"Áo mùa đông" da diết mãi

  • 07:12 | Thứ Sáu, 25/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nhắc đến Đỗ Nhuận, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam (sinh ngày 10/12/1922, quê Hải Dương, nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 1 và khóa 2; Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1995) người ta không thể nào quên những tác phẩm nổi tiếng của ông, như: Hành quân xa, Giải phóng Điện Biên, Việt Nam quê hương tôi, Vui mở đường, Đường bốn mùa xuân và đương nhiên có cả ca khúc trữ tình Áo mùa đông sáng tác vào những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Các ca khúc quen thuộc với công chúng nhiều thế hệ của Đỗ Nhuận gắn liền với những năm tháng gian lao và anh dũng của đất nước, từ chiến tranh đến hòa bình. Phải khẳng định rằng đó là những tác phẩm âm nhạc mà nhiều chiến sĩ ta yêu thích, có ca khúc trở thành bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với tôi, lần nào nghe hay tự mình hát Việt Nam quê hương tôi lòng đều dâng trào cảm xúc yêu thương, tự hào. Riêng bài Áo mùa đông lại chạm vào tôi những tiết tấu, cung bậc rung động khác, với hình dung về những năm tháng mình chưa sinh ra nhưng cha anh đã vào trận kháng chiến trường kỳ muôn vàn gian khổ, hy sinh để giữ nền độc lập dân tộc mà chúng ta đã giành lại được từ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Một ca khúc viết về chiến tranh nhưng thật trữ tình, tựa hồ như lời tâm sự của những tri âm, chan hòa bao nỗi chung riêng trong tình người hậu phương tiền tuyến không gì ngăn cách nổi.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. (Nguồn: Internet)
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. (Nguồn: Internet)

Khúc một là bức ký họa mùa đông ân tình bằng những giai điệu man mác sâu lắng. Hình ảnh những người phụ nữ hậu phương đan áo cho chiến sĩ ta ở nơi tiền tuyến được chấm phá bằng lời ca mang nhiều chất thơ và giai điệu nhẹ nhàng. Gió bấc tới đây xào xạc rung cây lá lá bay/Một mùa đông bao người đan áo/Gió hút theo mây người nào đem manh áo tới đây/Cho người lính đêm đông này. Cảnh mưa phùn gió bấc giá rét hiện lên trước mắt. Đất nước đói nghèo vừa giành được độc lập đã phải dấn bước vào cuộc trường chinh gian khổ. Người lính, người dân thiếu từ bát cơm tấm áo trở lên càng thấm thía hơn cái rét, cái đói khi mùa đông tới. Đã có những tác phẩm văn học viết về nỗi gian lao đó. Còn đây lời người chiến sĩ gửi về quê cho mẹ trong cái rét đại ngàn căm căm: Bầm ơi có rét không bầm/Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn... (thơ Tố Hữu). Và, ta không khỏi rưng rưng khi biết Hồ Chí Minh đã có những đêm đông không ngủ vì Bác thương đoàn dân công/Đêm nay ngủ ngoài rừng/Trải lá cây làm chiếu/Manh ảo phủ làm chăn... (thơ Minh Huệ). Bác Hồ cũng đã có bài thơ viết bằng chữ Hán Tư chiến sĩ nói về việc gửi áo ấm ra chiến trường cho bộ đội rất cảm động: Canh thâm lộ cấp như thu vũ/Thần tảo sương nùng tự hải vân/Khoái tống hàn san cấp chiến sĩ/Dương quang hòa noãn báo tân xuân (Dịch nghĩa: Nhớ chiến sĩ/Đêm khuya, móc rơi dồn dập như mưa thu/Sáng sớm sương dày đặc như mây mặt biển/Mau mau gửi áo rét cho chiến sĩ/Ánh mặt trời ấm áp đã báo trước tin xuân mới sắp về. Dịch thơ của Phạm Thanh Cải: Nhớ chiến sĩ/Đêm khuya sương trút như mưa nhẹ/Sáng sớm sương như mây biển giăng/Áo rét gửi mau cho chiến sĩ/Nắng trời ấm áp báo xuân sang). Vì thế, mới có phong trào đan áo ấm gửi bộ đội. Những anh bộ đội Cụ Hồ nhận tấm áo này như được sưởi ấm bởi tình hậu phương.

