Tiếng mõ trên sông

  • 07:29 | Thứ Hai, 15/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quê tôi, vào tháng 8 là bắt đầu nghe tiếng mõ trên sông. Nó thúc giục bước chân của những người đang đi trên đường, làm nức lòng những người ở xa nhớ quê, làm rộn ràng lũ trẻ đang ngồi học bài. Mà không như thế là không phải Lệ Thủy.    
 
Từ bao đời nay, tiếng mõ, tiếng “zô trai”, “hụi lên”, “hô lên” như tiếng khèn ra trận. Vợ tôi, người Đồng Hới thấy 3 cha con lao xuống sông mỗi khi thấy đò bơi đi qua, mấy năm nay cứ tặc lưỡi: “Ui chao, dân Lệ Thủy”. Quả không sai chút nào, tôi mừng lắm vì 2 thằng con có cái “gen” Lệ Thủy, máu Lệ Thủy. Phải thế chứ!
 
Lấy nhau hơn 1 thập kỷ nhưng vợ tôi vẫn vậy, thích coi bơi nhưng chưa một lần nhảy xuống sông cầm cái nón ngoắt đò bơi đến khản cả họng. Em là dâu Lệ Thủy, người nhập tịch thôi mà. Nói em đừng trách nhé!
 
Với dân Lệ Thủy-người em lấy làm chồng, cùng với tiếng khóc chào đời, trong cái buổi đầu biết đi, biết nói, âm thanh tiếng mõ bơi, tiếng trai làng động viên nhau trên đò đã trở thành máu thịt.
 
Xưa, quê lam lũ, dân thiếu cái ăn nhưng đến ngày bơi đua lại tưng bừng, rộn ràng như Tết. Còn nhớ, mỗi lần đến dịp 2/9, mệ nội cho anh em mỗi đứa một cặp bánh đòn hoặc vài quả bưởi... Cả mấy thằng quàng vào cổ chạy đi coi bơi. Lúc đói bụng bóc bánh ăn ngon ơi là ngon. Nhớ lại, mà thương cho quê mình. Thương cho cái đói cái nghèo lúc đó.
Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy)     Ảnh: Hoàng An
Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy) Ảnh: Hoàng An
Nhớ lắm ngày 2/9 từ lúc tờ mờ sáng, ông nội đã gọi cả nhà dậy ăn sáng và chuẩn bị đò để chèo đi coi bơi. Đò chèo lên huyện gặp cơ man nào là đò với nhiều màu sắc sặc sỡ chuẩn bị diễu hành, thi thoảng một vài đò bơi lên Mũi Viết tập kết. Trong tiếng mõ có tiếng hò của trai bơi nói về đò của làng mình. Nó chất phác, hồn nhiên đến ngơ dại: “Ơ hụi, bơ… Đò làng mình chưa bằng anh bằng chị… hố… cho nên cố gắng thi đua. Xố. Ơi làng mình Mỹ Lộc là đây. Trai tài gái giỏi bơi đua hết mình…".
 
Cả hai bờ dòng Kiến Giang cờ đỏ rợp trời, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng gọi nhau í ới dậy cả mặt sông. Bơi đua Lệ Thủy thật lạ, vừa bơi đò (cho trai bơi, gái đua) vừa bơi bộ (cho người xem). Đò thôn nào thắng thì hả hê, vui cười nhưng tuyệt nhiên đò thua không thất vọng. Đò dẫu có đi sau cùng đi nữa nhưng dân làng vẫn nhiệt tình cổ vũ “cố lên”, đò đi qua địa lý thôn khác cũng được tát nước, được reo hò… Tính nhân văn và trọng võ của người Lệ Thủy là ở điểm đặc sắc này. Nay nhiều cái đã khác. Cũng đúng thôi. Nhưng sao nhớ lắm chuyện ngày xưa…
 
Nhắc đến cái ngày xưa, tôi còn nhớ rõ đò bơi được vẽ rồng, rắn hoặc cá chép thật dụng công. Nó đẹp ở thẩm mỹ và mang cái hồn vía của người đồng bằng chiêm trũng. Nhìn vào họa tiết trang trí ở đò có thể nhận ra được đó là của thôn nào.
 
Xưa, người gõ mõ rất quan trọng, được coi là người chỉ huy của đò. Bơi nhanh, bơi chậm tùy thuộc vào nhịp phách gõ của người này: Đò mái xắp lúc buông phao hoặc quyết tâm vượt lên đò bạn; mái nhặt, mái khoan khi đò thông thả trên sông… Và tôi nhớ nhất là người đánh mõ thường hò lên một câu nào đó, cả đò bơi cùng xố. Chao ôi! Nó da diết lạ lùng. Thế mới ra Lệ Thủy.
 
