Danh nhân Phạm Xứng

  • 09:41 | Thứ Ba, 01/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ một vế của câu thành ngữ “Trung Bính tứ thượng thư” đã thôi thúc tôi thu thập tư liệu, tìm hiểu về danh nhân Phạm Xứng, người cùng với Thượng thư Huỳnh Côn làm rạng danh quê hương Trung Bính thuở nào.
 
Từ lâu, trong tâm thức người dân Quảng Bình truyền tụng câu “Văn La song Hiệp biện, Trung Bính tứ thượng thư”. Nghĩa là làng Văn La có hai Hiệp biện Đại học sĩ là ông và cháu nội ngài Hoàng Kim Xán, Hoàng Vĩ. Còn bên kia sông Nhật Lệ, làng Trung Bính, có ông Phạm Xứng và ông Huỳnh Côn, thượng thư của hai bộ nhưng cùng lúc kiêm 4 bộ nên dân gian gọi là tứ thượng thư. Theo chỉ dẫn của con cháu họ Phạm thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), tôi tìm đến nhà anh Phạm Bá Diệp (ở thôn Đức Giang, xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới), đời thứ 11 dòng họ Phạm để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của danh nhân Phạm Xứng.
 
Năm 1631, đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Lộc Khê hầu Đào Duy Từ bắt đầu xây dựng Định Bắc trường thành (Lũy Thầy). Từ Cửa Việt (Quảng Trị), ông Phạm Lũy cùng đoàn tùy tùng của chúa Sãi hành quân ra đóng quân ở làng Đức Phổ tham gia xây dựng Lũy Thầy. Ông Phạm Lũy đã chọn vùng đất tả ngạn Chéo Giang, sau được gọi là thôn Trung Bình của làng Đức Phổ, nơi có dòng nước ngọt, nước mặn giao hòa khi thủy triều lên xuống định cư để thuận tiện việc đi lại. Thấy Đức Phổ là vùng đất yên lành, giao thông thủy bộ thuận lợi, đất đai màu mỡ, ông Phạm Lũy quyết định cùng con cháu ở lại lập nghiệp lâu dài tại mảnh đất này và trở thành thủy tổ dòng họ Phạm.
Mộ chí Thượng thư Phạm Xứng.
Mộ chí Thượng thư Phạm Xứng.
Đến đời thứ tư, khoảng năm 1678, dân số ngày càng phát triển, đất Đức Phổ lại chật, người đông. Nhận thấy lũy Hoàng Sa, tức xã Bảo Ninh hiện nay là nơi thuận tiện cho việc sinh sống và phát triển nên phái hai của nhánh nhất và nhánh hai họ Phạm chuyển sang định cư. Từ đó, họ Phạm cùng với các họ Hoàng, họ Lại, họ Đào… bắt tay nhau xây dựng làng Trung Bính ngày càng phồn thịnh cho đến nay. Còn phái nhất của nhánh nhất dòng họ Phạm vẫn định cư ở làng Đức Phổ, đến Phạm Xứng là đời thứ 7.
 
Tên gọi ban đầu của Phạm Xứng là Phạm Hữu Thanh, về sau mới cải tên. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), ông đỗ kỳ thi Hương tại khoa thi Đinh Mão ở trường thi Thừa Thiên khi đang làm Tham tri bộ Công. Tháng 5 năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), khi đang giữ chức Bố chính Bình Thuận, ông được triệu về Kinh đô Huế chiêm bái đại lễ tiểu tường ở điện Hòa Khâm, rồi được sung chức Thị lang bộ Lại. Đến tháng 3 năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), ông lại được bổ nhiệm chức vụ mới “Cho Thị lang bộ Lại là Phạm Xứng sung chức Tán lý; Chưởng vệ quyền Chưởng dinh Tiền phong là Trần Văn Cư sung chức Đề đốc, đều đi đến Quảng Bình nghe theo kinh lược đại thần bàn định, giao ủy. Khi đi, vua ban cho sâm thượng hạng (Xứng 30 lạng, Văn Cư 20 lạng), để giúp thuốc thang khi đi đường. Bảo phải gia tâm bàn giúp, cốt cho sớm được thành công”(1). Sau bốn tháng chưa giành được thắng lợi, lập được công trạng trong việc dẹp nạn giặc loạn, ông bị giáng 1 cấp, lưu tại chức về kinh cung chức. Đến tháng giêng năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), ông lại được bổ dụng chức vụ mới “Thị lang sung làm việc Nội các là Phạm Xứng, thăng thự Tả tham tri bộ Lại” (2).
 