Khúc hai có giai điệu da diết, tha thiết hơn như sự bay bổng, vút lên của cảm xúc trước hình ảnh người hậu phương đan áo ấm gửi người tiền tuyến có ở muôn làng quê kháng chiến. Này người ơi, tôi nhớ thấy nhiều người bạn tôi trong nắng quái chiều ngồi miền quê đan áo/Này người ơi tôi nhớ thấy nhiều người mẹ mong con ngóng những chiều chờ cầm áo đưa theo... Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên yêu thương gần gũi biết mấy; họ là vợ của những người chồng, mẹ của những người con, chị của những người em, em của những người anh...Vệ quốc quân đang đối mặt với giặc thù nơi trận mạc. Cũng có thể những tấm áo ấm người phụ nữ đan sẽ được chuyển đến cho các chiến sĩ không phải người thân thiết, ruột thịt của họ. Bao trùm lên tất cả là tình cảm quân dân thắm thiết. Nếu không có tình cảm này thì chắc những người lính đánh giặc khó lập nên chiến công. Ta gặp ở đây những ca từ thấp thoáng chất liệu thơ với thi ảnh hết sức gợi cảm... bạn tôi trong nắng quái chiều ngồi miền quê đan áo/...người mẹ mong con ngóng những chiều chờ cầm áo đưa theo... Đấy là sự thăng hoa của một nhạc sĩ tài năng vút lên những cung điệu để đời, ai đã nghe một lần thật khó phai quên.

Giai điệu của khúc ba và bốn là sự lặp lại của khúc một và hai nhưng lời ca lại mang tâm tình khác. Lòng biết ơn của những người lính Cụ Hồ với hậu phương khi mang áo ấm. Chiếc áo là sự che chở yêu dấu, là nguồn ấm chẳng bao giờ lụi tắt của hậu phương. Chiếc áo trở thành biểu tượng của quê hương, là nguồn cội sức mạnh vô song của đoàn quân yêu nước từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Đứng gác đêm qua nhìn về muôn phương khuất khuất xa/Từng người quân ơn người đan áo/Tấm áo xông pha mùa lạnh che thân chiến sĩ ta/Đây là áo nơi quê nhà... Không còn phảng phất chất tráng sĩ như trong thơ tiền chiến nữa mà hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đã chân mộc, thân thuộc như ta từng thấy trong thơ Chính Hữu: Áo anh rách vai/Quần tôi có vài mảnh vá/Miệng cười buốt giá/Chân không giày/Thương nhau/Tay nắm lấy bàn tay!/Đêm nay/Rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/Đầu súng trăng treo.

Điều kỳ diệu là tình quân dân đã chuyển hóa thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của bộ đội Cụ Hồ. Khúc cuối của bài hát dựng nên bức phù điêu bi tráng lẫm liệt của những chiến binh ái quốc. Chiếc áo nhuốm máu thanh xuân trở thành lá cờ Tổ quốc cuốn lên cao. Vút bay trong đất trời mênh mang những giai điệu bi hùng vừa da diết, vừa hùng vĩ như sự hy sinh của người lính cách mạng. Này người ơi có thấy phút nào/Từng bạn tôi anh dũng máu trào/màu cờ loang trên áo/Này người ơi có thấy phút nào/Từng đoàn quân khâu áo nhuốm đào/thành cờ cuốn lên cao.

Đây không phải là trường hợp duy nhất chiếc áo trở thành hình tượng trong nền âm nhạc cách mạng. Sau này, chúng ta có thêm những ca khúc nổi tiếng viết về chiếc áo người chiến sĩ như Tấm áo mẹ vá năm xưa của Nguyễn Văn Tý... Những ca khúc đi cùng năm tháng góp phần khắc tạc hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, tình cảm hậu phương tiền tuyến, tình quân dân gắn bó không gì có thể chia cắt được. Dù chiến tranh hay thời bình thì những người lính Cụ Hồ vẫn luôn được nhân dân yêu thương, giúp đỡ. Tình cảm ấy có từ khi quân đội ta mới thành lập từ tháng 12/1944, đến những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp cực kỳ gian khó, bối cảnh để bài hát Áo mùa đông của nhạc sĩ Đỗ Nhuận ra đời, qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tới thời kỳ dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Ca khúc Áo mùa đông vừa mang giá trị nghệ thuật vừa có giá trị lịch sử. Ai đã một lần nghe các nghệ sĩ nổi tiếng của nhiều thế hệ như Tường Vi, Trần Thụ, Kiều Hưng, Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương... trình bày bài hát đều không khỏi xốn xang. Vâng, càng nghe càng dâng tràn cảm xúc về những mùa đông xa xôi có bao người đan áo trong gió hút theo mây để gửi cho người lính ở chiến trường...

Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Những trận chiến lịch sử ở cửa biển Nhật Lệ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh

(QBĐT) - Cửa biển Nhật Lệ từng diễn ra những trận chiến khốc liệt thời Trịnh-Nguyễn phân. tranh vang danh trong lịch sử.

Các nhà thơ quê hương Quảng Bình viết về mẹ

(QBĐT) - Năm 1965, khi tôi mới học xong lớp 8 (tương đương với lớp 10 bây giờ) thì mẹ tôi mất vì bom đạn chiến tranh. Từ đó, hình ảnh mẹ luôn ám ảnh trong tâm thức của tôi. Hễ đọc được bài thơ nào hay viết về mẹ là tôi lặng lẽ chép vào sổ tay. 

Phục dựng, bảo tồn lễ cúng Giang Sơn của đồng bào Rục

(QBĐT) - Chiều nay, 22/10, tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa), Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức phục dựng, bảo tồn lễ cúng Giang Sơn của đồng bào Rục (dân tộc Chứt).