Bơi đua còn gắn liền với hò khoan Lệ Thủy. Người cổ vũ chạy rần rần dọc hai bờ sông cứ thế mà “Hố lên”. Vừa nhìn đò bơi vừa xố hò. Một nét cổ vũ tôi đoán rằng trên thế giới này không có lễ hội nào có được. Theo tôi, đó cũng là một lý do mà bơi thuyền Lệ Thủy lập kỷ lục về số người "tham gia".
 
Cũng chuyện ngày xưa, mỗi lần đò bơi đi ngang qua, các bà, các ông, các bác, rồi tụi nhỏ bọn tôi lội ùa xuống sông. Những chiếc nón trắng chấp chới, những chiếc tô tát nước, những chiếc mâm ăn cơm, những cái chảo nấu ăn trở thành vật cổ vũ, tiếng trống, tiếng thanh la cứ thế vang rền. Đội đang đi nhất, đội đi sau, cùng lúc được cổ vũ nhiệt thành. Tính cộng đồng, nương tựa nhau, tính cộng sinh của văn hóa Lệ Thủy là ở chỗ đó.
 
Cũng chuyện xưa vì bơi đua có nhiều giai thoại mang tính văn hóa cao. Đó là chuyện về bà Lỗ ở An Xá, xã Lộc Thủy hay chuyện làng Mỹ Lộc Thượng 7 năm liên tục về nhất được cúp đua thuyền vĩnh viễn của UBND huyện (một thành tích mà đến nay chưa đò nào lặp lại được). Mọi người còn kể với nhau rằng, thợ đò lúc đó là bác Cừ được làng cử đi lấy săng (gỗ) trên rừng. Lúc hạ cây, nó lao băng băng xuống sông không cần trâu kéo. Cây gỗ chùa (gỗ thiêng) này trở thành vật liệu làm đò hễ bơi là nhất… Rồi chuyện thợ đò tên bác Duy, bác Trung, bác Lộc bỏ việc nhà cả tháng để làm đò cho thôn không công sá (tiền bạc) gì hết… Cái máu lửa và thượng võ không có gì so sánh được.
 
Nay, bơi đua cũng thế. Vào mùa lễ hội là cả tháng 8 mặt sông dậy sóng. Người người cổ vũ cho đò bơi của mình. Lúc thụa (tập dượt) cũng như khi bơi giải chính thức, mọi người lại bàn tán xôn xao về đò này đò kia. Các đội bơi đo tốc độ đò mình rồi so sánh với đò bạn, rồi đưa ra chiến thuật trong cuộc đua đường dài. Thích nhất là các bình luận viên trên đường. Mỗi cổ động viên là một bình luận viên. Mỗi người Lệ Thủy là một bình luận viên! Thật hiếm nơi nào có được.
 
Thích nhất là mấy câu "trạng trẹp": “Thầy Tình à! Đò Mỹ Thủy, đò Thượng Giang (nhất vòng loại)… bị công an tuýt còi bắn lỗi tốc độ... Bơi chi lạ, quá mau rứa…". Hay đại khái: "Thầy có mua xe 86 Honda lên làng tui mà mua. Họ bán hết vì xe này đi theo đò bơi không kịp…”. Nói thật xem bơi đã sướng, nghe nói kiểu ni lại càng sướng hơn…!
 
Không so sánh cái xưa và cái nay trong bơi đua, mỗi thời một khác, nhưng Lệ Thủy muôn đời vẫn thế. Rộn ràng đến kỳ lạ. Vào mùa lễ hội, người xa quê chộn rộn xốn xang đau đáu hướng về làng, người ở lại thì khỏi phải nói. Thế mới thành Lệ Thủy quê tôi!
 
Ngô Mậu Tình

tin liên quan

Có một suối thơ chảy từ mùa thu ấy

(QBĐT) - Lịch sử dân tộc mãi mãi khắc sâu sự kiện trọng đại: Hà Nội, ngày 2/9/1945, bầu trời xanh cao lồng lộng, nắng thu vàng tươi rực rỡ, trên lễ đài giản dị nhưng trang nghiêm tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 

Trẻ em miền biển

(QBĐT) - Trẻ em miền biển.

Mùa thu tan ra

(QBĐT) - Mùa thu tan ra đầu lưỡi
Thấm dần vị bưởi còn the