Nhà văn Hồng Nhu "Ngẫu hứng về chiều"

  • 14:28 | Thứ Bảy, 10/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà văn Hồng Nhu, tên thật là Trần Hồng Nhu. Ông sinh năm 1932, quê ở xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế). Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp, làm cán bộ kỹ thuật thủy lợi ở Nghệ An, công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An, Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế, nguyên Phó Chủ tịch Hội, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương.
 

Nhà văn Hồng Nhu đã xuất bản 14 tập truyện ký, 1 tập tiểu thuyết, 2 tập thơ và được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Do tuổi cao sức yếu, ông đã rời cõi tạm lúc 13 giờ ngày 3/9/2022, tại nhà riêng 12 Xuân Diệu, phường Trường An, TP. Huế, hưởng thọ 90 tuổi.

Phần đông bắt đầu từ thơ rồi chuyển dần sang văn xuôi. Nghe nói nhà văn Nam Cao cũng bắt đầu thử bút bằng thơ. Rất hiếm trường hợp nhảy từ văn xuôi sang thơ. Hồng Nhu nằm trong số người hiếm hoi đó. Vốn là cây bút chuyên viết truyện ngắn, ông bất ngờ cho ra mắt tập thơ Ngẫu hứng về chiều.

Sau mấy chục năm xa cách, Hồng Nhu trở về Huế khi mái đầu đã bạc trắng. Trong buổi hội thảo văn nghệ trước yêu cầu đổi mới do Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Bình Trị Thiên tổ chức, anh đọc bản tham luận "Vẻ đẹp buồn trong thơ". Thơ Hồng Nhu có cái “vẻ đẹp buồn” ấy.  Ông tâm sự :
Thật ra nếu chỉ buồn thôi thì không sống nổi
Nhưng nếu toàn vui chắc tôi sống rất thảm thương
Tôi đã đọc Êxênhin và nức nở
Nước mắt rơi trên dằng dặc đời thường.
                                           (Tâm sự)
 
Ông buồn vì nhiều lẽ. Có những nỗi buồn do chính ông tự gây nên vì trong cuộc đời mình, ông đã yêu quá nhiều điều đáng ghét”. Đôi khi chỉ là một thoáng buồn trước cảnh chiều hư ảo, đôi khi là một nỗi buồn mơ hồ “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu)… nhưng bao trùm lên tất cả là nỗi buồn về nhân tình thế thái. Đó là nỗi buồn của một người biết quá nhiều chuyện đau lòng.
 
Chính những năm tháng tích luỹ vốn sống cho những trang văn xuôi, ông tiếp cận cuộc đời một cách trực diện. Ông làm thơ với vốn sống của người viết truyện. Bởi vậy, thơ ông đầy ắp những chi tiết đời thường. Hồng Nhu tái hiện cảnh những đứa trẻ tranh nhau từng đống rác, kể chuyện nhà bị mất trộm ngay giữa ban ngày, tả vợ anh ngủ mà “trán cau nhẩm tính, điều gì ray rứt trong đêm”… “Những điều trông thấy” ấy khiến cõi lòng ông nặng trĩu. Chính ông thú nhận:
 
Tôi đọc báo, nghe đài, nhìn ngó
Biết bao nhiêu chuyện quá đau lòng
Đêm ngồi viết những dòng lệ nhỏ
Mà thấy mình tan nát, hư không
                             (Với chính mình hôm nay)
 
Chỉ có trái tim gỗ đá mới không động lòng, không biết buồn trước bao nghịch cảnh đáng lẽ không thể có trong xã hội tốt đẹp mà nhân dân ta đổ bao xương máu xây dựng nên.
 
Trước những chuyện quá đau lòng như vậy, người có lương tâm không thể không bất bình. Hồng Nhu là người viết văn xuôi nhưng ở ông có cái bồng bột rất thi sĩ. Cái bồng bột được ông thể hiện qua bút pháp cường điệu. Nhìn cảnh những em bé tranh nhau từng đống rác, anh chạy “xô tới” rồi “thò tay vào ngực, khùng dại móc quào”… Anh còn muốn làm “cây sét đánh” để “chết trong tươi xanh và ương ngạnh tiếp đâm chồi”… Vốn là người từng trải nên những giây phút “bất bình nổi trận đùng đùng” ấy không nhiều. Chủ yếu ông dành thời gian để “chiêm nghiệm”. Những phút giây “chiêm nghiệm” khiến ông điềm tĩnh hơn, lắng sâu hơn, những lúc ấy thơ ông phảng phất nỗi buồn man mác:
 
Tôi mất mẹ những ngày đông heo hút
Cây trẩu ngoài vườn trút lá thâu đêm
Một mình tôi nhìn bát hương nghi ngút
Nghe cô đơn ớn lạnh cả hiên thềm
                       (Chiêm nghiệm)
 
Bởi thường hay suy tư nên thơ Hồng Nhu bàng bạc một nỗi cô đơn. Mặc cảm cô đơn tản mác khắp các trang thơ của ông. Tiễn bạn đi xa, một mình đứng lại trên ga vắng, ông “nghe cô đơn thấm đẫm cả sương mù”. Bị người yêu bỏ, ông “lặng lẽ đem tháng ngày ra đốt, nghe cô đơn cay đắng cả tim đèn”… Dường như lúc nào ông cũng đi một mình, ngồi một mình, luôn cảm thấy mình lạc điệu, lỡ nhịp:
 
Một mình say lúc mọi người tỉnh táo
Tôi vô duyên như chó sủa bóng cây
Một mình tỉnh lúc mọi người lảo đảo
Tôi u mê như cục đá giữa đời này
                        (Ngẫu hứng về chiều)
 
Đứng trước hồ Tịnh Tâm, ông băn khoăn:
Tạ Đình ngày xưa nơi đâu
Để cô đơn Bồng Lai đảo?
 
Nghe con cào cào đập cánh, ông cũng cảm thấy “nỗi bơ vơ thấm lạnh khoảng thu mình”. Nhặt chiếc lá ai vô tình ngắt thả bên đường, ông lại nghe “lá cất lời bài hát của cô đơn”… Trong Ngẫu hứng về chiều, ta bắt gặp rất nhiều chữ buồn, cô đơn song hình như nỗi buồn, nỗi cô đơn ấy chưa đủ năng lượng thắp sáng một hình tượng thơ thật ấn tượng.
 
Với nhà văn Hồng Nhu, thơ chỉ là sự “ngẫu hứng” khi đã “về chiều”. Những “ngẫu hứng” của người chuyên viết truyện ngắn như ông đáng để cho nhiều nhà thơ suy nghĩ. Mặc dù chỉ làm thơ trong những phút “ngẫu hứng” nhưng nhà văn Hồng Nhu cũng đã để lại không ít những câu thơ hay mà chẳng phải bất cứ nhà thơ nào cũng có thể viết được.
 
                                                               Mai Văn Hoan

tin liên quan

Việt Nam đăng cai tổ chức lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lễ trao giải World Travel Awards 2022 - Giải thưởng Du lịch thế giới 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 7/9 tới.

Bài thơ Tổ quốc!

(QBĐT) - Mỗi lần nhắc thiêng liêng Tổ quốc
Lòng nghiêm trang, ta ngưỡng vọng những lớn lao

Trung thu đêm hội trăng rằm

(QBĐT) - Tết Trung thu còn được gọi là đêm hội trăng rằm, lễ hội rước đèn.