Lặng lẽ "tiếng chim trong vườn cũ"

  • 07:21 | Thứ Năm, 17/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau Một tiếng lòng, chị Đặng Hoàng Yến (giáo viên nghỉ hưu, quê Quảng Hòa, TX. Ba Đồn) tiếp tục trình làng Tiếng chim trong vườn cũ (NXB Thuận Hóa, 2024). Tiếng chim trong vườn cũ cũng là “một tiếng lòng” nhưng nghiêng về hoài niệm quá khứ hơn.

"Tiếng chim” của chị không “hót ra thơ” như tiếng chim Xuân Diệu, cũng không phải hót “vang trời” như tiếng chim chiền chiện của nhà thơ Thanh Hải mà hót một cách khoan thai, nhẹ nhàng, dìu dặt. Phải ở trong khoảng không gian thật yên tĩnh mới nghe được “tiếng lòng” của tác giả gửi gắm qua những vần thơ rất đỗi chân thành và dung dị.

Không phải ngẫu nhiên mà chị Đặng Hoàng Yến chọn đặt tiêu đề cho tập thơ là Tiếng chim trong vườn cũ. “Tiếng chim” thực chất là tiếng lòng của tác giả; “vườn cũ” vừa là mảnh vườn quê ở nhà, vừa là những kỷ niệm xưa. Những người đến tuổi xế chiều thường hay hoài niệm, thường hay hồi tưởng về quá khứ. Chị Đặng Hoàng Yến cũng không ngoại lệ. Nỗi nhớ quê, nhớ cha mẹ, nhớ những kỷ niệm xưa bàng bạc suốt cả tập thơ. Chị từng nhiều lần “trở về ngôi nhà cũ” vì muốn thưởng thức lại “một chút hương xưa”; để nghe tiếng chim bỏ quên thuở nhỏ/chạnh lòng đau nhớ tuổi thơ.

Tập thơ Tiếng chim trong vườn cũ của tác giả Đặng Hoàng Yến.
Tập thơ Tiếng chim trong vườn cũ của tác giả Đặng Hoàng Yến.

Nếu Bà Huyện Thanh Quan khi đi qua đèo Ngang thổn thức bởi tiếng quốc quốc, cái gia gia thì chị Đặng Hoàng Yến thổn thức bởi: Một con chim từ quy/bay về khu vườn cũ/chim buồn vui điều gì/hót cả đêm không ngủ (Tiếng chim trong vườn cũ). Nghe tiếng chim từ quy, chị bồi hồi: Nhớ Mạ thương Cha một thời đói khát/Ta lại thèm ăn bữa cơm đạm bạc/Cháy mãi trong lòng khúc nhạc tuổi thơ (Bữa cơm tuổi thơ). Chị ao ước: Về nhặt một tiếng hót chìa vôi/Rơi bâng khuâng trên hàng cau trước ngõ/Ánh trăng non nép sau vườn mờ tỏ/Bàn tay dại khờ run rẩy chạm bàn tay (Hồn quê).

Trong muôn vàn nỗi nhớ thì nỗi nhớ tình yêu đầu đời là nỗi nhớ cháy bỏng nhất: Có một miền ký ức rất xanh/Nơi em tình cờ gặp anh rồi âm thầm thương nhớ/Em đã yêu đến kiệt cùng hơi thở/Dâng trọn linh hồn cho một giấc phù du (Miền ký ức). Gặp lại bạn cũ, mặc dù “thời gian quá lâu rồi”, mặc dù đoán biết “câu thơ cũ chắc người không còn nhớ”, chị vẫn “hờn dỗi” với người ấy. Còn “hờn dỗi” nghĩa là còn yêu, nghĩa là trái tim chưa bị xơ cứng. Ta hãy lắng nghe nỗi niềm của chị qua “Sao anh không đến”: Em nghĩ là anh sẽ đến/Bình ly để sẵn pha trà/Soi gương điểm thêm chút phấn/Nôn nao trông ngóng vào ra. Chị cũng hồi hộp, cũng “nôn nao” chẳng khác gì tâm trạng của các cô gái chờ đợi người yêu. Không biết vì lý do gì mà người ấy lỡ hẹn. Câu hỏi “sao anh không đến?” là một lời trách nhẹ nhàng nhưng chứa đầy tiếc nuối. Chị nhắn gửi với người ấy: Làm sao tắt câu đã hát/Không thể hủy việc đã thành/Lỡ yêu đành phải chờ đợi/Dẫu rằng tình quá mong manh...

