Thơ chọn-lời bình
Biển
(QBĐT) - Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ
cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê...
Bờ đẹp đẽ cát vàng
- Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm, mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Cho tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt...
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm.
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm biển biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết
Để những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay tỏa nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm
không thỏa
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!
4/4/1962
XUÂN DIỆU
![]() |
LỜI BÌNH:
Thơ hay thường không cánh mà bay. Bài thơ Biển của Xuân Diệu vừa mới xuất hiện đã lan truyền khá rộng rãi ở miền Bắc. Tôi đã đọc bài thơ này cách đây gần 60 năm mà giờ vẫn còn thuộc không sót một câu. Phải nói vào thời điểm 1962 viết được bài thơ tình như bài Biển thế là một mạnh dạn của Xuân Diệu. Còn nhớ một đôi bài thơ tình thời đó đã bị phê là “lạc lõng trong xã hội chúng ta”. Xuân Diệu vẫn không ngại, vẫn không từ bỏ thơ tình:
Thời 1930-1945, Xuân Diệu muốn “ôm”, muốn “riết”, muốn “cắn”, muốn “trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài”. Xuân Diệu “giục giã”, Xuân Diệu “vội vàng”, Xuân Diệu sợ thời gian trôi đi quá nhanh mà cuộc đời thì quá ngắn ngủi...
Bằng thủ pháp ẩn dụ, Xuân Diệu tha hồ bày tỏ tình yêu cuồng nhiệt của mình. Thơ tình lúc đó ít bài nói cho hết cung bậc tình yêu như Biển của Xuân Diệu. Thi sĩ hôn mới đắm đuối làm sao! Đầu tiên còn từ tốn “hôn thật khẽ, thật êm”, sau đó cứ thế mà tăng dần: “dạt dào” rồi “ào ạt”. Chính ở đây ta gặp lại một Xuân Diệu sôi nổi, rạo rực, đắm đuối... Câu thơ như sóng tràn bờ. Ta nghe cả hơi thở của biển, âm vang của sóng.
Con người ngày xưa muốn “ôm”, muốn “riết”, muốn “cắn”, bây giờ hôn đến “tan cả đất trời” điều đó không có gì lạ. Cái bản chất “si tình” vẫn không thay đổi trong Xuân Diệu. Nhưng Xuân Diệu bây giờ có khác Xuân Diệu ngày trước. Đó là quy luật của sự phát triển. Qua Biển, ta bắt gặp một Xuân Diệu tuy vẫn cuồng nhiệt, sôi nổi, đắm say nhưng từng trải hơn, tự tin hơn.
Xuân Diệu trước đây thường hốt hoảng, hoang mang thiếu tin tưởng: “Gấp đi em anh rất sợ ngày mai”. Bởi thế, Xuân Diệu luôn cảm thấy bơ vơ, cô độc: “Ta như cô khách khoảng đìu hiu/Gặp buổi chiều hôm lại bước liều...”. Bây giờ, thi sĩ không còn hoảng hốt nữa. Thi sĩ nhắc đến thời gian nhưng không còn lo sợ thời gian cướp mất tuổi xuân, hoặc có thể làm cho lòng người thay đổi. Nhà thơ tràn đầy tin tưởng:
Bờ đẹp đẽ cát vàng
- Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng
Thời gian trong Biển là “ngàn năm” là “muôn đời”. Đi liền với “ngàn năm”, “muôn đời” là “mãi” hoặc “mãi mãi” được nhấn đi, nhấn lại trong suốt bài thơ để khẳng định sự trường cửu, bền vững của tình yêu.
Nét đặc sắc của Biển chính là nhạc điệu. Đọc bài thơ ta như nghe tiếng sóng vỗ bờ. Tiếng sóng khi du dương, hiền hòa, khi âm vang dào dạt. Vần trong bài thơ như ôm lấy nhau, hòa quyện vào nhau đi liền một mạch từ đầu đến cuối: Cát trắng-phẳng lặng-ánh nắng. Rồi: Cát vàng-hàng thông-mơ màng. Tiếp đó là: Cát vàng em-thật khẽ thật êm-êm đềm mãi mãi... Ta có thể đọc một mạch mà không vấp chỗ nào. Bài thơ đã kết thúc mà âm thanh vẫn cứ lan tỏa không ngừng, không dứt:
Để những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay tỏa nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!
Mai Văn Hoan