TẢN VĂN
Nhớ tiếng chim gọi về
(QBĐT) - Con thuyền rẽ nước băng băng, lướt nhẹ trên áng mây chiều gấm hoa đang phản xuống mặt nước như gương. Phá Hạc Hải đang dần hiện ra, miên man gió và mênh mang của nước-trời-mây chào đón chúng tôi bắt đầu “tour” trải nghiệm trên đầm phá từ cuộc hẹn đi ngắm trăng của hai người bạn. Riêng tôi, đây sẽ là hành trình đi tìm lại “tiếng chim”.
“Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sa vi bản” là câu nói của tiền nhân chỉ một vùng địa văn hóa rộng lớn trải dài hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy ngày nay. Từ năm 1555, tiến sĩ Dương Văn An đã miêu tả phá Hạc Hải trong sách Ô Châu cận lục, trong quyển 1: Núi sông có viết: “Thiển Hải (Biển cạn-Hạc Hải còn có tên Bình Hồ) “Nước mênh mông như biển bạc, trong veo như ruộng ngọc”. Từ thuở nhỏ, chúng tôi đã nghe tên gọi này qua lời của ông bà ngoại. Ngoại tôi ở ngay đầu làng, phía trước làng cánh đồng xa tít tắp của phá Hạc Hải với đầy ắp cá, tôm và rợp bóng chim muông.
Phá Hạc Hải ngày nay được kiến tạo để phát triển nông nghiệp, trở thành một vựa lúa lớn, năng suất cao của tỉnh. Dù không còn giữ nguyên vẹn vẻ hoang sơ nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố tiềm năng của du lịch sinh thái, một hướng phát triển kinh tế bền vững gắn sản xuất nông nghiệp, khai thác thủy hải sản với bảo vệ thiên nhiên. Sau những trải nghiệm đi thuyền trên sông, len lỏi vào sâu những cánh đồng, ngắm khu bảo vệ chim hoang dã… là bữa cơm chiều với những đặc sản đậm đà hương vị đồng quê.
Chiều buông, một ly trà nóng từ lúa non dậy hương, trước mắt chúng tôi bây giờ là khoảng không vô tận, tĩnh lặng và yên bình. Thật lâu rồi tôi mới lại nằm trên thảm rơm vàng êm mát, thả mắt lên trời ngắm những áng mây trôi và từng đàn chim đang bay về tổ, vần vũ trên cao từng đàn ríu rít, véo von. Không biết từ lúc nào, tôi không còn để ý đến tiếng chim lảnh lót trên cao. Cũng có thể, những cánh đồng đã dần trở thành đô thị, không còn không gian sống, chim đã bay đi phương nào. Cũng có thể, khi chúng ta lớn lên, cuộc sống bộn bề ít có thời gian dừng lại để lắng nghe một tiếng thanh nhẹ giữa ồn ào phố thị…
Bây giờ, lại như đứa trẻ năm xưa nằm trên bờ đê, ngắm nhìn bầu trời và thưởng thức tiếng chim ca. Chim trên phá Hạc Hải nhiều loài và theo mùa kéo nhau về làm tổ. Cũng có những loài chim lạ từ bốn phương ngang qua, ghé chân nghỉ ngơi rồi tiếp tục cuộc hành trình di cư... Nơi đây, từng được ví là thiên đường của “chim trời, cá nước” khi vẫn còn là hệ sinh thái nước lợ. Những năm tháng tập trung phát triển nông nghiệp và sự săn bắt của con người đã làm cho hệ sinh thái có nhiều thay đổi, nhiều loài chim, thủy hải sản cứ thế mà vắng bóng dần đi.
Từ câu chuyện chiều nay của anh Nguyễn Công Xuân (chủ cơ sở du lịch sinh thái Xuân Hòa), tôi chợt nhận ra “tiếng chim” cũng đã làm thức tỉnh một con người. Vừa khua nhẹ mái chèo đưa chúng tôi vào tham quan vườn chim hoang dã, anh vừa kể về hành trình gian khó quai đê lấn sông làm lúa cũng như gây dựng cơ sở du lịch sinh thái ở vùng đầm phá này. Đặc biệt, từ một người vốn làm nghề săn bắt, mua bán chim trời anh đã trở thành người bảo vệ chim, xuất phát từ sự thức tỉnh khi nghe những tiếng chim kêu thống thiết trên những chuyến hàng…
Ngắm những tổ chim non trong vòm xanh chiều nay và bây giờ là lao xao tiếng chim trên bầu trời lại nhớ làng tôi xưa vốn được bao quanh bởi những cánh đồng xanh tốt. Mùa nào cũng có những đàn chim thả cánh trên không trung, đung đưa trên bông lúa. Cả tuổi thơ chúng tôi gắn liền với các bờ đê, nương khoai, vạt sắn. Đó là đàn chim sẻ kéo về rập rờn mùa lúa chín, lanh lảnh trên cao rồi bất ngờ sà xuống một đám lúa đang vàng rực nào đó.
Khi có tiếng động lại vụt lên ào ạt như cơn gió mạnh. Chim manh manh, loài chim nhỏ, có thân pháp rất nhanh và tiếng như chuông ngân. Loài chim này thường làm tổ ngay chính trên những thân lúa, thân cỏ được kết vào nhau. Vì tổ chim rất gần và thấp nên có thể theo dõi cả quá trình làm tổ, từ những sợi đầu tiên đến lúc hoàn thành cái tổ xinh xắn. Chờ đợi những chiếc trứng đầu tiên đến khi con non lớn lên, đầy đủ lông cánh tập bay theo những bước chân đất, đầu trần của lũ trẻ chăn trâu. Ngay phía bên kia dòng sông Rào là một “đảo chim”, nơi chúng tôi thường rong ruổi mỗi khi đàn bò mải mê gặm cỏ…
Chúng ta lớn lên, mọi thứ cũng thay đổi theo quy luật tất yếu. Những điều bình dị, quen thuộc trước đây giờ trở thành quý giá. Rời phá Hạc Hải trong buổi sáng tinh sương, những cánh chim cũng đã sải cánh trên mặt sông Kiến Giang lộng gió. Thầm nghĩ, tôi sẽ dành những thời gian cho riêng mình để lắng nghe những tiếng chim trên những vòm xanh thành phố.
Nguyên Sa