Hầu hết thơ của những người làm vào lúc xế chiều đều giàu suy tư, chiêm nghiệm. Chị Đặng Hoàng Yến ý thức một cách sâu sắc rằng “cuộc đời nào không hữu hạn/Có gì mà chẳng phôi pha”. Nhưng cũng như loại hoa phù dung sáng nở chiều tàn, chị “ném hết ưu phiền cay đắng” để “tỏa hương khoe sắc” cho đời. Ngấp nghé tuổi xế chiều, không may rơi vào cảnh ngộ cô đơn, lẻ chiếc, chị không hề che giấu những “chủ nhật buồn” khi “một mình lặng lẽ đếm thời gian”. Chị ngộ ra rằng: Một mình hơn thua cũng như nhau/nước mắt nụ cười thấm vào trong hết/cuộc đời này nông sâu ta đã biết/tất cả là phù vân. Biết vậy, nên dù đang sống trong cô đơn, lẻ chiếc chị vẫn “thanh thản”: Ta chỉ là hạt cát nhỏ nhoi/giữa mênh mông vũ trụ/nhiều ít gì đâu, vậy thôi cũng đủ/lòng ta thanh thản/tự hát khúc ru đời (Một mình). Chị tự khuyên mình: Vẫn biết đời người hữu hạn/Nên ta phải sống thật vui/Yêu thương mới là vô hạn/Để thêm trân quý cuộc đời! (Tuổi 70).

Trong bốn mùa, có lẽ mùa thu là mùa phù hợp với tâm trạng của chị Đặng Hoàng Yến nhất: Ta cùng thu qua bao mùa cũ/Hoa lá tàn xơ xác heo may/Gom chút nắng dệt nên mộng ước/Vẫn nồng nàn trong sáng thu nay (Tình thu). Đọc những dòng thơ này, tôi chợt nhớ hai câu thơ rất hay của chị trong tập thơ trước: Một chiếc lá rực lên trong hoàng hôn/Gom hết nồng nàn lên màu đỏ thắm. Chị vẫn “gom” như vậy, vẫn “nồng nàn” như vậy, vẫn lạc quan, yêu đời như vậy nên ít ai nghĩ đó là thơ của một phụ nữ đã ngấp nghé tuổi xế chiều.

Có người từng ví von “thơ như trò chơi vô tăm tích”. Thì cứ cho như vậy. Chị Đặng Hoàng Yến cũng thừa biết điều đó: “Chút rực rỡ trong chiều tàn dần/Rồi sẽ chìm sâu vào quên lãng/Còn chăng chỉ là tiếng vọng/Giữa thiên hà vang ngân” (Tiếng vọng). Tôi phải chọn thời điểm khi đêm đã về khuya mới nhẹ nhàng, chậm rãi lần dở từng trang Tiếng chim hót trong vườn cũ để lắng nghe thật rõ những “tiếng vọng” đa thanh ấy.

     Mai Văn Hoan

tin liên quan

Về lại quê nhà

(QBĐT) - Phố phường lần bước tha hương

Mà sao đau đáu nẻo đường nhà quê

Cỏ gà xanh một triền đê

Sáo diều ai thả bùa mê hồn làng

Giữ gìn, phát huy giá trị đặc biệt di tích lịch sử Song Trung miếu bia

(QBĐT) - Cũng như nhiều làng, xã ở Quảng Bình, Phù Kinh xưa, nay thuộc xã Phù Hóa, Cảnh Hóa (Quảng Trạch) được hình thành từ những cuộc di dân ở các địa phương miền Bắc vào dưới thời Lý, Trần, Lê và những năm đầu thời chúa Nguyễn. Tại đây có di tích lịch sử đền Song Trung (hay còn gọi là Song Trung miếu bia) ở thôn Trung Tiến, là nơi thờ hai cha con Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ, hai vị công thần đã có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống cát cứ, bảo vệ quê hương, phục hưng đất nước thời Hậu Lê.

Mời gửi bài, ảnh cho Báo Quảng Bình số Tết Ất Tỵ 2025

(QBĐT) - Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, Báo Quảng Bình ra ấn phẩm đặc biệt Tết Ất Tỵ 2025, Tòa soạn rất mong nhận được sự cộng tác nhiệt tình của các anh (chị).