Cụi bếp hoài niệm

  • 15:48 | Thứ Bảy, 04/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quê tôi gọi là cái cụi, có nơi gọi là chạn (gác-măng-rê). Dù gọi tên là gì thì về hình thức và công dụng đều giống nhau: Đó là vật dụng dùng để cất giữ cơm nước, thức ăn, mắm muối, xoong nồi, bát chảo...
 
Ngày xưa, điện còn chưa có huống chi là tủ lạnh. Vậy là tất tật đồ ăn thức uống đều được cất giữ vào trong cụi. Công dụng chủ yếu là để tránh gián, chuột và mèo. Còn để tránh kiến, người ta còn kê 4 cái chân cụi lên 4 cái bát sứt, đổ ngập dầu luyn hoặc nước vào, đơn giản mà hiệu quả không ngờ!
 
Cụi thường có 3 tầng. Tầng trên cùng thoáng mát bởi 3 phía được gắn lưới sắt mắt nhỏ (hoặc lưới xanh dày), có cánh cửa với cái khóa gỗ xoay ngang đóng bằng đinh guốc hoặc cái khuy móc cửa được dùng để cất đồ ăn, liễn mỡ, hũ đường… Tầng giữa úp bát đũa và có thể là những cái nồi nhỏ. Tầng dưới cùng là nơi để đồ lặt vặt. Gầm cụi cao là nơi chó mèo thích chui vào nằm cho mát.
 
Bởi vậy thành ngữ mới có câu: “Chó chui gầm chạn” (nghĩa đen: Đại ý nói con chó chui dưới gầm chạn (cụi), không dám lên tiếng cũng không thể động đậy. Nghĩa bóng bao quát và sâu sa hơn: Con người rơi vào cảnh khó khăn và khó có khả năng trở mình). Câu nói này thường dùng cho những trường hợp đàn ông đi ở rể.
 
Cái cụi bếp đã gắn bó với tuổi thơ của mỗi người, trở thành một phần ký ức không thể nào phai mờ trong tâm khảm của những người con xa quê. Ngày đó, nhà tôi cũng có một cái cụi rất đẹp do ba đặt đóng ở xưởng mộc Trần Phú (thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, Lệ Thủy). Phía trên cùng dùng để rổ, rá dần, sàng, hai ngăn trên để đồ ăn, còn trong thì để xoong nồi, mắm muối... Ngăn dưới cùng 3 mặt đóng bằng những tấm song gỗ thưa, là nơi để chén bát...
 
Đó có thể xem là một thứ tài sản lớn của gia đình. Nếu bây giờ một đứa trẻ hay mở cửa tủ lạnh tìm đồ ăn như thế nào thì ngày xưa, chúng tôi mở cụi như thế, thậm chí là hơn thế nhiều. Đi đâu về cũng mở cụi lục lọi. Khi thì củ khoai, củ sắn hấp cơm còn sót lại, khi thì lọ muối vừng, có bát mắm dở, chút tép rang, vài quả cà muối đủ để ăn nốt bát cơm nguội vét nồi...
 
Chúng tôi lớn dần lên bên cái cụi bếp thân thương. Ngỡ như không thể nào rời xa được nó. Ấy thế mà, vào một ngày nọ, chiếc cụi, không biết tự lúc nào và vì sao lại được kéo ra, làm củi thổi. Thay vào đó là những chiếc tủ lạnh Samsung đời mới, mát lạnh và êm ái. Rồi những chiếc gác-măng-rê theo phong cách châu Âu được bắn chặt vào tường, sạch sẽ và chắc chắn...
 
Tất cả đã thay đổi, để hôm nay, một buổi trưa tháng 3 đầy nhung nhớ, tôi lại ngồi đây, bên gian bếp xưa, hoài niệm về cái cụi diệu kỳ ngày nào!
Đỗ Đức Thuần

tin liên quan

Để bảo tàng là điểm đến hấp dẫn

(QBĐT) - Là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc, địa phương, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới hoạt động trưng bày và triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

Lan tỏa văn hóa đọc từ quán cà phê sách

(QBĐT) - Cùng nhâm nhi món đồ uống yêu thích và trên nền nhạc nhẹ nhàng, du dương lại thong thả đọc từng trang sách,… Đó là thú vui tao nhã của những vị khách tại quán cà phê Kiwi Book nằm trên đường Lê Quý Đôn, ở phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới).