Vẻ đẹp cuốn hút của những người phụ nữ vùng cao Tây Bắc trong tranh của Mai Xuân Oanh, Lê Cù Thuần, Lê Thế Anh, hay vẻ đẹp nhẹ nhàng mơ mộng của các thiếu nữ trong tranh của các họa sĩ xứ Huế. Và có một mảng tranh độc đáo đó là các hoạ sĩ nữ vẽ về mình (tự họa) để giải bày tâm tư, tình cảm cũng như bày tỏ cái tôi cá nhân trong sáng tạo. Qua đó chúng ta cũng có thể hiểu hơn quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt thông qua chính giới cầm cọ nữ.

Trong các triển lãm tranh hiện nay, luôn xuất hiện các tác phẩm về người phụ nữ với nhiều phong cách, trường phái và quan niệm riêng của từng tác giả. Không còn những tiêu chuẩn chung để đánh giá vẻ đẹp, mà công chúng chú ý hơn việc tác giả đi sâu khai thác nội tâm, cá tính và đặc điểm cụ thể từng nhân vật cũng như câu chuyện truyền tải. Sự hội nhập với hội họa thế giới để tiếp nhận những tiến bộ và tinh hoa là điều cần thiết. Tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề trong sáng tác hội họa là phải luôn giữ được tinh thần, bản sắc dân tộc thông qua vẻ đẹp riêng của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

Nguyên Sa

tin liên quan

Chỉnh trang đường "thiên lý Bắc-Nam", phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của di tích Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh

(QBĐT) - Đó là nội dung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Công nhận Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh là điểm du lịch

(QBĐT) - Ngày 19/10, huyện Quảng Trạch đã tổ chức lễ đón nhận quyết định công nhận Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông là điểm du lịch. 

Con trai nhờ phúc mẹ

(QBĐT) - Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe bà nội tôi nói đi nói lại châm ngôn "Con trai nhờ phúc mẹ, con gái hưởng đức cha". Khi bà tôi không còn nữa, tôi lại nghe mẹ thường xuyên nói câu đó. Không chỉ mẹ, mà ở làng, tôi đều nghe câu này bất cứ ở người phụ nữ nào mà tôi yêu mến.