Hội họa và cảm xúc mùa thu
(QBĐT) - Đấng tạo hóa đã sinh ra bốn mùa có sắc thái riêng, mùa xuân rực rỡ, mùa hạ nồng cháy, mùa đông trầm mặc và mùa thu… có lẽ là mùa mang lại nhiều xúc cảm nhất cho mỗi người bởi sự nhẹ nhàng và lãng mạn của lá vàng lao xao trong gió, của hương bưởi trong vườn, những giọt mưa buông rơi trên lá, kết thành chuỗi hạt buông thỏng trước hàng hiên... Là ký ức gặp gỡ ngày tựu trường thuở thiếu thời, là nỗi hoài niệm của cái nắm tay ấp úng khi tiễn người bạn rời sân ga lên đường đến một miền xa…
Chính vì lẽ ấy, không ai lại không xao xuyến với những câu thơ “Em không nghe rừng thu/Lá thu kêu xào xạc/Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô” trong bài thơ “Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Những người sáng tác văn học nghệ thuật đặc biệt dành nhiều tình cảm để nói về những cung bậc cảnh sắc thu qua văn thơ, âm nhạc, mỹ thuật... Với hội họa, điều đầu tiên người ta thường nói đến là màu sắc, bởi đó là tâm hồn người họa sĩ rung cảm trước thiên nhiên, cuộc sống hay những tầng sâu tâm tư được giãi bày thông qua các sắc độ, gam màu, tạo nên linh hồn của tác phẩm.
Không thể đong đếm được có bao nhiêu bức tranh vẽ về mùa thu. Bởi như lẽ đương nhiên, cứ mỗi khi tiết trời dịu nhẹ, lá run rẩy chuyển màu trong gió… cũng là lúc những giai điệu của sắc vàng tràn đầy trên những mặt toan của giới cầm cọ. Vậy mùa thu có gì mà hoạ sĩ thường nói với nhau là: “Thật giàu có”. Người ta thường ví von rằng không gì đẹp bằng những đám mây trắng như bông bồng bềnh trên nền trời xanh biếc, không gì đẹp bằng ánh trăng thu tròn vành vạnh loáng bóng trên mặt hồ… Một chiếc lá vàng còn neo trên cành cây gầy, một khóm hoa cúc nhu mì nép bên bức tường gạch, con chim bói cá ngẩn ngơ đậu trên chiếc lá sen úa tàn… cũng đủ níu lòng người ngắm nhìn... Quy luật của tạo hóa buộc mùa thu phải trút bỏ xiêm y lá, để nhường dinh dưỡng cho cành, thân vượt qua mùa đông lạnh giá. Nhưng chính điều đó đã tạo nên vẻ đẹp của những cơn mưa, của lá vàng không mùa nào có được.
Và mùa thu không chỉ có sắc, mà còn đậm hương của thị vàng trong túi áo, hương bưởi trong vườn, nồng nàn hoa sữa trên phố.... Tôi đặc biệt yêu thích các loài hoa của mùa thu. Nếu như mùa xuân trăm hoa rực rỡ xiêm y, hạ cháy bỏng sắc đỏ hoa phượng thì thu đến mang sự giản dị, như hoa bưởi, hoa sữa, hoa nguyệt quế, dạ hương, quỳnh… đều chỉ một sắc trắng, nhưng dậy hương nồng nàn mỗi khi màn đêm buông xuống. Có một loài hoa, không mang hương nhưng vương vấn thương nhớ với sắc trắng tinh khôi. Đó là hoa lau, loài hoa báo mùa bão tố đã đi qua, bồng bềnh từng đợt sóng mỗi khi gió heo may về. Chính những điều này mà tranh vẽ về mùa thu thường khiêm nhường về nội dung nhưng phong phú về hình thức thể hiện. Đó có thể chỉ là một dáng cây xiêu xiêu đang trút lá, một con đường hun hút về cánh đồng xa, những bông hoa dại hay một dáng huyền e ấp bên khung cửa… nhưng tạo nên sự cuốn hút về cảm xúc thẩm mỹ khó cưỡng.
Sau Nguyên tiêu, mùa xuân dần đi qua, người người lại tiếp tục hành trình mưu sinh với những hy vọng mới. Để rồi đứng lại ngắm một ánh trăng vành vạnh, sáng trong và sực nhớ ra chị Hằng lại về để vui Trung thu cùng trẻ thơ. Vẽ về trăng nhiều nhất có lẽ là trăng thu, có thể khi lá trên những tầng cây thưa thớt, chỉ còn hình hài của những cành cây nên ánh trăng được nhìn trọn vẹn hơn. Trăng trong tranh không chỉ để thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, mà thường mang những tầng sâu ý nghĩa khác, để nói về sự giác ngộ hay vẻ đẹp của thiếu nữ tuổi trăng rằm, để diễn tả sự trong veo của chiếc gương “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Trăng cũng là hoài niệm về một thời tuổi trẻ, một mối tình tinh khôi… Vì thế, khi vẽ về ánh trăng, người hoạ sĩ thường chọn vị trí đắt, trang trọng nhất trong bố cục tác phẩm mang đến nhiều sự liên tưởng thú vị.
