Để người trẻ mặn nồng với di sản

Bài 1: Nỗ lực đáng quý của người trẻ

  • 08:44 | Thứ Ba, 23/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với bề dày trầm tích lịch sử cùng cốt cách con người riêng có, Quảng Bình là mảnh đất ươm mầm, phát triển nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, có giá trị, trong đó phải kể đến các di sản đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản này, không thể phủ nhận vai trò của những người trẻ, bởi chính họ là nhân tố quyết định sự trường tồn của di sản. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những nỗ lực, đối với thanh niên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức trong hành trình lưu giữ các giá trị di sản.
 
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, để người trẻ vẫn lưu luyến những đêm hội bài chòi, câu hò khoan ngân vang bên sông hay từng nhịp hò thuốc dân gian, vốn dĩ không phải là điều đơn giản, dễ dàng. Chính vì vậy, những nỗ lực của người trẻ để các di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Bình đến gần hơn với cộng đồng là rất đáng trân trọng và cần tạo nhiều điều kiện để duy trì, phát huy, thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của công chúng.
 
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết đến, Đoàn phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) lại rộn ràng chuẩn bị cho “cái hẹn” bài chòi đầu năm mới. Theo như chia sẻ của Bí thư Đoàn phường Hải Thành Cao Tuấn Anh, đoàn viên, thành niên (ĐVTN) của phường đã xem đây như “món ăn tinh thần” ngày Tết và luôn cố gắng hoàn thành thật tốt công tác chuẩn bị để có được sự chỉnh chu, bài bản nhất, mang đến niềm vui cho bà con trong dịp đầu xuân. Công tác chuẩn bị được triển khai gấp rút, khẩn trương, từ khâu chuẩn bị chòi, cờ hiệu, sân chơi… cho đến con bài, kịch bản… Nếu như trước đây, Đoàn phường có sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh phường trong việc hô bài chòi, thì nay các đoàn viên đã mạnh dạn tự tìm hiểu, học hỏi cách hô bài chòi và dần chủ động, đảm trách nhiệm vụ.
 
Nhờ đó, ngày càng nhiều ĐVTN trong phường yêu thích và tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận này. Trừ hai năm vừa qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không tổ chức, những năm trước, sân chơi bài chòi luôn là “điểm hẹn” của các bạn trẻ và bà con trong 3 ngày Tết, góp phần kết nối cộng đồng, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi.
 
Dù vậy, khó khăn vẫn còn nhiều trong hành trình gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể bài chòi. Bí thư Đoàn phường Hải Thành Cao Tuấn Anh tâm sự, do nguồn kinh phí eo hẹp, nên việc tổ chức bài chòi gặp nhiều thách thức. Thêm vào đó, do chưa được bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về bài chòi, nên quá trình triển khai còn lúng túng, nhất là việc vận dụng thêm các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian vào cách hô bài chòi, góp phần nâng tầm giá trị di sản, giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn cái hay, cái đẹp của bài chòi.
CLB tuyên truyền các ca khúc cách mạng của Đoàn xã Yên Hóa tham gia biểu diễn ở Hội Rằm tháng ba huyện Minh Hóa.
CLB tuyên truyền các ca khúc cách mạng của Đoàn xã Yên Hóa tham gia biểu diễn ở Hội Rằm tháng ba huyện Minh Hóa.

Anh Hà Quốc Vương Anh, Bí thư Thành đoàn Đồng Hới cho biết, không riêng Đoàn phường Hải Thành, trên địa bàn thành phố, có một số cơ sở đoàn triển khai hiệu quả bài chòi đầu xuân năm mới, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, những năm trở lại đây, Thành đoàn cũng đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức bài chòi tại Phố đi bộ của thành phố, đặc biệt trong Tuần lễ Văn hóa-Du lịch, mang lại không khí, sắc thái đậm chất văn hóa dân gian.

Để có được những sự kiện này là sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ của các ĐVTN trong bối cảnh nhiều bạn trẻ say mê hơn với âm nhạc đương đại, dành ít sự quan tâm cho các giá trị truyền thống. Bên cạnh bài chòi, múa bông chèo cạn cũng được một số cơ sở đoàn quan tâm, chú trọng bảo tồn.

