Như một lời tri ân…

  • 13:22 | Thứ Bảy, 28/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT)- Như một lời tri ân... là xúc cảm của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Tường với PGS Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Đi mô cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo
 
Không hiểu sao, câu ca dao ru con của người miền Trung này chợt hiện lên khi tôi biết bà sẽ “về” Quảng Bình theo ông. Mặc nhiên là như vậy, nhưng sao cứ thấy rưng rưng. Phải chăng, ở bà vừa có sự lịch lãm quý phái của một trưởng nữ trong một gia đình trí thức và bản thân cũng là một trí thức, vừa có đức giản dị chân chất của một người xứ Nghệ, lại có gần tròn 80 năm gắn bó với một vị tướng huyền thoại và cũng vô cùng chân chất giản dị!? Vâng, thuyền theo lái, gái theo chồng, dù phu nhân của Đại tướng hay nguyên thủ quốc gia cũng nên như vậy. Ông bà đã sống một cuộc đời viên mãn, tuổi thọ của bà là chín mươi bảy (tuổi mụ) cộng với tuổi thọ của ông là tròn 200 (hai trăm). Ông mất ngày mồng một âm lịch. Bà tuổi Thìn, mất năm Thìn, ngày Thân (ngày rằm) giờ Tý (0 giờ 50 phút), tam hạp, theo quan niệm phương Đông là đại cát.
Tác giả (hàng sau, ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà.
Tác giả (hàng sau, ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà.
Quê tôi, những người sống tới tuổi cận bát tuần (trên 76) khi mất đã được gọi là Hồng tang, “đi” không ân hận tiếc nuối. Nay bà tuổi cận bách niên, theo ông về miền mây xanh là thuận theo tự nhiên.
 
Riêng tôi, cứ muốn nói thêm đôi lời tri ân bà như một học trò biết ơn Cô giáo-một người THẦY đúng nghĩa. Bởi, lần cuối cùng được diện kiến bà cách nay đã hai mươi năm, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi như đã và còn học được thêm những điều tốt đẹp, chuẩn mực ở bà. Trong vòng 13 năm , tôi được gặp nhiều lần và hầu hết là những lúc bà đi cùng ông. Không hiểu sao, ngay từ lần đầu tiên, tôi đã chào bà như học trò miền Trung chào cô giáo mỗi khi gặp: Thưa cô! (với Thầy là: Thưa thầy!) và được bà coi như hợp lý. Ở miền Bắc thì chào: - Cô ạ! Thầy ạ! Sau này, trong lần đại biểu nhà văn Quảng Bình dự đại hội ở Hà Nội đến thăm Đại tướng, cố nhà văn Hữu Phương, trưởng đoàn, phát biểu: - “Kính thưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân!”, Đại tướng đã ngắt lời và chỉnh sửa: - “Nên nói là Đại tướng và cô Hà”.
 
Riêng tôi, dù “bám càng” đi với đoàn nào đến thăm, được gọi đến hay là thành viên chính thức một dịp nào đó, tôi đều một câu chào: - Thưa cô! Là lời chào của học trò với cô giáo và đều được bà biểu lộ sự bằng lòng cùng một cử chỉ đáp lại nhẹ nhàng. Mặc nhiên về thứ bậc, cùng trong khối Khoa học Xã hội, khi tôi còn là sinh viên thì bà đã là giảng viên đại học, sau này là Phó Giáo sư Sử học. Mỗi lần được diện kiến hình như tôi có được sự quan tâm khích lệ riêng.
 
Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng phu nhân Đại tướng.
Ở 30 Hoàng Diệu, có lẽ là dịp sinh nhật Đại tướng lần thứ 85, khi đoàn Quảng Bình giới thiệu lần lượt từng thành viên, đến tôi và có nhắc đến cái giải nhì truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bà nói luôn: Đáng lẽ là giải nhất! khiến tôi rất ngạc nhiên không ngờ bà theo dõi khá kỹ tình hình văn chương nước nhà và lòng thầm biết ơn bà. Năm 2002, cũng dịp sinh nhật Đại tướng 25/8, tôi được đi theo đoàn Lệ Thủy ra chúc thọ và ghi hình phát biểu của ông cho phim tài liệu kỷ niệm 40 năm Trường cấp 3 Lệ Thủy. Vì kịch bản đã có sẵn nên khi phỏng vấn, tôi phải hỏi quanh co để ông trả lời vào ý của mình. Vì vậy mà tôi bị Đại tá, thư ký Nguyễn Huyên lên tiếng gắt gỏng.
 
