Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến: Một cá tính sáng tạo khác biệt

  • 06:55 | Thứ Bảy, 18/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phan Đình Tiến-tác giả của tượng đài mẹ Suốt, là nhà điêu khắc có dấu ấn sáng tạo cá nhân với nhiều tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ và tư tưởng cao của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng. Anh là nghệ sĩ điêu khắc có ngôn ngữ tạo hình khác biệt, mang tiếng nói của người con miền Trung đầy nắng gió, nhiều biến thiên lịch sử nhưng giàu truyền thống văn hóa được giới chuyên môn trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
 
Anh sinh năm 1966, tại Quảng Phương, Quảng Trạch. Làng Pháp Kệ, quê hương anh với nhiều di tích văn hóa xưa, bên cánh đồng xanh mướt ngào ngạt hương sen, là những đồng cát mênh mông, trắng xóa. Đến với nghệ thuật đầu tiên là hội họa hệ trung cấp Trường đại học Nghệ thuật Huế. Nhưng sự cuốn hút biểu cảm của hình khối phù hợp với cá tính góc cạnh thôi thúc anh chọn điêu khắc để gắn với hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
 
Anh sớm thành danh từ khi còn là sinh viên ngành Điêu khắc với nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm toàn quốc và khu vực, như: Chuyển dòng (gò đồng, Triển lãm Công đoàn toàn quốc, 1993), Thiếu nữ (gỗ, Triển lãm Mỹ thuật Chiang Mai-Thái Lan, 1994), Tình mẹ (Đất nung, Bảo tàng Mỹ thuật Thừa Thiên-Huế, 1994, tác phẩm được lưu giữ tại vườn tượng tiêu biểu của Trường đại học Nghệ thuật Huế)…
 
Tốt nghiệp năm 1995, ở lại trường làm giảng viên điêu khắc nhưng nặng lòng với quê hương, anh đã trở về Quảng Bình công tác theo lời đề nghị của lãnh đạo Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình lúc bấy giờ. Từ đó đến nay, anh gắn bó với Hội VHNT tỉnh với nhiều cương vị, như: Chánh Văn phòng, Phó Chủ tịch và Chủ tịch hội từ năm 2015 đến nay.
Tượng đài Mẹ Suốt.
Tượng đài Mẹ Suốt.
Với quan niệm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, luôn khắt khe với mình trong hành trình tìm cái đẹp bằng ngôn ngữ điêu khắc, anh có không quá nhiều tác phẩm. Anh thường không để cho cảm xúc bất chợt dẫn dắt mà trải qua một quá trình nung nấu ý tưởng, xây dựng phác thảo đến phương thức thực hiện được ấp ủ “thật chín” như anh thường chia sẻ. Để rồi các tác phẩm ra đời và được công bố đều có sự tươi lạ về cảm xúc, biểu cảm tạo hình, mang nhiều chiều kích liên tưởng, có cá tính riêng khác, không trùng lặp, được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng đón nhận.
 
Tên tuổi của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến gắn liền với tác phẩm tượng đài mẹ Suốt, được thực hiện năm 2003, tại bến đò Nhật Lệ (TP. Đồng Hới). Tác phẩm được tuyển chọn vào hai tuyển tập: “Tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 1975-2005”, và “Tượng đài, tranh hoành tráng Việt Nam từ năm 1945 đến nay”. Hành trình thực hiện tác phẩm trải qua những biến cố về sức khỏe, thậm chí anh đã từng chia sẻ về nguyện vọng: “Nếu sức khỏe không cho phép mình thực hiện xong, thì bạn bè, đồng nghiệp của tôi sẽ tiếp tục hoàn thành…”.
 
Thật kỳ diệu, sự hồi phục nhanh chóng đã giúp anh thực hiện tác phẩm tâm huyết nhất của đời mình. Tượng đài có tổng chiều cao 7m (tính cả bệ), bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa với hình tượng người nữ Anh hùng Lao động trong chiến tranh Nguyễn Thị Suốt ngẩng cao đầu hiên ngang trước gió, vượt lên từng ngọn sóng, băng mưa bom bão đạn ngày đêm đưa bộ đội sang sông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.
 
Việc xây dựng hình tượng mẹ Suốt kết hợp với mảng phù điêu tạo hình sóng nước cùng hình tượng các chiến sĩ kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên tổng thể chặt chẽ, hài hòa làm nổi bật sự kiên trung của người anh hùng bất khuất không chùn bước trước sự ác liệt của chiến tranh. Được đặt bên bờ sông Nhật Lệ, một vị trí đắc địa của thành phố, hiện nay, tượng đài đã trở thành điểm du lịch cho du khách đến thưởng lãm mỗi dịp đến Quảng Bình.
 
