Họ Trần Dưới-"viên ngọc" của đất học La Hà

  • 07:22 | Thứ Sáu, 18/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong “bát danh hương” nổi tiếng về đất học “Sơn-Hà-Cảnh-Thổ-Văn-Võ-Cổ-Kim”, có làng La Hà thuộc xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn). Ngày 9/9/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2567/QĐ-UBND công nhận nhà thờ họ Trần Dưới La Hà là di tích lịch sử cấp tỉnh. Vậy nhà thờ họ Trần Dưới thờ ai mà được công nhận danh hiệu mang giá trị này?

Vài nét về dòng họ Trần Dưới

Làng La Hà hiện có gần 20 họ, trong đó có 5 dòng họ lớn đã có công khai mở lập nên làng, trong 5 họ đó có họ Trần Dưới.

Ngược dòng lịch sử, thủy tổ dòng họ Trần Dưới là Trần Hữu Lễ, húy là Văn Lệ, người huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Vào thời nhà Lê sơ, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), ngài đã cùng ông tổ của các dòng họ khác như Mai Quang Minh, Trần Khoát Đạt… cùng đến vùng đất này khẩn hoang, lập ra làng La Hà.

Họ Trần Dưới làng La Hà không chỉ là một trong những dòng họ có công khai khẩn, lập nên làng La Hà xưa, xã Quảng Văn ngày nay mà còn là dòng họ có truyền thống hiếu học với khá nhiều người học giỏi, thi cử đỗ đạt cao, được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình cũng như ở các địa phương, có nhiều công lao, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Nhà thờ họ Trần Dưới, thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn).
Nhà thờ họ Trần Dưới, thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn).

Người đầu tiên phải kể đến trong việc học hành đỗ đạt và thành danh của dòng họ Trần Dưới làng La Hà là Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn.

Trần Văn Chuẩn tự là Trực Chi, sinh năm Bính Thân (1836), là tổ thứ 10 của họ Trần Dưới, làng La Hà. Thuở nhỏ, Trần Văn Chuẩn đã tỏ ra là người có tư chất thông minh, lớn lên học rộng, tài cao. Trong sách Đại Nam nhất thống chí, Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn được sử thần nhà Nguyễn khái quát hành trạng như sau: “... người huyện Minh Chính, đậu Tiến sĩ năm Tự Đức 15 (1862), làm đến Án sát sứ Thanh Hóa, sung Phó sứ qua Yên Kinh. Khi về được trao chức Thị giảng Học sĩ, Tham biện Các vụ (tức Nội các). Năm thứ 33 (1880), lãnh Tổng đốc Nghệ An... Rồi thăng Thượng thư bộ Công, quản lý các thương thuyền sự vụ, lại sung Phó Khâm sai Bắc Kỳ…”.

50 năm tuổi đời, gần 30 năm làm quan, ông vừa là một quan văn, vừa là một quan võ và có lúc là một nhà ngoại giao. Dù ở bất kỳ cương vị và chức vụ nào, ông cũng đều đem hết sức lực và trí tuệ phụng sự triều đình, giúp dân giúp nước. Ông là vị quan có tài, có đức, vừa có tâm vừa có tầm, mẫu mực, thanh liêm, được dân chúng hết mực quý trọng và ghi nhớ công lao. Năm 2012, tên ông được UBND tỉnh Quảng Bình quyết định đặt tên đường tại TP. Đồng Hới.

Người thứ hai cần kể đến là ông Trần Văn Thức-em trai Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn. Mặc dù cha mất khi mới 5 tuổi, cuộc sống vất vả khó khăn, nhưng ông cùng anh trai vẫn chăm chỉ đèn sách. Năm 1868, ông tham gia kỳ thi Hương và đỗ cử nhân. Sau khi thi đỗ, ông được triều đình bổ làm quan Huấn đạo. Ông cũng là một vị quan đức độ, tài giỏi, được nhân dân yêu mến, kính trọng.

Người thứ ba là ông Trần Văn Cư, tự là Nguyên Quảng-con trai đầu của Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn. Được thừa hưởng vốn thông minh của cha và truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ, từ nhỏ ông đã chăm chỉ dùi mài kinh sử, năm 20 tuổi đậu tú tài[1]. Ông là vị Tri huyện đầu tiên khi huyện Tuyên Hóa vừa mới thành lập sau khi cha của ông-Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn dâng sớ tấu trình và được vua Tự Đức chuẩn tấu, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình được thành lập năm 1875.

