Tự khúc của em
(QBĐT) - Đêm mùa thu, tôi đi cùng em. Trăng mờ. Gió mát. Em nói với tôi rằng “Với em thì mùa nào cũng như mùa nào. Ngày hai ca, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Khuya từ 23 giờ đến 5 giờ sáng. Và có thể kéo dài hơn nếu công việc chưa hoàn thành. Không từ chối gì. Không trì hoãn bao giờ. Bởi nghề vệ sinh môi trường của em nó vậy!”.
Nga nhỏ nhắn, trắng trẻo, hay nói, hay cười. Nhìn Nga không ai nghĩ em có thể làm được công việc nặng nhọc ấy, nhưng Nga nói rằng em đã 20 năm trong nghề rồi đấy! Ngày mẹ con em chuyển về trọ cạnh nhà tôi, em tự giới thiệu về mình và một lời xin lỗi “Công việc của em có phần ồn ào, nên có chi phiền phức mong các bác thông cảm!”. Từ đó, tôi quen dần với tiếng xe rác lọc cọc, tiếng soạn sửa phế liệu, tiếng giấy bìa loạt xoạt, tiếng chai lon loảng xoảng từ bên nhà em vọng sang. Một ngày, tôi ngỏ ý được theo em đi làm, để biết thêm công việc của những nữ công nhân vệ sinh môi trường, em cười vang cả ngõ xóm: “Ôi trời ơi! Chị có biết là công việc của em chỉ có hôi hám, bẩn thỉu không? Lại đêm hôm nữa á! Đi theo làm chi cho khổ?!”. Tôi: “Kệ, cứ đi! Em đã làm công việc ấy từ hàng chục năm nay, chị chỉ một đêm thì có sao?!”
Khuya, Nga ới tôi từ đầu ngõ. Xóm biển nhập nhọa ánh đèn đường từ phía xa hắt vào. Màu trăng hạ tuần mơ màng. Đêm vắng càng thêm vắng. Chỉ nghe tiếng sóng biển âm âm vọng từ ngoài xa, lan nhẹ vào từng con ngõ. Bóng em nhỏ nhoi khuất sau chiếc xe đầy ắp rác. Vừa thấy tôi, em nói “Em đi từ đầu đêm, chạy gom mấy ngõ xa xa giờ mới đến đây gọi chị…”. Miệng nói, tay làm, Nga xách những thùng rác rất nặng để dọc lối đi, lựa chọn từng loại riêng cho vào các bao buộc sẵn nơi cần xe (thứ độc hại nguy hiểm, thứ có thể tái chế…) rồi đổ rất gọn lên thùng. Nhẹ như không. Thoăn thoắt và dứt khoát. Không một phút dừng nghỉ.
- Nhanh mới kịp chị ạ. Mọi việc phải kết thúc trước trời sáng. Khi mọi người bắt đầu ngày mới thì tất cả đã sạch sẽ, gọn gàng.
Tôi có ý đẩy xe cùng Nga: “Chị để em! Chỉ bọn em mới lái được chiếc xe này thôi. Vừa nặng. Vừa đầy. Vừa hôi. Rác tràn trong tràn ngoài thế này chị không chịu được đâu!”. Nói vậy nhưng Nga vẫn cười rất tươi. Tôi hiểu đó không phải là lời than thở. Có đi cùng em tôi mới biết thêm những khó khăn, vất vả và cả những nguy hiểm, độc hại mà công nhân làm vệ sinh môi trường đô thị phải đối mặt. Đa số nhân dân ta, trong đó có cả tôi chưa có thói quen phân loại rác thải, tất tần tật mọi thứ thượng vàng hạ cám đều cho vào một túi nilon hoặc dồn hết trong thùng. Kể cả những thứ rác là chất thải của con người cũng không loại trừ. Miễn nhà mình sạch, hậu quả để các chị vệ sinh môi trường chịu. Những thùng rác đầy ắp, khô có, ướt có, bốc mùi nồng nặc, những người làm công việc như Nga phải thu gom hết mà không có quyền từ chối.