Nhờ thể hiện tài năng, trí tuệ và phẩm hạnh của mình, ông luôn được các hoàng đế triều Nguyễn trọng dụng, cất nhắc những vị trí quan trọng trong bộ máy triều đình. Năm 1889, sau khi lên ngôi, vua Thành Thái cho biên tập, hoàn thiện bộ sách Đại Nam hội điển sự lệ. Là bộ luật quy định điều lệ cho lục bộ (bộ Lễ, bộ Lại, bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình và bộ Công). Đây là công việc phức tạp, khó nhọc, khi đang giữ chức Tham tri bộ Công, Phạm Xứng được vua Thành Thái chuẩn sung giữ chức Đổng lý chuyên lo công việc hệ trọng này. Đến tháng 3 năm Thành Thái thứ 7 (1895) thì hoàn thành bản thảo. Năm Thành Thái thứ 12 (1900), đến kỳ chỉnh sửa Ngọc điệp, Tôn phả, tức gia phả Hoàng triều.
 
Theo lựa chọn từ trước, Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Thuật được sung chức Tổng tài Sở Ngọc điệp, Thị lang bộ Hộ Tôn Thất Đạm sung Phó Tổng tài. Về sau khi Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Thuật nghỉ hưu, triều đình giao cho ông đảm nhận trọng trách chức Tổng tài Sở Ngọc điệp để kế tục, điều hành công việc. Đến năm Thành Thái thứ 14 (1902) thì bộ Ngọc phả hoàn thành, ông cùng các vị quan lại được trọng thưởng. “Chuẩn thưởng các bề tôi kính sửa Ngọc điệp có nhiều ít khác nhau (Tổng tài Phạm Xứng, Phó Tổng tài Hồng Nhung mỗi người 1 tấm kim khánh hạng hai)”(3).
 
Cũng nhờ công lao đóng góp công việc triều chính ông được tin cẩn bổ dụng các chức vụ quan trọng trong triều đình. Năm Thành Thái thứ 16 (1904), khi đang giữ chức Thượng thư lãnh Tham tri bộ Hộ, ông được đổi giữ chức Tham tri bộ Lại. Chỉ sau một năm, năm Thành Thái thứ 17 (1905), ông lại được bổ dụng chức quan khác “Ban dụ chuẩn cho Thượng thư bộ Công sung Cơ mật viện đại thần Phạm Xứng quyền kiêm Chưởng ấn triện bộ Binh. Thượng thư bộ Hộ sung Cơ mật viện đại thần Huỳnh Côn quyền kiêm Chưởng ấn triệu bộ Hình”(4).
 
Có lẽ đây là sự kiện hiếm có và niềm tự hào không chỉ riêng của làng Trung Bính mà của cả tỉnh Quảng Bình. Bởi cùng lúc cả 2 người đồng hương giữ chức thượng thư. Một người giữ chức thượng thư bộ Công kiêm bộ Binh, một người giữ chức thượng thư bộ Hộ kiêm bộ Hình. Hai ông còn được sung vào Cơ mật viện. Là bộ phận trọng yếu, thân cận của vua chuyên bàn công việc triều chính và những vấn đề hệ trọng của đất nước.
 