Buổi đầu mới thành lập, dân cư còn thưa thớt, địa hình đồi núi, đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, huyện Tuyên Hóa gặp khó khăn về nhiều mặt. Dù chỉ làm Tri huyện chưa đầy một năm, nhưng ông đã động viên dân mở đường, mở trường, lập chợ, khai hoang mở rộng đất canh tác, cho xếp đá kè, khe, suối, chống sạt lở, ngăn chặn thú dữ về bắt lợn gà, trâu bò... Không chỉ là một Tri huyện hết lòng với nhân dân, với quê hương, ông còn là một người thầy thuốc, chữa bệnh cứu người. Với những kiến thức tích lũy được và kinh nghiệm của bản thân, ông đã cứu chữa được cho nhiều người trong làng, trong huyện, được bà con tin tưởng và kính trọng.

Ngoài các vị quan kể trên, qua các kỳ thi dưới triều Nguyễn, năm chi phái của họ Trần Dưới còn có nhiều người thi đỗ từ tú tài đến cử nhân, góp phần làm rạng danh cho dòng họ và làng học La Hà, như: Trần Văn Lưu-cử nhân khoa Tân Tỵ 1821, Trần Mẫn-cử nhân khoa Giáp Ngọ 1834…

A
Tuyến đường Trần Văn Chuẩn tại phường Nam Lý (TP. Đồng Hới). Ảnh Th.H

Trong những ngày đầu thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, cuối tháng 10/1947, tại xóm Nam thôn La Hà, phân Chi bộ Đảng Tứ Thủy thuộc Chi bộ xã Ninh Trạch được thành lập. Đây là tổ chức đảng đầu tiên tại La Hà với sự tham gia của các ông: Trần Trọng Cách, Trần Tỷ, Trần Vi, Trần Cưởi; trong đó ông Trần Tỷ là một người con của dòng họ Trần Dưới làng La Hà. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dòng họ Trần Dưới làng La Hà đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát khi có đến 47 liệt sỹ đã hy sinh ở các chiến trường K, B, C và 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 2 mẹ là con gái và 7 mẹ là con dâu của dòng họ.

Kết nối quá khứ với hiện tại

Phát huy truyền thống của tổ tiên dòng họ, các thế hệ kế tiếp của dòng họ Trần Dưới làng La Hà có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao, là cán bộ giữ chức vụ quan trọng ở cấp tỉnh và Trung ương, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, con cháu dòng họ Trần Dưới vừa phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới. Con cháu ở xa vẫn luôn hướng về quê hương, nguồn cội, tích cực đóng góp các nguồn quỹ để cùng địa phương bảo tồn, phát huy truyền thống học hành, khoa bảng của cha ông và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Ông Trần Văn Hóa là một người con tiêu biểu. Ông là hậu duệ thứ 14 của dòng họ Trần Dưới, tuy nhà nghèo, nhà của bố mẹ ông khi đó phải hoán cải từ một chuồng bò để trở thành nhà ở, nhưng ông học giỏi. Sau hàng chục năm lăn lộn với thương trường, hiện ông có một cơ nghiệp vững vàng. Nhớ ơn tổ tiên dòng họ, ông cùng vợ phát tâm đứng ra lo việc khôi phục nhà thờ họ. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ngôi nhà thờ họ hoàn thành và nay đã trở thành di tích lịch sử của tỉnh… 

Cùng với các di tích lịch sử-văn hóa của địa phương như đình La Hà, nhà thờ họ Tạ, nhà thờ họ Trần Côi, nơi đây sẽ là địa chỉ thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu về vùng đất-làng đảo đầy khó khăn cách trở nhưng hiếu học nổi tiếng ở Quảng Bình.

Trần Thanh Khê

(1) Theo Lý lịch Di tích của Lê Thị Hoài Hương và Nguyễn Thị Phương.

tin liên quan

Lặng lẽ "tiếng chim trong vườn cũ"

(QBĐT) - Sau Một tiếng lòng, chị Đặng Hoàng Yến (giáo viên nghỉ hưu, quê Quảng Hòa, TX. Ba Đồn) tiếp tục trình làng Tiếng chim trong vườn cũ (NXB Thuận Hóa, 2024). 

Màu xanh lại về

(QBĐT) - Còn vầng trăng để mà thương

Ta gieo nỗi nhớ trong vườn nhân gian.

Mùa thu xào xạc lá vàng

Tiếng con nước chảy còn vang

                                          điệu người.

Giữ gìn, phát huy giá trị đặc biệt di tích lịch sử Song Trung miếu bia

(QBĐT) - Cũng như nhiều làng, xã ở Quảng Bình, Phù Kinh xưa, nay thuộc xã Phù Hóa, Cảnh Hóa (Quảng Trạch) được hình thành từ những cuộc di dân ở các địa phương miền Bắc vào dưới thời Lý, Trần, Lê và những năm đầu thời chúa Nguyễn. Tại đây có di tích lịch sử đền Song Trung (hay còn gọi là Song Trung miếu bia) ở thôn Trung Tiến, là nơi thờ hai cha con Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ, hai vị công thần đã có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống cát cứ, bảo vệ quê hương, phục hưng đất nước thời Hậu Lê.