Làng xưa
(QBĐT) - Làng tôi hôm nay là làng quê nông thôn mới với con đường bê tông thẳng tắp, đèn điện sáng choang, cây cối bên đường cắt tỉa gọn gàng tạo cảnh quan hiện đại.
Những bóng cây cổ thụ, cây ăn quả lâu năm cũng đã dần thưa thớt, làng giờ đã lai phố. Bước chân đi trên con đường làng vốn dĩ thân quen nhưng lòng đan xen biết bao cảm giác: Gần gũi mà xa lạ, thân thương mà cũng không ít ngỡ ngàng.
Tôi cứ hay nhớ về làng quê xưa trong nỗi niềm thao thiết, bởi làng xưa đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ tôi với biết bao nét mộc mạc mà thân thương, đơn sơ mà hồn hậu. Làng tôi xưa nhỏ, con đường làng cũng nhỏ, dài ngoằn ngoèo rợp bóng những rặng tre và cây cổ thụ. Con đường ấy vương bùn đỏ ngày mưa, xao xác lá ngày hè và thơm mùi rơm mới khi vào mùa gặt. Con đường ấy theo năm tháng ghi dấu chân trần tất bật của cha mẹ tôi những mùa cày cấy, in bước chân trâu lững thững về nhà sau buổi cày đồng vất vả và vết hằn của những chuyến xe ba gác ì ạch chở lúa về sân phơi.
Trên con đường ấy không thể thiếu dấu chân tôi và lũ bạn một thời đầu trần chân đất, một buổi đến trường, một buổi ra đồng phụ mẹ cha chăn trâu, cắt cỏ. Đi trên con đường làng năm ấy, tôi nghe bàn chân mình mát rượi, mặt đất mềm bao dung ôm trọn những trò chơi thôn quê, ôm cả những tiếng cười đùa rượt đuổi của lũ trẻ. Đứa nào lỡ té ngã thì cũng tự đứng dậy ngay, tay phủi bụi khẽ xuýt xoa rồi chạy tiếp. Con đường khi ấy ít tiếng ồn xe cộ, chỉ nghe tiếng í ới gọi nhau ra đồng lúc sáng sớm và những chuyện trò đồng áng lúc về chiều. Thoang thoảng tan trong ngọn gió nam nồm đường làng thơm mùi ổi, mít nhà ai chín rộ và ríu rít tiếng chim chuyền cành trên những đọt tre.
Làng tôi xưa chẳng có hàng rào bê tông kiên cố, nhà cách nhà bằng những hàng rào tre, bờ giậu hay rặng chè tàu. Để mỗi lần nhà ai có nồi cá kho thơm hay rổ na chín mọng, người lớn lại sai lũ trẻ băng rặng chè tàu mà mang sang cho hàng xóm. Sáng ra hãm được ấm chè ngon cũng bảo lũ trẻ chạy ra bờ giậu để gọi bác hàng xóm qua uống cùng. Cái ranh giới mong manh từ cây cối vườn nhà ấy vốn dĩ để nghĩa tình người quê lúc tối lửa tắt đèn dễ dàng qua lại, để những thảo thơm bình dị được dễ dàng lan tỏa, sẻ chia. Chỉ là một dải ngăn cách xanh biếc rập rờn ấy thôi, nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng mẹ gọi, thì từ vườn bên này phải ù té chạy thật nhanh, lách qua hàng rào đặt chân lên vườn mình mới dám dạ, để khỏi bị mẹ la vì dám bỏ nhà cửa đi chơi.
Làng tôi khi ấy, vườn nhà ai cũng rộng, đủ đầy các loại cây trái mít, ổi, mãng cầu, xoài chua, khế ngọt…, những thứ quả mà chỉ cần nghĩ đến thôi cũng làm cho lũ trẻ chúng tôi tứa nước miếng. Những buổi trưa không ngủ, trốn mẹ cha tha thẩn các khu vườn cùng nhau vặt quả, mặt đứa nào cũng lấm lét nhét đầy người những thứ quả lộn xộn chín, xanh. Ngồi dưới bóng mát nơi đường làng hí húi ăn với muối, miệng xuýt xoa vì những chua, cay, mặn, ngọt, những tiếng cười treo vít ngọn tre. Giếng nước, gốc đa, cánh đồng sau vụ gặt là nơi cho lũ trẻ chúng tôi tha hồ vùng vẫy, những buổi chiều ngụp lặn trên cánh đồng trơ gốc rạ với biết bao trò chơi: Thả diều, chọi dế, bịt mắt bắt dê… rồi chạy ù về bên giếng làng vục nước uống, thỏa thuê tắm mát bằng những gàu nước mát lạnh.
Làng tôi nay đã thay da đổi thịt, những hàng rào tre, bụi chè, bờ giậu đã được dỡ đi để nhường đường nông thôn mới, con đường làng năm ấy giờ đã rộng rãi, thẳng tắp. Những mảnh vườn cũng dần bé lại, nhà ai cũng xây hàng rào kiên cố, gạch hoa lát ra tận cổng, sân nhà ngõ xóm rộng thênh thang. Làng đã có điện, đường, trường, trạm đạt chuẩn mới, nhìn lũ trẻ con chiều chiều chạy nhảy, đạp xe đạp vi vút trên con đường bê tông sáng loáng mà lòng tôi cũng rộn lên những hân hoan.
Đêm về, ánh điện sáng trưng mọi nẻo đường, chẳng bù cho những buổi tối mịt mùng thời chúng tôi dò dẫm tìm đường đến nhà nhau học nhóm. Mùa gặt năm nay tôi về, đường làng thôi không còn vàng thơm màu rơm rạ, lúa được gặt tuốt ngay trên đồng có xe đưa về tận sân phơi. Cánh đồng vào vụ nhưng chẳng thấy xôn xao như trước. Thầm mừng vui vì quê hương đổi mới, cuộc sống người dân đã bớt đi bao phần vất vả. Nhưng sao, lòng tôi vẫn cứ thấy chênh chao, hụt hẫng vì thiếu vắng điều gì. Những thứ vốn gắn bó lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ đã dần đi vào dĩ vãng khiến tôi không nguôi những thổn thức nhớ nhung.
Tôi vẫn cứ thao thiết tìm về những hình ảnh của làng xưa, dù rằng đó chỉ là những mảnh ghép còn lại nhỏ nhoi và rời rạc thì cũng đủ để an ủi, vỗ về cho một tâm hồn vốn được sinh ra từ làng, được nuôi dưỡng bằng những thứ mộc mạc, bình dị của làng xưa.
Đoàn Thị Thu Hương