Tháng 3 năm Thành Thái thứ 18 (1906), trước khi ngự giá Bắc tuần, đang giữ chức Thượng thư bộ Công, ông được phong chức Cơ mật viện đại thần kiêm coi việc bộ Binh. Đến tháng 5 cùng năm, từ Thượng thư bộ Công, ông chính thức chuyển sang giữ chức Thượng thư bộ Binh và vẫn tham gia Cơ mật viện. Đến tháng 5, năm Thành Thái thứ 19 (1907), sau hơn 1 năm giữ chức Thượng thư bộ Binh, ông được nghỉ hưu “Chuẩn cho Thượng thư bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần Phạm Xứng thăng hàm Hiệp biện đại học sĩ trí sĩ”(5).
 
Về quê an trí chưa được bao lâu, bị mắc trọng bệnh, đến tháng 2 năm Duy Tân thứ 2 (1908), ông qua đời trong sự tiếc thương của vua quan và dân làng. “Hiệp biện đại học sĩ trí sự Phạm Xứng chết. Xứng là cựu thần triều Tự Đức, làm quan trải khắp trong ngoài, sau sung Khu phủ, huân lao vốn rõ, đã xin cáo lão, chưa bao lâu thì bệnh chết, chuẩn ban tế cấp tuất như lệ”(6).
 
Ông được con cháu chôn cất ở khu vực phía sau Nghĩa trang liệt sỹ xã Đức Ninh hiện tại. Về sau, cháu chắt di dời mộ ông vào khu mộ dòng tộc tại Nghĩa trang Đá Bạc (Đồng Sơn, TP. Đồng Hới). Theo sự dẫn đường của anh Phạm Bá Diệp, tôi tìm đến nơi an nghỉ của ông. Trên mộ chí còn nguyên tấm bia đá đã in dấu thời gian. Khá vất vả, chúng tôi mới làm nổi rõ những dòng chữ trên bia mộ. “Hoàng triều Vinh lộc đại phu Tướng công Trụ Mỹ Trung Phạm Lễ Giang chi mộ bi. Tuế thứ Tân Hợi xuân cung tạo. Trưởng nữ Phạm Thị Cẩn khốc chí”. Nghĩa là: Bia mộ cụ Phạm Lễ Giang hiệu Trụ Mỹ Trung chức Vinh lộc đại phu Tướng công của Hoàng triều. Cung kính tôn tạo vào mùa xuân năm Tân Hợi (1911). Trưởng nữ Phạm Thị Kính khóc ghi.
 
Với những công lao, đóng góp trong lịch sử dựng xây quê hương, đất nước, chính Phạm Xứng đã góp phần làm rạng danh câu đối ở nhà thờ họ Phạm, làng Trung Bính mà các vị tiền nhân đã khai dựng:
 
“Thôn Trung văn vật hòa thiên địa
Phạm tộc đức tài vượng sắc hương”
Nghĩa là: Thôn Trung Bình, làng Đức Phổ xưa, thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh sau này được trời đất phú cho truyền thống văn vật hiếm có. Tiếng thơm về đạo đức, tài năng của con cháu họ Phạm vượng sắc tự lâu đời.
NHẬT LINH
 
(1), (2). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2022, tr.244, tr.305.
(3), (4), (5), (6). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, NXB Văn hóa-văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.428, tr.472, tr.522, tr.544.
 
 
 

tin liên quan

Hương mùa thu

(QBĐT) - Em phơi
hương thơm mùa hạ
vườn trưa lúng liếng mắt đầy

Một thời nhớ điếm canh đê

(QBĐT) - Vậy là bão đã tan, mưa đã ngớt, không còn những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng đi qua các bản, làng như mấy hôm trước nữa. Mưa lũ đã để lại những cánh đồng trồng dâu chăn tằm làng tôi một lớp bùn đỏ quạch từ phía thượng nguồn.

Nguyệt quế hoa

(QBĐT) - Nguyệt quế cuối xuân ai gửi tặng

Vừa mới chớm thu đã nở hoa