Mùa khô, công việc thu gom rác thải còn có phần thuận lợi. Mùa mưa phùn, gió bấc, rét cắt da cắt thịt, họ vẫn làm công việc của mình mỗi ngày, mỗi đêm. Không trì hoãn, dù chiều nắng gắt hay đêm mưa rét! Tôi hỏi, em có phụ cấp độc hại không? Em bảo có, nhưng cũng không bao nhiêu. Nga kể rằng, mươi mười lăm năm về trước công nhân môi trường làm việc bằng phương tiện thô sơ hơn, tuy lượng rác thải ít nhưng rất vất vả. Hồi đó kể cả chất rác lên xe tải để tập kết ra bãi cũng phải xúc bằng tay. Hiện nay, công ty đã đầu tư cơ giới hóa trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, từng bước thay thế xe đẩy thủ công bằng xe tải nhỏ thu gom rác trên các tuyến phố lớn, sắm cả xe nâng đổ tự động và ép rác chuyên dụng. Chỉ những ngõ nhỏ hẹp xe trọng tải lớn không vào được mới sử dụng xe đẩy tay. Công nhân vệ sinh môi trường hiện nay đã đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Hiện nay, mỗi tháng mỗi hộ gia đình ở các phường trong thành phố nộp lệ phí thu gom rác thải 35.000 đồng. Chia nhỏ mỗi ngày chỉ hơn một ngàn. Trong tổng thu số tiền ấy dành một phần để trả lương cho người lao động. Vậy nên tiền lương của công nhân vệ sinh môi trường như Nga còn rất thấp. Chỉ hơn 5.000.000/người mỗi tháng. Đó là một số tiền quá nhỏ trong thời buổi vật chất lên ngôi. Nga nói với tôi rằng, để có thêm thu nhập, em tranh thủ nhặt phế liệu từ rác thải và đi làm thêm ở xưởng chế biến bột bánh canh. Ngày em chỉ ngủ được mấy tiếng đầu hôm thôi, khoảng từ 9 giờ đến 11 giờ đêm. Còn cả ngày làm việc và làm việc.
Mỗi buổi Nga đi làm về, tôi thường thấy sau chiếc xe máy cũ của em những chiếc bao rất to. Đó là phế liệu em thu được khi gom rác. Đây là bìa, giấy. Đây là lon kim loại. Đây là đồ nhựa… Từ khi có Nga ở trọ bên nhà, tôi có thói quen phân loại rác thải ra từng bao riêng. Rác thải vô cơ. Rác thải hữu cơ. Và để riêng cho em những thứ có thể bán được. Nhớ thời gian tỉnh Quảng Bình mưa lụt liên miên, đống giấy bìa của Nga ướt sũng. Tưởng là em phải vứt đi, ai ngờ một ngày nắng đẹp cô nàng ngồi cặm cụi nhặt nhạnh, gỡ từng tấm rồi trải ra phơi. Tôi cũng đến phụ em: “Chị tưởng như này là không bán được nữa?”, “Phơi khô là được chị à. Tiền cả đấy, không bỏ được đâu!”.
Thế hệ chúng tôi 6X, 7X trở về trước hầu như ai cũng thuộc bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu: “Những đêm hè/khi ve ve/đã ngủ/Tôi lắng nghe/trên đường Trần Phú/tiếng chổi tre/xao xác hàng me/Tiếng chổi tre/đêm hè/quét rác.../Những đêm đông/khi cơn dông vừa tắt/Tôi đứng trông/trên đường lặng ngắt/Chị lao công/như sắt/như đồng/Chị lao công/đêm đông/quét rác…”. Có lẽ đây là bài thơ hiếm hoi viết rất hay về những chị lao công bình thường, giản dị mà nhẫn nại chăm chỉ với công việc khó khăn vất vả của mình.
Đi cùng Nga trong đêm vắng, bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu lại xao xác vọng về. Bóng Nga bé nhỏ, bóng chiếc chổi trên tay em vừa dài vừa nặng. Em bước rất nhanh và đưa những đường chổi rất xa trên hè phố. Quy trình quen thuộc quét-hốt-đẩy rất đơn giản, đơn giản đến độ nhiều người coi thường nhưng để làm được như Nga và các đồng nghiệp của em thì hoàn toàn không dễ chút nào.
Âm thanh chiếc chổi quét trên đường phố tạo nhiều cảm xúc trong tôi. Trong đó có cả sự cảm phục. Để chúng ta có một môi trường sạch sẽ từ nhà ra ngõ, Nga và chị em vệ sinh môi trường đi vào đêm sâu, đi vào mưa gió, đi dưới trời nắng gắt. Họ đơn độc trên những con đường khuya vắng. Họ phải làm việc trong điều kiện vừa khắc nghiệt vừa tiềm ẩn nhiều bất trắc và nguy hiểm. Đã có những vụ xâm hại thân thể. Đã xảy ra tai nạn giao thông ở nhiều nơi đối với nữ công nhân vệ sinh môi trường. Nếu không can đảm và chịu thiệt thòi thì chị em không đảm nhận được công việc ấy!
Tôi sống gần Nga một thời gian và đi cùng Nga một quãng ngắn, đủ thực tế để khẳng định: Trong danh mục các nghề nghiệp người phụ nữ tham gia, vệ sinh môi trường đô thị là công việc nặng nhọc, độc hại số 1 nhưng chịu thiệt thòi bậc nhất. Mỗi năm hai ngày lễ dành cho phụ nữ, chị em vẫn làm đủ việc của mình. Ngày sau, họ còn làm nhiều hơn gấp đôi, gấp ba. Những chuyến xe rác đầy hơn, nặng hơn, trên đó có rất nhiều lẵng hoa với dòng chữ chúc mừng… “Việc gì còn hoãn được, việc thu gom rác thì không chị ạ. Nên, dù ngày lễ bọn em cũng đi làm. Ngày lễ càng phải sạch đẹp!...”.
Trương Thu Hiền