Còn nhớ lúc ấy, Đại tướng vẫn rất bình thản. Riêng bà thì làm động tác và có nhời xoa dịu Đại tá Nguyễn Huyên. Thời nay, khi mà giá trị kinh tế lên ngôi, các giá trị nhân văn vô tình bị đẩy lùi lại, có thể vậy chăng mà bà có ý khẳng định sự quan tâm đến những người làm khoa học xã hội như chúng tôi?!.
 
Kỷ niệm sau đây là một ví dụ mà cho đến cuối đời tôi không thể quên. Và, dù tôi đã từng kể, nhưng vẫn muốn nhắc lại thật chân thực, chi tiết để tri ân, vừa để học tập bà ở sự chu đáo đến cùng.
 
Đó là lần ông bà về thăm quê cuối cùng vào năm 2004. Ở khách sạn Phú Quý bên bờ biển, trong phòng chỉ có bốn người là Đại tướng và bà, một anh lãnh đạo tỉnh và tôi. 11 giờ trưa, anh lãnh đạo tỉnh cất lời, rằng, trưa nay tỉnh mời cơm để chiều hai bác trở ra Hà Nội.
 
Sau khi thể hiện cử chỉ bày tỏ sự tiếp nhận lời mời, bất ngờ ông bà cùng nói: - “Gia đình chúng tôi nhờ tỉnh mời anh Thế Tường cùng ăn cơm!”. Thật khó và hơi bất ngờ, vì thành phần tiếp khách đã ấn định, toàn cán bộ đầu tỉnh…
 
Khi ra ngoài sảnh, đã thấy gần đủ các vị lãnh đạo và những người phục vụ. Không thông minh lắm cũng nhận thấy vẻ ngạc nhiên của mọi người vì sự có mặt không đúng lúc (và khá vô duyên) của tôi. Tôi phải tiếp cận ngay với anh Hà Hùng Cường và tận dụng sự quen biết cũ thời ở Hà Nội để hát chung với ông hai ca khúc tiếng Nga mà vẫn không lấy lại được tự nhiên. Rồi đó, mọi người vào tiệc. Ông bà, chị Hồng Anh vào trước và mọi người cùng vào. Tôi giữ ý vào sau cùng. Ở cửa phòng, có một người giơ tay chặn tôi lại (có lẽ do không biết cơ duyên vì sao tôi có mặt) nói một câu như đã lập trình sẵn: - “Anh Tường xuống tầng một ngồi với chị L. anh Th. và anh Th.”. - “Vâng vâng vâng!” Tôi vội trả lời và xuống tầng một ngồi cùng bàn với một số anh chị cũng là lãnh đạo tỉnh. Vừa nâng cốc bia lên miệng thì ở chân cầu thang vang lên tiếng cô Hiền văn phòng: - “Anh Tường! Ôông nói lên trên ngồi tề!”. Cô Hiền quê Lệ Thủy phát âm đặc giọng quê hương. 
 
- Ôông mô? Vì hơi bất ngờ nên tôi buột miệng hỏi lại.
 
- Ôông Giáp chơ ôông mô nữa!
 
Tôi vội thanh minh:
 
- Không, không, có người bảo anh xuống đây.
 
- Khôông, ôông dủ em xuống đây kêu eng lên.
 
Cả mấy vị trong bàn đều giục tôi: - “Tường uống hết ly bia rồi lên đi”. Thế là tôi con cón theo cô Hiền lên tầng trên. Vừa thấy tôi thò mặt vào cửa, bà Hà đã từ phía trong đứng dậy nói một câu: - “Các anh các chị nhường chỗ cho anh Thế Tường!” Anh Lương Ngọc Bính ngồi ngoài cùng vội trả lời: “Dạ, có đây rồi cô ạ.”. Anh Bính, một cựu sinh viên khoa Văn, cũng như tôi, xưng hô như học trò với cô giáo…
 
Đã 20 năm trôi qua... Việc tưởng nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm, chu đáo đến những người dưới của bà. Còn nữa, khi ông bà cùng mở lời với anh lãnh đạo tỉnh cho tôi được cùng ăn cơm, gương mặt bà biểu lộ một cảm xúc vô cùng đặc biệt. Có thể trong đời chúng ta, có lúc, gặp một người mẹ đang đề nghị một quyền lợi gì đó cho con cháu, và, khi chờ đợi sự chấp nhận của đối tác, đã thể hiện một biểu cảm rất khó diễn tả. Tôi đã được ân hưởng biểu cảm ấy trên gương mặt bà. Gương mặt ấy, may ra chỉ có điện ảnh mới tái hiện được. Trong 20 năm qua, gương mặt dịu hiền ấy thỉnh thoảng lại hiện lên sưởi ấm trái tim tôi khiến tôi luôn cảm thấy rất biết ơn.
Tác giả (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân.
Tác giả (đứng giữa, hàng sau) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân.
Kể lại chuyện này vì không đặng đừng và xin một nghìn lần bạn đọc hiểu cho rằng tôi chỉ nhắc lại để bày tỏ lòng biết ơn chứ tuyệt nhiên không phải để làm le nọ kia.
 
Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời họa sĩ Lê Trí Dũng, một cựu sĩ quan xe tăng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật hội Mỹ thuật Việt Nam nói những lời cảm thán với bà trong bài viết Ba lần gặp Tổng Tư lệnh: “… Tôi đưa cho ông xem bức họa vừa xong, ông ưng ý lắm: “Được đấy!” và gọi vợ : - "Hà ơi, xem này!” Tôi đưa cây bút dạ để ông ký vào góc dưới tranh. Ông cầm bút hơi rung, dưới ngón trỏ, một nốt ruồi đỏ cực lớn: - “Ký là Văn nhé?” Tôi trả lời: - “Không ạ, Đại tướng cứ ký Võ Nguyên Giáp là hơn”. Im lặng rồi dường như lấy đà, ông phóng bút ký, đường bút đi như kiếm bay rồi chấm một cái vào một chỗ không ngờ. Thế là bức họa hoàn thành…
 
Chị Hà tiễn tôi, tôi bảo: - “Ông là tài sản của nhân dân Việt Nam!” Chị Hà sửng sốt: - "Thế à!”. Chị Hà ơi, sao chị lại sửng sốt? Ông đã lấy lại lòng tin cho chúng tôi trong bao phút ngã lòng. Đời người ta ai không có những phút ngã lòng? Khi cái ác đè lên ái thiện, khi sự thật bị vùi lấp… thì chúng tôi cần ông biết bao. Vì ông mãi mãi là vị Tổng Tư lệnh của những người lính chúng tôi”.
 
Vâng, đời người ai không có những phút ngã lòng. Kể cả Đại tướng, nếu có phút ngã lòng, thì lúc ấy ông cần bà biết bao!!!
 
Và cả chúng tôi nữa, lớp hậu sinh, học trò nhỏ của bà, mỗi khi thấy lòng hoang hoải chống chếnh, hình ảnh của bà hiện lên lịch lãm, phúc hậu mà cũng giản dị vô cùng, sưởi ấm trái tim chúng tôi, giúp chúng tôi đứng vững.
 
Xin ngả mũ vĩnh biệt một trái tim nhân hậu!
Nguyễn Thế Tường

tin liên quan

Lệ Thủy: Tổng kết các hoạt động lễ hội 2/9

(QBĐT) - Ngày 26/9, huyện Lệ Thủy tổ chức tổng kết lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hải gặt hái thành công tại cuộc thi ảnh quốc tế

(QBĐT) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hải (Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Bình) vừa xuất sắc giành được giải thưởng cao quý tại Triển lãm ảnh quốc tế Ontario (Canada) lần thứ 2/2024.

Thơ khúc hát vũng chùa

(QBĐT) - Bà là suối mát vần thơ

Để các con tựa giấc mơ cuộc đời