TẢN VĂN

Tháng sáu buôn nhãn bán trăm

  • 07:27 | Thứ Ba, 16/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Tháng sáu buôn nhãn bán trăm” là một câu trong bài ca dao xưa, nói về những hoạt động đặc thù của các tháng trong năm, mà thuở ấu thơ tôi thường nghe bà tôi hát ru cháu. Thi thoảng tò mò, tôi lại ôm cổ bà bắt bà giải thích từng câu. Bà tôi tuy không biết chữ nhưng trời cho bà thông minh, tôi hỏi gì bà cũng có thể giải thích được. Cho đến nay, tôi nghiệm rằng chưa có điều chi bà nói là không đúng cả.
 
“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân…”.
 
Tôi còn nhớ, có lần tôi hỏi bà: “Bà ơi tháng sáu sao đi buôn nhãn mà lại bán trăm hở bà?”. Bà tôi bỏm bẻm nhai trầu, ngước nhìn sang cây nhãn nhà hàng xóm chi chít lồng giải thích: “Bắt đầu rằm tháng sáu trở lên là mùa thu hoạch nhãn. Các cháu thấy không, hàng trăm lồng nhãn của nhà bác ấy sẽ được các bà buôn đến mua. Khi họ mua về, họ sẽ bó lại thành từng chùm, đếm đủ mỗi chùm một trăm quả nhãn đem ra chợ bán. Ý câu ca dao nói buôn nhãn là mua cả cây mà bán từng “trăm” một là như rứa cháu ạ!”.
 
Nhà hàng xóm tôi có hai cây nhãn ở hai bên sân cao lớn lắm, chẳng biết trồng từ bao giờ. Lúc gia đình tôi chuyển về ở bên cạnh thì nhãn đã như vậy rồi. Thực ra, làng tôi sinh sống bằng nghề làm nón, nghề làm ruộng hay làm vườn chỉ là thu nhập phụ. Tuy nhiên, hầu như nhà nào cũng có ít nhất là một gốc nhãn và khá cổ thụ. Cứ độ rằm tháng hai đến đầu tháng ba âm lịch là ong bướm kéo về rợp trời hút nhụy. Không kiêu sa như hoa đào, hoa mai, hoa nhãn thân thuộc của làng quê với dáng nhỏ, màu vàng hanh, hương thơm ngọt dịu nhưng không kém phần quyến rũ.
 
Bà tôi nói rằng, nhãn cũng như người các cháu ạ. Nếu như năm này ra hoa kết quả, khi thu hoạch xong sẽ bị “kiệt sức”, năm sau không còn ra hoa được nữa. Ví như mẹ các cháu, năm nay sinh em bé, em bú mớm, mẹ chăm bẵm kiệt sức. Cho nên phải vài ba năm sau, mẹ mới sinh em bé khác. Nghe bà nói, tôi nhìn cây nhãn ứa nước mắt, cứ thương cây nhãn như thương mẹ mình vậy. Mãi sau này tôi mới hiểu rằng, chỉ bởi người làng mình cứ để cây nhãn sinh trưởng tự nhiên, hút dinh dưỡng tự có trong đất nên mới kiệt sức sau thu hoạch. Chứ nếu đào hố, bón phân và chăm sóc, chắc hẳn nhãn năm nào cũng đơm hoa kết trái.
Minh họa: Minh Quý
“Ơi cô cắt cỏ bên sông/Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”. Đó là câu ca dao mà bà tôi hay hát nhất, hát quanh năm. Thậm chí có lúc đang hát thì dừng lại để giải thích cho tôi nghe sự đa nghĩa của chữ “lồng”. Nhưng đặc biệt đến mùa hoa nhãn nở cho đến khi thu hoạch thì ngày nào bà cũng hát, hát đi rồi hát lại. Dường như có lúc bà quên rằng, trước đó mình vừa mới hát xong. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại nhìn thấy mắt bà rơm rớm.
 
Bà kể cho tôi nghe, nhà ông bà nội trước đây cũng có hai cây nhãn to lắm. Ông nội chọn giống thế nào mà hai cây nhãn cứ luân phiên hàng năm để nở hoa. Điều này không chỉ năm nào cũng có nhãn ăn và bán mà còn vận dụng được tối đa số lồng nhãn sẵn có. Bởi việc chẻ tre đan lồng rất khó nhọc, nếu cả hai cây cùng có quả một năm sẽ không đủ số lồng. Nhưng nếu đan đủ lồng cho cả hai cây thì năm sau không dùng sẽ phí và còn không có chỗ cất. Bởi cất lồng nhãn là phải để trên gác bếp thì mới khỏi bị mọt hay mục khẩy… Và rồi tháng tư năm ấy, khi những bộ lồng nhãn mới vừa được ông bà đan xong thì ông trổ bệnh và qua đời. Bà trở thành góa phụ giữa mùa nhãn khi mới 27 tuổi!
 