Phan Đình Tiến là nghệ sĩ thành công với nhiều chất liệu, như: Đá, gỗ, kim loại với phương pháp biểu đạt của điêu khắc thuần túy hay các loại hình nghệ thuật đương đại, như: Ready made, sắp đặt… Đặc biệt, sự đối thoại với đá của anh mang đến một xúc cảm nồng ấm, quấn quýt trên một chất liệu khó trong tạo hình.
 
Anh đã tạo nên các tác phẩm có sự chuyển động mềm mại, nhịp nhàng nhưng mạnh mẽ, dứt khoát đầy khúc chiết và chọn lọc của hình khối, nhờ đó, anh thành công với các tác phẩm tượng công viên trên toàn quốc tại các trại sáng tác điêu khắc quốc tế, tiêu biểu, như: Hướng thiện (Trại sáng tác điêu khắc quốc tế Huế, năm 1998), được đặt tại công viên bên bờ sông Hương (trước Trường Quốc học Huế); và Hồn đá (TP. Huế, 2006)...
 
Anh còn nhiều tác phẩm điêu khắc đá ngoài trời được đặt tại nhiều thành phố trên cả nước, như: Xuyên thời gian (TP. Hồ Chí Minh, 2005), Sóng (TP. Vũng Tàu, 2006), Giao cảm (TP. Đà Lạt, 2007), Hạnh phúc vỡ đôi (TP. Phan Rang-Tháp Chàm, 2011), Hóa Thạch (TP. Tam Kỳ, 2015), Khát vọng (Quảng Trị, 2016)…
Nhà điều khắc Phan Đình Tiến.
Nhà điều khắc Phan Đình Tiến.
Những năm gần đây, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến cũng đặc biệt thành công với các tác phẩm đề tài về biển, tiêu biểu, như: Biển cả (inox, gỗ, gang), giải B (không có giải A) Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung và giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005), hình tượng ấn tượng nhất là một lưỡi câu sáng loáng xuyên thủng 3 con cá nhỏ bé như đang run rẩy, giãy giụa yếu ớt. Tác phẩm thể hiện một đời sống của biển đầy biến động với những hiểm họa khôn lường, ở đó có sự đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn, cũng như chính cuộc đời con người. Tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao về hiệu quả tạo hình, giá trị thẩm mỹ và nội dung tư tưởng.
 
Năm 2011, anh tiếp tục seri về biển với tác phẩm Trái tim của biển (sắt hàn, giải A Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung và giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011). Lần này, tác giả đã nhân hóa biển bằng những nỗi niềm cảm xúc như nỗi đau của thân phận con người. Tạo hình của tác phẩm được giữ nguyên dạng của chiếc thùng phuy sắt, trên thân có những mảng rách toác được vá víu bởi những sợi thép, dây thừng, trên cùng là những ống sắt thẳng, cong gợi những mao mạch của trái tim. Tác phẩm thực sự đã gây xúc động cho người xem, ở đó họ thấy được sự rộng lớn, bao dung của biển và cả sự dằn vặt, khổ đau dù vết thương đã chớm liền da. Anh còn có các tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này, như: Năng lực đối thoại (2010), Khúc tráng ca (2013). 
 
Nghệ thuật của Phan Đình Tiến không ồn ào, hào nhoáng, bóng bẩy mà đề cao tính mới mẻ khác lạ, mạnh mẽ trong biểu hình, biểu cảm về chất liệu, đầy suy tưởng và ý niệm. Là nghệ sĩ luôn trăn trở tìm kiếm những điều tươi mới trong cảm xúc để sáng tạo, anh vẫn miệt mài trên hành trình ấp ủ thực hiện những tác phẩm mới.
 
Là nghệ sĩ đi trước và Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Bình, anh đã động viên, giúp đỡ cho nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ quê nhà tự tin tiếp bước trên con đường sáng tạo của mình. Với cương vị là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, anh dành nhiều tâm huyết phát hiện và bồi dưỡng những thế hệ nghệ sĩ kế cận. Anh mong muốn thế hệ trẻ tiếp bước thành quả của các thế hệ văn nghệ sĩ Quảng Bình đã tạo dựng, đam mê sáng tạo đưa nền VHNT Quảng Bình ngày càng phát triển, có vị thế vững vàng trong khu vực và cả nước.
 
Với mỹ thuật, anh vẫn luôn đau đáu nỗi niềm mong sớm có thiết chế về cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động trưng bày, triển lãm công bố tác phẩm mỹ thuật và sớm thực hiện được dự định tổ chức các trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Quảng Bình.
 Nguyên Sa

tin liên quan