Hai sắc hoa một điệu hồn

  • 08:12 | Thứ Bảy, 04/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có cảm tưởng Trịnh Xuân Bái và Cảnh Giang cùng dự thi thơ lục bát viết về hoa. Trịnh Xuân Bái chọn hoa xoan, còn Cảnh Giang chọn hoa phượng.
 
Hương xoan                      
Là hoa không có vườn hoa
Là cây thân gỗ vườn nhà đó thôi
Đông qua sầu rụng hết rồi
Biếc xanh vừng lá trắng trời sắc hoa
Ướp hương vào nắng tháng ba
Ta đi trong gió ngỡ là trời thơm.
Trịnh Xuân Bái
 
Mùa phượng                                                  
Hao gầy năm tháng nhoài qua
Mong manh lá mỏng màu hoa đỏ trời
Khẳng khiu vươn giữa vườn đời
Đung đưa nỗi nhớ gọi mời thương yêu
Qua bao nắng sớm mưa chiều
Lửa lòng còn thắp sóng triều biển dâng
Bên chiều bao nỗi bâng khuâng
Em ơi, mùa phượng xin đừng quên nhau!
Cảnh Giang
Hoa phượng. Ảnh: Hành Tiến
                                             Hoa phượng.                Ảnh: Hành Tiến
Có cảm tưởng Trịnh Xuân Bái và Cảnh Giang cùng dự thi thơ lục bát viết về hoa. Trịnh Xuân Bái chọn hoa xoan, còn Cảnh Giang chọn hoa phượng. Người thì ấn tượng với hương hoa, người thì gắn bó với mùa hoa.
 
Trước hết, thử khám phá tâm hồn thi sĩ họ Trịnh qua hoa xoan. Xuân Bái cho rằng xoan là cây “thân gỗ vườn nhà” chứ không là cây hoa trong “vườn”. Nói thế thì không ai dám cãi; chỉ biết thừa nhận sự thiệt thòi của xoan trong danh sách các loài hoa của vườn hoa mà thôi! Cơ sở để Xuân Bái khẳng định điều này có lẽ dựa vào mục đích sử dụng của con người, chủ yếu trồng xoan là để lấy thân chứ không phải để lấy hoa.
 
Mặc dù vậy, xoan vẫn cứ cho hoa, mà cho rất nhiều hoa. Ấy là khi “Đông qua sầu rụng hết rồi-Biếc xanh vừng lá trắng trời sắc hoa”. Xoan vô tư dâng trời, dâng người, dâng đời cái thứ hoa dịu dàng, dễ thương chắt ra từ nhựa đắng của mình. Nhưng còn cái khác mà xoan cho không kém gì hoa đó là hương của hoa:
 
Ướp hương vào nắng tháng ba
Ta đi trong gió ngỡ là trời thơm”.
 
Những ai đã từng được thưởng thức mùi hương của hoa xoan, chắc hẳn đều đồng tình với cảm nhận này của Trịnh Xuân Bái. Hoa xoan có mùi hương lạ, có lúc thơm thoảng, có lúc thơm nồng, tùy thời tiết nắng nhiều hay ít, gió mạnh hay yếu. Thời điểm mà Trịnh Xuân Bái bị hương xoan quyến rũ nhiều nhất là “tháng ba” ngày nắng, có gió (mà chắc là gió không to), đủ để đưa hương hoa đi chứ không đuổi hương hoa bay hết. Có thế hương hoa mới đọng lại được ở khứu giác, ở tâm trí con người. “Ướp hương vào nắng”, hương xoan biến thành hương trời. Đó là sự thăng hoa của xoan, cũng giống như sự thăng hoa của tâm hồn thi sĩ!
 
Tiếp theo, chúng ta thử khám phá tâm hồn Cảnh Giang qua Mùa phượng. Thi sĩ này thì lấy mùa phượng làm thước đo thời gian, nỗi niềm thương nhớ. Bản thân anh là giáo viên suốt đời gắn bó với mái trường nên có rất nhiều kỷ niệm với hoa phượng. Anh tả chân cây phượng và hoa của nó rất đạt:
 
“Hao gầy năm tháng nhoài qua
Mong manh lá mỏng màu hoa đỏ trời
Khẳng khiu vươn giữa vườn đời
Đung đưa nỗi nhớ gọi mời thương yêu”.
 
Nhưng, đâu phải đơn giản tả cây, tả hoa giải trí cho vui; ở đây tác giả đã cho phượng mọc “giữa vườn đời”, biết biểu cảm tâm trạng của mình; thế thì chẳng còn phượng theo nghĩa đen nữa; phượng đã mang tâm hồn của người rồi! Tình cảm của phượng vì thế cũng cháy rực-“đỏ trời”! Tình cảm ấy được thử thách “qua bao nắng sớm mưa chiều” để tình mãi “sóng triều biển dâng”.
 
Ấy là phía phượng, còn phía người yêu phượng-được phượng yêu thì thế nào?
“Bên chiều bao nỗi bâng khuâng
Em ơi, mùa phượng xin đừng quên nhau!”
 
Chủ thể “anh” mặc dù không xuất hiện, song ta vẫn hình dung được đang đứng ở đâu! “Bên chiều” vừa là địa điểm, vừa là thời gian. Thường những người xa nhau hay nhớ nhau về chiều. Ca dao truyền thống đã có biết bao câu hay miêu tả tâm trạng nhớ nhung vào buổi chiều. Nào là “Chiều chiều dắt bạn qua đèo…”, nào là “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều…”…
 
Chiều trong thơ Cảnh Giang cũng không nằm ngoài tâm trạng đó. Đến đây thì mọi điều tác giả muốn gửi, muốn giấu vào phượng đã lộ rõ. Bài thơ kết thúc bằng dư âm hoài niệm, gợi tình cảm sâu lắng, thủy chung.
 
Hương xoan và Mùa phượng của đôi bạn thơ tri kỷ Trịnh Xuân Bái-Cảnh Giang là hai bài thơ lục bát nhuần nhị, có nhiều ẩn dụ; thể hiện khá rõ nét sắc diện tâm hồn thơ của từng tác giả.
Lý Hoài Xuân

tin liên quan

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

Để bảo tàng là điểm đến hấp dẫn

(QBĐT) - Là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc, địa phương, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới hoạt động trưng bày và triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.

Lan tỏa văn hóa đọc từ quán cà phê sách

(QBĐT) - Cùng nhâm nhi món đồ uống yêu thích và trên nền nhạc nhẹ nhàng, du dương lại thong thả đọc từng trang sách,… Đó là thú vui tao nhã của những vị khách tại quán cà phê Kiwi Book nằm trên đường Lê Quý Đôn, ở phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới).