Nhà thơ Dương Văn Lượng, tâm hồn đội nắng cõng mưa
(QBĐT) - Một ngày sau bão số 3 (Yagi), tôi nhận được tập thơ mới của nhà thơ Dương Văn Lượng. Cầm Nâu trầm, NXB Hội Nhà văn, tháng 9/2024 trên tay, tôi có cảm giác như được nói chuyện với ông. Vẫn đấy, một nhà thơ binh nghiệp nhưng luôn nhỏ nhẹ, cưu mang như dòng sông quê nhà.
Dương Văn Lượng không giấu giếm gốc gác Quảng Bình của mình, từ giọng nói, cách sống chân thành...đến thơ. “Lớn lên nơi bãi năn, đồng lác/Chân lê lết bùn/Vật vã sống những mùa lạnh giá”, (Tôi) và ông xác tín mình là “Chút tinh dầu lên hương đắng cay”.
Thơ suy cho cùng là giọt lệ của nỗi niềm. Và nói như nhà văn nổi tiếng Trịnh Bích Ngân, tác giả của tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau thì thơ không chịu được sự che đậy. Sự thành công của mỗi nhà thơ, suy cho cùng là phơi lên được giọt lệ nỗi niềm trong gia tài thơ của mình. Vì thế, chưa gặp được nhà thơ Dương Văn Lượng, đọc thơ ông, tôi ngỡ như đang được đối thoại với tác giả.
Nâu trầm gồm 69 bài thơ. Tập thơ cho thấy, Dương Văn Lượng vẫn là một nhà thơ của suy tư, thơ được chưng cất lên từ giọt lệ bản thể. Trong tập thơ này, đọc qua mục lục, nhận diện được đa dạng về đề tài, có đề tài hiện thực, có đề tài vô thức. Đặc biệt là, mảng đề tài viết về quê hương Quảng Bình đậm nét.
Trở lại ngã ba Thạch Bàn, Nghĩ về suối Moọc, Đưa em về Lệ Thủy, Đưa em về Đồng Hới, là các bài thơ về quê hương có địa danh cụ thể. Ngoài ra, quê hương chất chứa trong các bài thơ có tên ẩn dụ, như: Làng, Đắng ngọt phù sa, Áo tơi, Mẹ, Gáo nước mưa, Qua mùa chưng cất, Vũ khúc tình say, Đồng điệu, Cây tre còng, Nổi nênh... Hay nói cách khác, quê hương ám ảnh Dương Văn Lượng, ràng rịt tâm hồn ông để thơ cất lên giọng điệu.
*
* *
Xã Xuân Thủy quê hương nhà thơ Dương Văn Lượng nằm bên bờ sông Kiến Giang, cạnh thị trấn Kiến Giang, huyện lỵ của Lệ Thủy. Ông sinh ra trước Tết âm lịch-ông được ví là “con rắn ngủ đông”. Với dân miền Trung, thời đói nghèo ấy là “giáp hạt”. Đói quắt queo.
Tắm phù sa từ trong bụng mẹ
Mẹ sinh tôi vào mùa nước dâng
Mái rạ, ổ rơm, nồi cơm rỗng bữa
Đội nắng, cõng mưa vớt lúa trương mầm
(Đắng ngọt phù sa)
Trong Đắng ngọt phù sa, xã Xuân Thủy nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung trước Cách mạng tháng Tám hiện lên như một bức tranh xác xơ nhưng yên ả, con người ở đó dù lam lũ nhưng lam làm. “Năm khô hạn ngước nguồn chậm xuống/Đói phù sa đất cũng rạc màu/Quanh quẩn hái liềm vui ngày cày cấy/Nắng nâu trầm soi trong mắt nhau”. Nhưng đó là tất cả yêu thương, vời vợi ký ức tuổi thơ. “Ngày mẹ sinh tôi cỏ lút hiên nhà/Chơi với cỏ tóc còn để chỏm/Cọng cỏ con cánh tay bè bạn/Mắt lá sao trời khát vọng tuổi thơ”, (Qua mùa chưng cất).
