Rộn rã sông nước Kiến Giang
(QBĐT) - Ra đời và phát triển trong đời sống lao động của quần chúng nhân dân, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã thể hiện tinh thần đoàn kết, thượng võ, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Lệ Thủy.
Những câu chuyện bên sông
Làng An Xá (xã Lộc Thủy)-quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-bao đời nay vẫn vẹn nguyên hồn cốt của làng quê xưa. Cư dân làng An Xá quần tụ bên phía hữu ngạn dòng Kiến Giang thơ mộng, lấy nông nghiệp và một số ngành nghề dịch vụ mưu sinh. Dù tất bật, bộn bề với bao lo toan của đời sống nhưng với người dân An Xá, mỗi khi Tết Độc lập đến, làng quê yên bình lại bắt đầu rộn rã tiếng trống, tiếng mõ, tiếng trai bơi, gái đua ra sức “thụa” (tập luyện) trên sông Kiến Giang cho mùa lễ hội mới.
Hơn hai thập kỷ đứng khua mái chèo trên thuyền đua nữ làng An Xá, rồi tham gia vào đội đua thuyền nữ của tỉnh “chinh chiến” khắp các tỉnh miền Bắc, đến bây giờ, cũng đã thuộc vào lớp người lớn tuổi, nhưng với chị Võ Thị Lài (SN 1970), đua thuyền giờ không chỉ là tranh tài cao thấp, mà còn là bản sắc, hồn cốt của quê hương.
“Còn sức là còn giữ tay chèo, bởi đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân An Xá. Để giữ vững truyền thống của làng, bao năm qua, tôi luôn uốn nắn, chỉ bảo cho thế hệ trẻ, lớp kế cận các kỹ thuật chèo để tiếp tục đạt thành tích tốt…”, chị Lài cho hay.
An Xá có hơn 420 hộ dân với hơn 1.500 khẩu nhưng truyền thống đua, bơi của làng thì cả huyện Lệ Thủy ai cũng tự hào, kính nể. Hơn 10 năm trở lại đây, thành tích xuống nước của các trai bơi, gái đua làng An Xá không làng quê nào trong huyện sánh kịp.
Trưởng thôn An Xá Trần Hữu Hùng thông tin, làng luôn đạt thành tích cao trong lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Hai năm gần đây, thuyền bơi nam giành 1 giải nhất, 1 giải nhì bảng A; đò đua nữ giành 2 giải nhất. Dù còn bộn bề khó khăn nhưng phát huy tinh thần đoàn kết, người làng An Xá dù ở đâu đều hướng về quê, hỗ trợ thuyền bơi và thuyền đua…
Sau 4 năm vắng bóng trên sông Kiến Giang bởi nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau, nhưng tựu trung lại đó là thiếu nguồn lực phục vụ cho công tác tổ chức đua, bơi, trai bơi của làng tản mát, năm nay, làng Đông Thành (xã Liên Thủy) mới chính thức trở lại đường đua.
Trai bơi Lê Văn Sáu (SN 1991) người con của làng Đông Thành bảo rằng: “Vui lắm anh ạ, đã lâu lắm rồi người làng mới háo hức chờ đợi mùa đua, bơi như thế. Mấy năm trước, đến mùa đua, bơi, người làng kéo nhau đi cổ vũ cho các làng khác. Nay, lại được trở về làng, đúng nghĩa là ngồi trên thuyền bơi của làng, hết mình dầm mái chèo, để mồ hôi hòa lẫn sông nước Kiến Giang cho thuyền bơi rẽ sóng nhanh, mạnh và đạt thành tích cao trong mùa lễ hội...”.
Câu chuyện làng Đông Thành sau 4 năm mới trở lại đường đua trên sông Kiến Giang cũng là câu chuyện đẹp, nhưng càng đẹp hơn đó là tinh thần đoàn kết của làng. Làng Đông Thành có diện tích, quy mô dân số khá khiêm tốn so với các làng khác của xã Liên Thủy. Với sự “tích góp” của người dân, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm bao năm qua, nay, làng Đông Thành mới đóng được một chiếc thuyền bơi mới với khoảng hơn 200 triệu đồng.
Trưởng thôn Đông Thành Hoàng Đình Cương chia sẻ: “Cũng tích góp mấy năm mà đến nay làng mới tham gia được, đời sống của người dân trong làng cũng còn lắm khó khăn, mỗi năm, mỗi khẩu trong làng hỗ trợ 100 nghìn đồng để phục vụ cho các hoạt động bơi thuyền; các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn đều được miễn. Năm nay, làng nhận được nhiều sự hỗ trợ, trai bơi làng có sẵn, vậy là tiếp tục bơi…”.
Giữ gìn di sản quê hương
Từ những ngày đầu tháng tám, miền quê xứ Lệ bắt đầu bước vào mùa lễ hội. Trên những con đường đã rợp bóng cờ bay. Đâu đó dưới dòng sông Kiến Giang, tiếng trai bơi, gái đua rộn rã mái chầm cùng tiếng mõ giục giã hòa vào dòng chảy của cuộc sống. Nghe văng vẳng đâu đó, câu ca ai đọc vội ở bến sông Mũi Viết rằng: “Dù ai đi Tây về Đông/Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà/Về nhà xem hội quê ta/Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình chia sẻ, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là nét đặc trưng văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng sông nước Lệ Thủy. Từ hội đua, bơi cầu đảo của làng, của tổng với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; thi thố sức trai, sức gái để thể hiện sự mạnh mẽ, chống lại thiên tai, bão lũ. Nay, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Trên mảnh đất sông nước hữu tình này đã chất chứa trầm tích văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Và, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là giá trị văn hóa truyền thống đang tiếp tục được bảo tồn, giữ gìn…”, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho hay. |
“Để bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Ban Tổ chức lễ hội đã ban hành điều lệ quy định chặt chẽ đối với vận động viên tham gia thi đấu, làm tốt công tác kiểm tra hồ sơ nhân sự, bảo đảm trai bơi phải có hộ khẩu thường trú và quê quán ở Lệ Thủy…”, ông Dương Văn Bình cho biết.
Năm nay, lễ hội thu hút sự tham gia của 24 thuyền bơi nam và 9 thuyền đua nữ. Để động viên, khuyến khích các đội đua, bơi, huyện Lệ Thủy hỗ trợ 20 triệu đồng đối với mỗi thuyền bơi nam, thuyền đua nữ tham gia thi đấu tại huyện; 10 triệu đồng/thuyền đua nữ đối với những địa phương lần đầu tham gia lễ hội; 10 triệu đồng/xã, thị trấn tổ chức giải bơi, đua thuyền truyền thống cấp xã, thị trấn. Ngoài ra, Công ty CP Giáo dục Trí Nhân Tâm tài trợ trực tiếp cho các xã, thôn tham gia lễ hội với mức 30 triệu đồng đối với mỗi thuyền bơi nam và 20 triệu đồng đối với mỗi thuyền đua nữ…
Ngọc Hải