Những nguồn mạch văn hóa âm thầm

  • 08:07 | Chủ Nhật, 25/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một người bạn ở xa đến Quảng Bình hỏi tôi: “Đặc trưng văn hóa vùng đất này là gì?” Thật khó để có một câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ, vì quê tôi hội đủ mọi văn hóa, phong phú, khác biệt nhưng liền mạch, mượt mà. Yếu tố mới xuất hiện, không triệt tiêu, bài xích, lấn át cái cũ mà đồng thời tồn tại, giao thoa một cách hài hòa, khúc chiết. Các thế hệ nhân dân Quảng Bình vừa bền bỉ lưu giữ, trao truyền vốn văn hóa nền tảng, vừa linh hoạt phát triển cái riêng có đồng thời cởi mở thu nạp những khác biệt. Họ đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Quảng Bình không bị cũ mòn, cứng nhắc cũng không rơi vào tình trạng quá khích “đổi mới nóng” mà đạt đến độ hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
 
Quê ngoại tôi ở làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn)-một trong những ngôi làng cổ xưa nhất Quảng Bình. Mệ ngoại tôi sống ở đó gần 90 năm mà chưa một lần rời xa. Mệ củ mỉ cù mì, cũ từ dáng hình đến màu da, từ mỗi bước đi đến từng tiếng nói. Từ những rất cũ ấy toát lên vẻ đẹp hiền lành, phúc hậu tận vô cùng. Mệ ít nói, khi nói lại toàn dùng từ cổ, kiểu: Đúa (cái rổ), troong (dây phơi), mo (gàu múc nước), cươi (sân nhà)… thật là thách thức người nghe! Mẹ tôi bảo, mệ nói tiếng Mường cổ, chỉ ai biết mới hiểu thôi.
 
Ngày bé, được sống ở quê với mệ một vài năm nên tôi quen dần rồi nói theo. Những buổi trưa mệ cháu ngồi trên ngạch cửa, mệ rẽ rẽ từng đường tóc trên chiếc đầu bù xù của tôi để tuốt trứng chí, vừa nhẩn nha nhai trầu và hát những bài dân ca cổ, hát xong lại kể các tích cũ. Gần như buổi trưa nào bà cũng hát “Mẫu tử tình thâm”. Tôi thuộc lòng từng câu và nhớ mãi: “Mẫu tử tình thâm/Công thầy và nghĩa mẹ/Đừng nói chi nặng nhẹ/Đừng tiếng tăm nặng lời/Đừng cả tiếng rộng hơi/Đạo làm con không nên cại/cại mẹ cha răng phải…” (Cại: cãi lại). Đó là cách tự giải trí của rất nhiều bà già ở quê tôi lúc bấy giờ. Tôi thì nghiêng xuống gối đầu mệ, mân mê những ngón chân thô ráp của mệ rồi chìm dần trong cơn ngủ. Những ngón chân thật khác lạ, tất cả đều tõe ra như chả liên quan gì đến nhau, hai ngón cái chỉa sang hai bên rất…mất đoàn kết. Tôi lớn lên, rời xa làng và vòng tay ấm của mệ vẫn không quên đôi bàn chân đặc biệt ấy. Sau mới biết như thế gọi là chân giao chỉ và chỉ lớp người đời xưa từ mệ trở về trước mới có.
Làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn). Ảnh: Bùi Cường
Làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn). Ảnh: Bùi Cường
Mệ ngoại tôi không biết chữ, nói đúng hơn là mệ chỉ tham gia lớp học xóa mù sau Cách mạng tháng Tám theo lời kêu gọi “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt” của Bác Hồ. Ông ngoại tôi thì dạy học ở Trường tiểu học Thọ Linh. Những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, ông biền biệt tháng ngày, đi xây dựng phong trào từ Xuân Trạch vào Nhân Trạch của huyện Bố Trạch rồi lên Tuyên Hóa. Mỗi lần về thăm nhà, ông lại tặng mệ một đứa con. Tất cả đến 11 người. Trớ trêu thay, nuôi dạy đàn con liu chiu ấy ông giao cả cho người vợ không biết chữ. Mệ tôi cứ thế nhẫn nại mà không hề một lời than vãn. Gian khổ, đói nghèo, đôi chân không quen đi dép của mệ quanh năm suốt tháng bấm vào đồng ruộng để nuôi con khôn lớn.
 