Sắp tới, Thành đoàn sẽ có những kế hoạch dài hơi để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có việc gắn mã QR Code cho các di tích. Bên cạnh đó, Thành đoàn rất mong muốn nhận được sự chung tay trong hành trình đòi hỏi nhiều nỗ lực này. Đơn cử như việc đưa bài chòi vào trường học để các em có cơ hội tiếp cận ngay từ lứa tuổi nhỏ hoặc quan tâm mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về bài chòi cho ĐVTN…

Cùng chung nỗ lực đó là CLB tuyên truyền các ca khúc cách mạng của Đoàn xã Yên Hóa (Minh Hóa). Theo Chị Cao Thị Thanh Thỏa, Bí thư Đoàn xã Yên Hóa, CLB đi vào hoạt động hơn 5 năm nay với hơn 50 thành viên, chủ yếu là các em thanh thiếu nhi. Bên cạnh tập trung tập luyện, biểu diễn các ca khúc tuyên truyền cách mạng, CLB còn rất quan tâm đến hò thuốc cá, di sản văn hóa độc đáo của huyện Minh Hóa.

Các nghệ nhân của xã Yên Hóa cũng thường xuyên tham gia tập luyện với CLB. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí, nhất là trong quá trình luyện tập các tiết mục, nhưng các thành viên CLB đều rất nhiệt tình tham gia sinh hoạt định kỳ hàng tháng cũng như chuẩn bị cho các chương trình biểu diễn của xã, huyện.

“Thành công của CLB chính là truyền được ngọn lửa đam mê nghệ thuật, văn hóa văn nghệ dân gian cho lớp trẻ, từ đó, các em sẽ tiếp tục trao truyền và phát huy giá trị của di sản. Thời gian tới, CLB rất mong muốn được “tiếp lửa” tình yêu hò thuốc các cho nhiều bạn trẻ hơn nữa thông qua các hoạt động sôi nổi của CLB. Tuy nhiên, Đoàn xã kỳ vọng có được sự hỗ trợ tích cực hơn về kinh phí để nâng tầm các hoạt động chuyên môn, có cơ hội tham gia các sân chơi văn hóa văn nghệ dân gian lớn hơn nhằm duy trì ngọn lửa nhiệt huyết này trong những người trẻ”, Bí thư Đoàn xã Yên Hóa Cao Thị Thanh Thỏa chia sẻ.
 
Anh Đinh Thế Hiển, Bí thư Huyện đoàn Minh Hóa cho biết thêm, hiện một số cơ sở đoàn trên địa bàn huyện rất chú trọng gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa phi vật thể như ở các xã Yên Hóa, Xuân Hóa… Bên cạnh nỗ lực là bộn bề khó khăn, bởi với huyện miền núi như Minh Hóa, còn đó không ít thách thức, nhất là về vấn đề kinh phí, địa hình chia cắt, dân cư manh mún, trình độ dân trí còn thấp... Ngoài ra, cũng phải kể đến những gian nan trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đi vào chiều sâu, có sức sống lâu bền.
 
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh theo từng cách riêng của mình đã nỗ lực duy trì và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều trăn trở bởi việc bảo tồn di sản là đòi hỏi tính bền vững và đi vào bề sâu, đòi hỏi sự chung tay của nhiều ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng. Có như vậy, những người trẻ mới thêm tự tin tiến bước trong nỗ lực níu giữ “hồn cốt” dân tộc.
 
Quảng Bình hiện có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Hò khoan Lệ Thủy, lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn, Quảng Ninh), lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, lễ hội cầu ngư của người dân miền biển và hò thuốc cá, huyện Minh Hóa. Ngoài ra, còn có bài chòi và ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Mai Nhân
 
Bài 2: “Tiếp lửa” tình yêu di sản, rất cần sự chung tay

tin liên quan

Hoàn thiện Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP

(QBĐT) - Ngày 21/8, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình do đại tá Trịnh Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn cùng với đại diện Tạp chí Nông thôn Việt, Tỉnh đoàn Quảng Bình và một số doanh nghiệp địa phương đã tiến hành kiểm tra, khảo sát một số hạng mục nhằm hoàn thiện hệ thống khu đền tưởng niệm tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
 

Góc ảnh đẹp

(QBĐT) - Quăng chài.

Ký ức ấm nồng

(QBĐT) - Chợ chiều miền biển. Những cơn gió mang hơi muối mằn mặn, tanh tanh thổi dìu dịu bên dãy tàu nhàn rỗi.