Đã là con người, đều có một người mẹ sinh thành. Không có thi sĩ nào từ cổ chí kim không viết về người mẹ. Dương Văn Lượng không ngoại lệ. Mẹ hy sinh, nuôi mỗi người lớn lên. Ngay cả lúc đã trưởng thành, mẹ luôn là nơi ta nương tựa lúc yếu lòng, vấp ngã, đớn đau.
Phía quê có mẹ và ngược lại. Đó là hiện thực thứ nhất. Trong văn học nghệ thuật, bóng mẹ lồng bóng quê. Đó là hiện thực thứ hai, nghệ thuật ẩn dụ. Ở bài Áo tơi, hình ảnh người mẹ nhà thơ và cũng là người mẹ miền Trung hiện lên: “Mẹ còng lưng cấy lúa ngoài đồng/Hun hút chiều mưa phùn gió bấc/Áo tơi nón lá che tấm thân gầy”; và hai câu cuối được nâng lên, ám ảnh: “Mẹ cấy một đời đông/Che chiều nào cũng gió”.
Hình ảnh người cha, người mẹ trong thơ Dương Văn Lượng thật giản dị: “Cha cày đồng về/Gáo nước mưa dẹp tan cơn khát/Mẹ ra sân múc nước/Sắn độn cơm dẻo thơm”, (Gáo nước mưa). Chân quê, nhưng với ông là cả một trời thương nhớ, là bầu sữa thơm của tâm hồn. Đó là thứ ánh sáng Bát Nhã, theo quan niệm Phật giáo trong hồn thơ.
Dương Văn Lượng tự hào về quê hương Quảng Bình, mình là người con Quảng Bình; nơi “Núi gối đầu chạy dọc/Sông rẽ mạch đâm ngang/Bát ngát đồng xanh, bao la cát trắng/Lưng Trường Sơn bốn mùa mây phủ/Mặt ngắm sóng biển Đông”, (Đưa em về Lệ Thủy).
Quảng Bình có 5 con sông lớn, Kiến Giang chỉ là sông nhỏ, chỉ dài 58km, bắt nguồn từ chân núi 1001 (tây nam Lệ Thủy) chảy về ngã ba Trần Xá, hợp lưu với sông Long Đại ở ngã ba Trần Xá, hình thành nên sông Nhật Lệ, đổ về biển Đông ở cửa Nhật Lệ. Quảng Bình là nơi “eo thắt” nhất miền Trung, sông ngắn và dốc. Có lẽ vì thế, lúc hạn, lúc ngập với vùng trũng nhất Quảng Bình như Lệ Thủy là “chuyện của trời”.
"Đất đồng trũng năm nào cũng ngập/Nước vô nhà/Người trèo lên tra/Sống cùng nước/Đục trong với nước/Tôi một đời đắng ngọt phù sa”. Có đắng cay mới hiểu ngọt bùi; có gian khổ với kiên cường, hẳn nhiên đó là quy luật. Câu thơ “Tôi một đời đắng ngọt phù sa”, không chỉ là câu thơ của hoài niệm, câu thơ xác tín mà còn là câu thơ minh triết về cuộc đời.
Trong những bài thơ về quê hương Quảng Bình, có lẽ Đồng Hới là bài thơ gói ghém cả xưa và nay, cả lịch sử và hiện tại, kiêu hãnh về văn hóa một vùng đất.
...
Bàu Tró gương trời soi cuộc bể dâu
Vẫn chưa thôi nếp nhăn trần thế
Thành cổ rêu phong mấy tầng lịch sử
Lũy Thầy nghe ngựa hý voi gầm
Đêm Đồng Hới nhớ trăng Hàn Mặc Tử
Sóng nhân tình vỗ khúc trầm luân
(Đồng Hới)
Dương Văn Lượng luôn nhìn quê hương bằng tấm lòng chân thành, nâng niu sự giản dị, chân quê: “Ai qua Bảo Ninh/mua giùm chai mắm chắt/bánh bột lọc sắn/thêm bọc khoai deo/Về Hải Thành mua vài lon ruốc/Món quà quê không đóng dấu giàu nghèo”, (Đồng Hới). Và nhà thơ tự hào: “Người Đồng Hới tình như sông biển/Tôi một đời muối mặn gừng cay/Sáng nay em về áo dài nón trắng/Thành phố hoa hồng như tôi đã yêu”.