Tâm hồn mệ, trái tim mệ neo vào những bài học đạo lý trong ca dao, dân ca hay các tích cũ để dạy con nên người. Hầu như những lời nhắc nhở, dạy dỗ các con mệ đều dùng ca dao, tục ngữ để gửi gắm. Tôi cũng may mắn được tiếp nhận vốn văn hóa mộc mạc của mệ mà lớn lên. Chẳng biết ông ngoại tôi đã bao giờ nói một lời cảm ơn với người vợ không biết chữ của mình chưa?! Nhưng tôi biết mệ là cội nguồn nhân cách, đạo đức, văn hóa của mẹ tôi, các cậu, các dì tôi. Tôi may mắn được lớn lên bên một “di sản văn hóa Mường cổ” nguyên bản và sống động như thế. Trên quê hương Quảng Bình, có rất nhiều những gia đình như ông bà ngoại của tôi. Rất nghèo, rất vất vả nhưng chịu thương, chịu khó và giàu nhân cách. Dưới mái tranh nghèo, những người con đã được sinh dưỡng bằng hạt lúa, củ khoai, bằng nền tảng văn hóa phì nhiêu nhân ái để thành người tử tế.  
 
Bởi sống trên vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, mưa bão triền miên, nắng hạn bỏng rát, gió Lào khốc liệt, bụi đỏ mù trời nên người Quảng Bình tưới mát cuộc đời bằng văn hóa, văn nghệ. Trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất, khi chiến tranh đạn bom ác liệt, khi lao động vất vả mệt nhoài, khi thương đau cứa cắt trong tim… tiếng hát vẫn cất lên để cổ vũ, động viên, kích hoạt ý chí, giãi bày, san sẻ và chia sớt niềm đau.
 
Quảng Bình có một lớp các cụ già trên dưới chín chục, suýt soát một trăm, ca dao, dân ca luôn ở đầu môi. Cụ bà Trần Thị Mai ở làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) là một kho tàng quý giá. Không sách vở, không giấy tờ nhưng bà thuộc hàng trăm câu ca dao, tục ngữ, dân ca, hát ru cổ. Gần như vấn đề gì trong cuộc sống cũng được bà ứng đối bằng thơ ca dân gian một cách tinh tế, ý nhị. Năm gần 90 tuổi, có cụ ông người làng bên vốn yêu bà thuở thanh xuân bất ngờ gọi điện hỏi thăm. Họ thủ thỉ với nhau về điều gì các con bà không biết nhưng họ đã quá bất ngờ khi nghe mẹ mình đọc mấy câu ca dao trước khi ngắt máy: “Ra về mà nỏ cho về/Bắt tay lôi lại mà đề câu thơ/Một thương, hai nhớ, ba đợi, bốn chờ/Trăm năm vàng phai, giấy rợt bốn chữ câu thơ vẫn còn”.
 
Thời gian cuối đời, bà không nhớ gì, chỉ nhớ ca dao, dân ca quê mình. Như ngọn đèn cạn dầu bùng sáng một lần nữa rồi thôi, bà hát không kể ngày đêm để nhà điêu khắc Phan Đình Tiến-con trai bà ghi chép lại. Bởi, bà lo một mai bà mất đi thì không ai còn biết đến vốn quý của làng. Chập chờn giữa những tỉnh tỉnh mê mê, kể cả khi được bế lên xe cứu thương vào bệnh viện bà vẫn hát như là sự gửi gắm cuối cùng: “Làm người ta có ngại chi/Khúc sông eo hẹp, ta lại tùy khúc sông”. Tiếng hát ấy chỉ lịm dần và tắt hẳn khi bà trút hơi thở cuối cùng. Bà đã tự ru mình vào giấc ngủ ngàn thu. Gương mặt tươi tỉnh, an nhiên như sự sống vẫn còn tiếp diễn. Tôi chưa từng thấy chuyến ra đi nào thanh thản, nhẹ nhàng đến vậy.
 
Tôi đã đọc được đâu đó câu: “Những vùng đất nằm trên vùng biên cương đều có sinh lực mạnh mẽ”. Nhận ra, Quảng Bình trong đó. Đời sống người Quảng Bình, miền ngược, miền xuôi, ngư dân, nông dân hay bất kỳ công việc nào khác, rất nhiều người đàn bà không biết chữ nhưng hiểu thấu truyện Kiều hay những cụ bà không nhớ gì chỉ nhớ ca dao, dân ca như cụ bà Trần Thị Mai ở làng Pháp Kệ… đã cùng hội tụ, kết tinh, lan tỏa, vun đắp thành phẩm chất, cốt cách đặc trưng, thành sức mạnh bất khuất, can trường để người Quảng Bình bình tĩnh đối mặt thiên tai địch họa, bản lĩnh ý chí trước cam go thử thách phận người mà dựng xây cuộc sống, vun đắp quê hương. Họ ra đi nhưng vẫn gửi lại những mạch nguồn văn hóa âm thầm, góp phần cho Quảng Bình mãi là Quảng Bình truyền thống và hiện đại, nhân văn và phóng khoáng.
Tùy bút của Trương Thu Hiền

tin liên quan