TẢN VĂN
Cửa sông
(QBĐT) - Những lọn sông góp nước vào biển. Biển, những tay sóng ùa vào sông. Một tít tắp, một mênh mang được hòa vào nhau. Tôi hình dung đấy là sông mở cửa để ra đại dương. Cửa của sông chẳng bao giờ khép. Biển khoáng đạt tìm vào đất liền, những con triều mặn chát, khi vơi, khi đầy theo sự tròn khuyết của mặt trăng.
Tôi may mắn được mẹ sinh ra ở cuối sông để mãi mãi được sở hữu một cửa nước, cửa gió, cửa nắng mênh mông. Cửa sông ấy thuộc về cuộc đời tôi, khai mở tâm hồn tôi như một phần quê hương chẳng bao giờ khuất vắng. Sông thì dài, bắt đầu róc rách chảy từ núi cao xuống, cũng đến mấy nguồn lạch róc rách quanh co ở giữa trùng điệp đại ngàn mới có thượng lưu, hạ lưu bát ngát, mới nên tên gọi như hàng mấy trăm năm nay đã gọi và hành trình tới đại dương là sự chuyển động sinh tồn, sinh sôi không ngưng nghỉ. Tôi được gần gũi hơn, gắn bó hơn ở khúc kết của một dòng chảy ân tình như cái gạch nối rừng-biển vời vợi với dấu chấm vô hình mà hiện hữu thân thiết mang tên cửa sông.
Làng cửa sông, đứng chân ngay bên thềm sóng, mịn màng hay thô tháp đều là cát, ánh vàng hay lóa trắng đều là cát; dưới cát là mạch nước ngọt, trên cát là phi lao, tứ quý, xương rồng và xóm mạc cày bừa cấy hái, vá lưới đẩy thuyền, luyến láy giao duyên, kẽo kẹt sấp ngửa, à ơi ru con trong sao sớm, gió chiều. Làng cửa sông, khi chiến tranh chưa lan rộng ra miền Bắc, một vệt phi lao xanh rờn chạy suốt bờ cát cong cong chắn sóng, che bão cho thôn mạc, nơi in dấu chân nhỏ nhoi của lũ trẻ tha thẩn sớm chiều trong bóng cây vi vu, ai còn để lại dấu ngồi hay dấu nằm thanh xuân nơi đây nhỉ…
Rồi, những trái bom đầu tiên lao xuống dòng sông. Làng cửa sông. Ngày tiếp ngày, đêm nối đêm, tròn một thập kỷ chiến tranh cứ thế càng khốc liệt. Đổ nát, tan hoang làng cửa sông. Chúng tôi cùng bố mẹ rời làng sơ tán lên núi. Núi không xa sông mấy, chỉ độ bốn, năm cây số thôi. Đi hái củi trên núi tôi vẫn thấy rõ sông. Cửa sông trống một khoảng đời, không có những ríu rít hồn nhiên nữa. Lũ còng gió chẳng còn đứa trẻ nào bám đuổi. Lũ còng gió bơ vơ khi vắng trẻ con. Rưng rưng thương sông, thương biển. Sông, biển ơi, bao giờ mới trở lại?
Thỉnh thoảng lại được mơ về cửa sông nhặt quả phi lao với bé. Gương mặt tròn tròn lấm tấm mồ hôi ghé sát bên tôi: “Quả phi lao này ta vùi xuống đất có mọc lên cây con không nhỉ?”. Tôi ớ ra, chẳng biết trả lời em thế nào. Đành nói: “Thì cứ vùi xuống cát xem sao nhé, mỗi đứa vùi một quả, sau này cây lớn lên ta mắc võng ngồi chơi”. Cái mũi nhỏ xinh chun chun lại: “Ừ nghe, nhưng em muốn hai cây phi lao ấy mọc gần nhau thôi, như chúng mình đang ngồi đây”… Nếu như vậy thì làm sao mắc võng được nhỉ, à mà thôi, chúng mình sẽ mắc võng cho em bé búp bê. Tôi nghĩ thế và không nói ra với em điều ấy. Mơ mà sao cứ như thật vậy, tôi tin đấy là một kỷ niệm tuổi thơ được lưu giữ trong tôi. Có thể, cả trong ký ức của cô bé láng giềng của tôi nữa. Nhưng sao tôi chưa được một lần nghe em kể lại điều đó.
Cửa sông mở không gian mới, trời biển vời vợi và bao la muôn thuở. Tôi nhớ những lá buồm nhấp nhô trên sóng in lên chân trời đỏ rực ban mai như khát vọng khơi xa của dân làng biển. Những con tàu của bộ đội Hải quân neo ở bờ sông bên kia mà khi còn bé chúng tôi được ao ước bơi qua đấy. Mặt sông ở quê tôi khá rộng, sức con nít khó lòng vượt qua. Thế nhưng, chúng tôi vẫn mơ bơi đến đó để chạm vào vỏ thân tàu và gọi toáng lên: “Chúng cháu xin chào các chú Hải quân!”.
Sau này lớn lên, trong đám con nít chúng tôi có nhiều đứa mặc quân phục, một ít trở thành chiến sĩ Hải quân, số còn lại là lính bộ binh, còn tôi lên rừng làm bộ đội Trường Sơn. Bạn gái học cấp một, cấp hai với tôi cũng đến Trường Sơn nhưng trước tôi vài năm và hy sinh trong một lần phá bom nổ chậm...
Chiến tranh kết thúc, tôi trở về cửa sông. Mây trắng đại ngàn cùng nhịp hành trình. Gió biển, gió sông quyện vào nhau thảng thốt khúc ru những đứa con chưa trở lại. Tôi rưng rưng trong nỗi quê có nhiều khúc đận thăng trầm, chiến tranh và hòa bình vẫn đằm sâu muôn vàn yêu thương che chở. Bỗng thấy hình dáng xưa, nụ cười xưa, ánh mắt xưa thân thiết gần gũi đến thế. Gần gũi và thân thiết như đang tồn tại trong một tuổi thơ tung tăng trên nẻo xóm thơm nức mùi cá trích nướng.
Bạn hỏi: “Bài toán mình giải có đúng không?” Chao ôi, bạn vẫn chưa quên những buổi học nhóm à. Từ Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn bạn đã bay về đây, lắng nghe cuộc đời đang sinh sôi trên cát và hỏi tôi chỉ đúng một câu như thế. Quá khứ đang trở về, điềm tĩnh và lặng lẽ nơi cửa sông quê.
Nguyễn Hữu Quý