“Thành phố hoa hồng” là biểu tượng, nhận diện “thương hiệu” của Đồng Hới, nhưng ít người biết rằng, đó là cách gọi của nữ nhà thơ Bungari, Blaga Dimitrova khi bà đến thăm TX. Đồng Hới những năm còn chiến tranh phá hoại, đất nước chưa thống nhất.
Hoa hồng, loại hoa của tình yêu, của cái đẹp. Trong tiếng Hy Lạp cổ, hay trong Kinh thánh, tình yêu chính là sức mạnh, tin mừng và chiến thắng. “Thành phố hoa hồng như tôi đã yêu”, đó là sự tự hào về quê hương.
*
* *
“Ao đình nay đã đầm sen/Làng tôi vặn mình lên phố/Chút hoài niệm cũng vương màu ngơ ngác/Vui buồn mấy độ tóc sương”, (Làng). Đây là bài thơ ngắn nhất trong Nâu trầm, nhưng dư ba của Làng rộng lớn.
Bài thơ Cây tre còng, cho ta một nhận diện khác. Ai cũng biết tre đã còng, đã cong thì chẳng làm được việc gì. “Chẳng ai mua tre làm đòn tay rui mè/Chẳng ai chặt tre đan giần sàng rổ rá” và chịu thân phận cô độc “Một mình gội mưa tắm nắng/Vui cùng bầy chim”. Thế nhưng hai câu cuối “Cây tre gồng lưng số phận/Vượt tật nguyền”, bật lên bất ngờ.
Ở tuổi ngoài thất thập, lại là một giảng viên Triết học, có lẽ vì thế, thơ Dương Văn Lượng có chiều sâu của suy cảm. Đọc thơ ông dễ găm vào lòng, bật lên nghĩ suy, từ những câu thơ ngỡ như giản đơn. Phía sau câu thơ có thân phận, có đời người. “Ngày quê nhà cầu lớn qua sông/Con đò ngang tròn vai lịch sử/Gối cát vàng bến xưa lặng lẽ/Vui buồn ngẫm sự nổi nênh”, (Nổi nênh).
Trong tập Nâu trầm, nhiều bài thơ có những vỉa tầng khác nhau. Có thể thấy ở Thời gian, Vô định, An nhiên, Siêu thực, Tồn tại, Khai mở, Cân bằng, Dụ ngôn, Thấp cao, Căn cước, Ám thị...Tôi gọi đây là những bài thơ viết trong vô thức, ở tầng vô thức.
Không gian nghệ thuật trong Nâu trầm không chỉ có các biểu tượng mùa, cỏ cây, hoa lá, nắng gió, sông biển...; mà còn có nghệ thuật sử dụng các lớp từ ngữ, hư thực, phép đối của ngôn ngữ-ý thức về những cặp phạm trù triết học từ thiên nhiên, vũ trụ và tạo hóa.
Đại tá Dương Văn Lượng là tiến sĩ Triết học, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng bị tai biến và gặp biến cố gia đình. Tôi cứ lo ông khó trở lại với thơ. Hóa ra tôi nhầm, có lúc quên câu thơ Phùng Quán,“Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.
Từng đọc Tự thức, Qua miền tối sáng, Gọi nắng; và bây giờ là Nâu trầm, tôi nhận ra, Dương Văn Lượng vẫn miệt mài tìm câu hỏi ngay trong chính bản thân mình. “Lặng lẽ một đời chẳng hề hay biết/Tồn tại trong tôi cái không tôi”, (Cái không tôi). Đó chính là ý thức đối với lao động sáng tạo.
Ngô Đức Hành