Mùa nhãn, bà tôi còn có một nỗi niềm khác. Đó là, sau khi chuyển về vườn đất mới, việc đầu tiên là bà tìm chỗ để trồng một cây nhãn. Bà nói, nhãn nhân giống bằng hạt từ khi trồng đến khi cho ra bói là năm năm. Ấy thế mà cây nhãn bà trồng là “nhãn đực”, nó có ra hoa nhưng rụng hết. Bà nói, ông mang nhãn đi theo rồi, ông không cho bà trồng nhãn nữa. Mỗi lần vậy, bà lại ru cháu trong nước mắt: “À...ơ... Chim quyên ăn trái nhãn lồng/Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi…”.
 
Trái với nỗi niềm của bà, lũ trẻ chúng tôi thích thú lắm. Thích nhất là đứng ngóng dưới gốc cây, thi thoảng bác lồng nhãn trên cây lại vứt cho mấy trái lẻ để tranh nhau. Nhãn lúc này chưa ngọt nhưng với trẻ con đâu có cần ngọt. Thích thứ hai là… ăn trộm nhãn. Mà đó cũng là lối nghịch ngợm trẻ con thôi, chứ chỉ trộm được khi nhãn chưa ngọt, chưa lồng, chứ đã lồng rồi thì không thể trộm được.Thích nữa là đến mùa nhãn chín, đứng ngóng mẹ chợ về, thế nào cũng có quà nhãn.
 
Ngày nào nón đắt thì mẹ mua vài trăm, về thắp hương bàn thờ xong, mời bà và ba, còn lại chia cho mỗi đứa chục quả. Cái giống nhãn xưa của quê tôi trái không to như nhãn bây giờ nhưng có vị ngọt thanh khiết lắm. Bà tôi nói, nhãn ăn rất bổ, người ta làm dùng thuốc cho người ốm. Bởi vậy, đến mùa nhãn nhà nào có người ốm mà không có nhãn, thường được bà con, làng xóm hái hoặc mua nhãn đến thăm.
 
Tôi còn nhớ tháng sáu âm năm 1979, bà tôi ốm nặng. Đường sữa mua khó lắm, mẹ tôi phải bổ sung chất ngọt cho bà bằng nhãn. Rồi sang tháng bảy, mùa nhãn hãy đương còn thì bà tôi ra đi. Trăm nhãn mẹ mua về bà chưa kịp ăn, nghi ngút trong hương khói.
 
Đi một vòng quanh làng, những gốc nhãn cổ thụ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Nhãn quê tôi đã không còn là “kinh tế” nhưng cũng không còn là “văn hóa” nữa. Hàng hóa thông thương, nhãn Hưng Yên, nhãn miền Nam… tràn ngập thị trường. Người ta bán nhãn bằng tạ, bằng cân. Vậy nên câu ca dao “Tháng sáu buôn nhãn bán trăm” hẳn chỉ còn trong hoài niệm!
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Tổng duyệt lễ trao giải cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật

(QBĐT) - Sáng 15/7, Ban Tổ chức "Cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày "Quảng Bình quật khởi" (1949-2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1989-2024)" tổ chức tổng duyệt chương trình lễ trao giải cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc.

Trở về tháng bảy

(QBĐT) - Ngày trở về tháng bảy Quảng Bình ơi!
Ngày Bình-Trị-Thiên tách về theo địa giới
Bao ngổn ngang đang bộn bề Đồng Hới
Nắng và gió Lào bỏng rát đôi vai...

"Ngày mai anh về xuôi"

(QBĐT) - "Ngày mai anh về xuôi" là bài thơ của cố thi sĩ Xuân Hoàng viết vào tháng 2/1949, trong đó có hai câu thơ nhắc đến sự chia ly thời chiến: Ngày mai anh về xuôi/Đường truông dài lau sậy… Nhưng ai về xuôi? Về xuôi để làm gì trong thời điểm tháng 2/1949 này?...