Mùa lụt lại về…
(QBĐT) - Năm nay, mùa mưa bão đến sớm gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng lớn đến công việc và đời sống sinh hoạt của người dân. Đồng bào cả nước hướng đến Thái Nguyên, Yên Bái, Lai Châu… bằng tinh thần “tương thân, tương ái” cao cả. Miền Bắc vừa trải qua cơn bĩ cực thì mưa bão lại đến miền Trung và Quảng Bình...
Hàng năm, sau mùa bơi trải, người Lệ Thủy lại bước vào cuộc chiến chống thiên tai bão lụt. Nhà nhà kê cao dụng cụ sinh hoạt trong gia đình, chuẩn bị lương thực thực phẩm cho những ngày nước nổi và di tản trâu, bò lên vùng trung du...
Mưa tháng 9 không còn e ấp, mát mẻ như trong mùa hè nữa. Mưa kèm sấm rạch ngang trời kéo mây xuống mặt đất. Nước dòng Kiến Giang cuồn cuộn chảy trong tiếng gào rít của những cơn gió thốc tháo chạy trên mái nhà. Cây cối vặn mình kêu răng rắc, tung quật, ngã nghiêng.
Vào những lúc này, bà con các xã vùng giữa quê tôi khuân vác đồ đạc lên cao. Những căn nhà ba gian được kết cấu có rầm hạ (được gác dành cho lụt nhỏ) và rầm thượng (dành cho lụt to khi nước ngập cánh cửa) là kết tinh kinh nghiệm chiến đấu với lũ lụt của người Lệ Thủy hơn 600 năm qua. Trước khi nước lụt từ đại ngàn trút xuống đồng bằng, mọi người đã mua nhiều bọc nilon thu dọn sách vở, áo quần lên cao. Cái gì ướt thì ướt nhưng đồ dùng học tập của con cái trong nhà không thể hư hỏng được. Còn nhớ trận “đại hồng thủy” năm 2020, xóm tôi bị thiệt hại nặng nề song những túi nilon sách vở được bà con treo trên xà nhà. Lụt có thể cuốn đi tất cả nhưng sự học của trẻ em quê tôi vẫn luôn đứng vững trên con nước hung hãn.
Khác với mọi nơi, lụt ở Lệ Thủy thường kéo dài từ 2-3 ngày, thậm chí cả tuần. Người dân sống trên nước, ăn ngủ trên nước và yêu thương, chia sẻ nhau trong nước. Khi nước dâng lên to, nhiều nhà thiếu hụt thức ăn, gạo cơm, bà con hàng xóm í ới gọi nhau chia phần ăn không hề nghĩ ngợi, tính toán.
Tôi còn nhớ, lúc còn nhỏ, năm nào có lụt vào nhà, sau khi sắp xếp chuẩn bị bếp ăn dã chiến (đặt trên chiếc bè chuối) cả nhà ngồi xúm lại trên rầm thượng theo dõi con nước có tiếp tục dâng lên hay không. Ánh mắt lo lắng của ông bà, ba mẹ tôi hiện rõ nhưng anh em tôi không hề biết. Bọn trẻ con như tôi lấy cây sào chọc xuống nền nhà khuấy nước rồi ước mơ được biến thành con chim để bay ra ngõ, bay ra sông, ra đồng xem dòng nước chảy.
Thích nhất là đến khi lũ đến, bọn trẻ tôi được ăn cơm với mắm cá đô, cá diếc… Cá bắt từ đồng ruộng rồi được mẹ làm mắm dự trữ. Những thân cá đỏ au, thơm phức. Mắm ngon và cay xè được trộn vào bát cơm. Anh em tôi giành nhau ăn. Cơm hết, cả mấy đứa vét đáy nồi thèm thuồng. Vốn ăn chậm, tôi bị mấy đứa em ăn hết cơm. Có lúc bật khóc bắt đền mẹ. Cho đến tận bây giờ, khi cuộc sống đã có phần đủ đầy nhưng tôi lại nhớ những bữa cơm trong lũ. Có lẽ, không có bữa cơm nào ngon như thế và đáng nhớ như thế nữa. Trong thiếu thốn, gian khổ, dẫu rằng ngoài kia bão giông, lũ lụt nhưng căn nhà ba gian nhỏ bé với những bát cơm nóng hổi đủ sưởi ấm tình thân.
Khi nước lụt sắp rút thường có những trận mưa xối xả. Ba tôi nói đó là mưa xối bùn, ông trời tạo lụt thì phải giúp bà con vệ sinh sau đó. Rồi nắng lên, mọi người ra vườn để cứu những cây mãng cầu, cây khế, cây ổi… đang xác xơ đằm mình trong bùn đất. Bọn trẻ lại có dịp tìm những quả chuối, quả bưởi còn sót lại hái ăn. Các bà, các chị cố vớt vát cứu luống rau lấm lem bùn đất. Xóm làng bắt đầu thả khói lên trời xanh bằng tình yêu thương ấm áp, nghĩa tình. Ba tôi trũng sâu hốc mắt ném ánh mắt ra phía cánh đồng nước mênh mông đặc quánh nỗi niềm. Những bụi tre cô đơn sau bìa làng xua đi phần nào sự im vắng, trống trải.
Quê tôi, mùa gối mùa qua đi. Bão lụt cũng vậy, như vị khách đến rồi rút lui không một lời chào hỏi thân tình. Quá quen với nỗi nhọc nhằn, mất mát nhưng tuyệt nhiên không đau thương khi mưa to, gió lớn...
Yêu nhất là lúc mưa gió tơi bời, người quê tôi vẫn an nhiên nướng sắn, nướng khoai trên những chiếc bếp di động nổi trên mặt nước. Mùi thơm của khoai, sắn và bắp rang theo làn khói lan tỏa khắp làng quê. Thế mới hay trong cơn bĩ cực của đất trời, người quê vẫn tìm cho mình nẻo bình yên đến lạ kỳ. Gió mưa cứ gầm rít nhưng trong mỗi mái nhà luôn giữ được hơi ấm nét an nhiên.
Ngô Mậu Tình