Trong lịch sử hội hoạ thế giới, để kể hết những tuyệt tác về mùa thu là điều không thể. Vì, với bất cứ một hoạ sĩ nào từ cổ đại, phục hưng đến hiện đại và đương đại ít nhất họ cũng đã từng vẽ về mùa thu. Đặc biệt trong các tác phẩm vẽ trực tiếp phong cảnh ngoài trời của họa phái Ấn tượng (một trào lưu nghệ thuật bắt đầu tại Paris-Pháp, vào cuối thế kỷ XIX) với các hoạ sĩ: Claude Monet, Camille Pissarro, Van Gogh…
Nhưng nếu chúng ta không nhắc đến vẻ đẹp bất tận trong tác phẩm “Mùa thu vàng” của danh họa người Nga Isaac Levitan (1860-1900) được vẽ vào năm 1895 sẽ là một thiếu sót. Danh tác không ngừng được ca tụng này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối vẽ trường phái tân cổ điển với trường phái Ấn tượng tạo nên sự mênh mang và sâu thẳm của mùa thu. Người xem có thể cảm nhận được cả chiều sâu và chiều rộng, cả chất nhạc, chất thơ đầy trữ tình và thiên nhiên rộng lớn của nước Nga. Tác phẩm như một bản nhạc giao hưởng với đầy đủ cung bậc trầm bổng của sắc màu.
Từ bầu trời xanh trong phản xuống dòng nước sâu thẳm đến sắc vàng nhuộm trải trong không gian, trên từng tán lá, trên cỏ…với gam màu đủ ấm vừa mát dịu rất đặc trưng của mùa thu, gợi cho người xem tranh có cảm giác bâng khuâng vô định, có một nỗi buồn man mác nhưng rất “lớn lao”. Trong rất nhiều tác phẩm vẽ phong cảnh mùa thu ở đất nước Nga của ông, như: Một ngày thu ở công viên, Rừng bạch dương, Sự yên tĩnh vĩnh hằng, Hồ nước Nga... thì “Mùa thu vàng” là họa phẩm nổi tiếng nhất. Trở thành thước đo chuẩn mực thẩm mỹ trong hội họa về chủ đề mùa thu của mỹ thuật thế giới.
Những buổi đầu của nền hội họa hiện đại Việt Nam mang âm hưởng mỹ thuật Ấn tượng. Các họa sĩ thế hệ Đông Dương (những hoạ sĩ được đào tạo tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương-Hà Nội từ năm 1925-1945) đã vận dụng kỹ thuật hội họa của phương Tây để thể hiện các tác phẩm về đất nước và con người, phong cảnh Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông. Các tác phẩm vẽ về mùa thu vẫn giữ được bút pháp khoáng đạt của Ấn tượng, nhưng biểu hiện lên cảnh sắc của xứ sở nhiệt đới đầy mê hoặc trong tranh của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Lương Xuân Nhị…và các họa sĩ dù đã sớm định cư và sáng tác ở nước ngoài, như: Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ… nhưng vẫn giữ đậm chấm tinh thần dân tộc trong tác phẩm mang đầy chất thu.
Các họa sĩ thế hệ Việt Nam tiếp theo tiếp tục say mê sáng tác với chủ đề này. Nhiều họa sĩ hiện nay đã thành danh, như: Đào Hải Phong, Lê Thanh Sơn, Hồng Việt Dũng, Đặng Tiến đến thế hệ họa sĩ trẻ, như: Mai Xuân Oanh, Lê Thế Anh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Phạm Bình Chương, Đặng Hiệp, Đặng Thu An, Nguyễn Ánh Dương, Hồ Hưng… đã mang cảnh sắc của một Hà Nội ngàn năm văn hiến, những ngôi nhà cổ kính, đầy sắc hoa trên phố, một xứ Huế mộng mơ, trầm mặc sâu lắng hay TP. Hồ Chí Minh năng động, tràn đầy ánh nắng cùng những miền đất từ địa đầu hùng vĩ Hà Giang đến đất mũi Cà Mau xanh mướt… đến với những người yêu mến hội họa trong nước và quốc tế.
Mùa thu cũng được gọi là “mùa triển lãm” ở các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh… hoạ sĩ khắp mọi miền Tổ quốc gặp gỡ qua các triển lãm với các tên gọi, như: “Gặp gỡ mùa thu”, “Chuyện của mùa thu”, “Sắc thu” (2023-Hà Nội), “Mùa thu ở Cao Nguyên” (Đắk Lắk-2021), “Sắc thu 2018” (Huế), “Sắc thu” (2022-TP. Hồ Chí Minh)... Mỗi phòng tranh về mùa thu thường vời vợi cảm xúc về sự chuyển mình của thiên nhiên, đất trời, của con người đi vào những sắc vàng mênh mang... Để tiếp tục có những cuộc hẹn mới với những mùa thu sau.
Nguyên Sa