Nơi lưu giữ những tư liệu, kỷ vật thiêng liêng về Bác Hồ
(QBĐT) - Sưu tầm, bảo quản, bổ sung nguồn sách, báo, tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ được Thư viện tỉnh và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hết sức chú trọng. Qua đó, người xem, bạn đọc được tiếp cận với những câu chuyện xúc động về cuộc đời, đạo đức cao đẹp, nhân cách lớn lao mà bình dị của Bác. Đó là những tài sản vô giá để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Phong phú sách, báo về Bác
Với nguồn sách, báo phong phú, Thư viện tỉnh là địa chỉ cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức của Bác. Nhiều cuốn sách quý được trưng bày, như: "Bác Hồ-người thầy vĩ đại của nền ngoại giao Việt Nam", "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp Hồ Chí Minh", "Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc", "Hồ Chí Minh và bản di chúc trường tồn lịch sử"…
Bên cạnh sách nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh còn có nhiều cuốn sách ghi lại những câu chuyện cảm động về Bác để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. Đó là những cuốn, như: "Chuyện kể Bác Hồ dành cho nhà giáo", "Chuyện kể Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng", "Hồ Chí Minh-ông tiên sống mãi", "Những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Tình cảm của Bác Hồ với người lao động"… Đây là những cuốn sách được rất nhiều người tìm đọc, đa số là các bạn trẻ, cán bộ, giáo viên, học sinh ở các trường học.
Ngoài ra, người đọc, nhất là cán bộ, đảng viên có thể học tập Bác qua những cuốn sách, như: "Phong cách làm việc của Bác Hồ", "Phong cách nêu gương của Bác Hồ", "Phong cách tư duy của Bác Hồ", "Phong cách diễn đạt của Bác Hồ"…
Một số cuốn sách còn giúp những người làm báo học Bác để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng viết, tuyên truyền, trong đó có cuốn “Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân (1951-1954)", NXB Chính trị Quốc gia. Sinh thời, Bác Hồ cũng chính là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và là một nhà báo vĩ đại. Những kinh nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo của Người chính là bài học lớn để các thế hệ người làm báo Việt Nam noi theo.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ bạn đọc trong tình hình mới, Thư viện tỉnh đã không ngừng đổi mới các hoạt động, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thông tin nói chung, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói riêng của các tầng lớp nhân dân. Thư viện còn đẩy mạnh hoạt động phục vụ bạn đọc tại cơ sở, nhất là các trường học bằng việc sử dụng xe thư viện lưu động nhằm mang sách, trong đó ưu tiên nhiều cuốn sách về Bác Hồ phục vụ nhu cầu đọc sách của các em học sinh.
Bà Trương Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho hay: Để có nguồn sách phong phú, hàng năm, đơn vị luôn xây dựng kế hoạch bổ sung sách, trong đó chú trọng sách, tư liệu về Bác Hồ. Thư viện thường xuyên liên hệ với các nhà xuất bản và tìm kiếm các tư liệu về Bác trong nhân dân, một số sở, ban, ngành cùng nhiều hình thức khác nhằm sưu tầm, bổ sung nguồn sách, tư liệu quý về Bác Hồ phục vụ nhu cầu bạn đọc. Hiện tại, thư viện có trên 1.300 cuốn sách về Bác Hồ, trong đó có nhiều sách phù hợp với bạn đọc ở độ tuổi học sinh.
Trân trọng từng kỷ vật, tư liệu
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản trên 100 ảnh, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm: Bộ sưu tập huân chương, huy chương của các đơn vị, cá nhân có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thư khen, hiện vật thể khối… mà Bác Hồ tặng các cá nhân, đơn vị trong tỉnh.
Đặc biệt, có nhiều hiện vật, tư liệu rất quý, thu hút sự quan tâm của người xem, như: Bằng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Nguyễn Thị Kim Huế còn nguyên chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiếc Orionton Radio Bác tặng cho đơn vị súng 12 ly 7 xã Võ Ninh (Quảng Ninh) vì đã bắn rơi máy bay F4 của Mỹ… Tất cả đang được lưu giữ cẩn thận, trưng bày trang trọng trong không gian của bảo tàng, là nguồn tư liệu quý để người dân Quảng Bình nói riêng, cả nước nói chung được tiếp cận với những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.
Bảo tàng còn có nhiều bức tranh, ảnh, tư liệu quý, sinh động ghi lại những khoảnh khắc của Bác trong cuộc đời hoạt động cách mạng, như: "Bác Hồ xem lại bản đồ về hình thái quân sự trên chiến trường Đông Dương 1953-1954 tại Việt Bắc", "Bác Hồ tại hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1930", "Bác về nước (1941)", "Bác giảng bài tại lớp huấn luyện cán bộ cách mạng tại Quảng Châu, Trung Quốc".
Một số bức ảnh thể hiện tình cảm của Bác với nhân dân Quảng Bình và Quảng Bình đối với Bác mang lại sự xúc động cho người xem như: "Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên lễ đài sân vận động TX. Đồng Hới (16/6/1957)"… cùng những bức thư của Bác khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết: Để những hiện vật, tư liệu, ảnh “sống” mãi với thời gian, bảo tàng luôn quan tâm đến công tác bảo quản. Các bức ảnh, tư liệu bằng giấy đều được chụp lại hoặc scan để lưu giữ và đặt trong khung kính. Đối với hiện vật ngoài trời, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra và bảo quản trên cơ sở tăng độ bền và giữ nguyên hiện trạng. Tất cả hiện vật, tư liệu hiện vật của Bác được nâng niu, cẩn trọng giữ gìn, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, sử dụng công nghệ để chống xuống cấp. Đơn vị còn cử cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn về công tác bảo quản và thường xuyên nghiên cứu, phân tích đánh giá tình trạng của từng hiện vật để bảo quản phù hợp.
Mỗi cuốn sách, tư liệu, hiện vật được trưng bày trang trọng tại Thư viện tỉnh và Bảo tàng tổng hợp tỉnh không chỉ phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, thiên tài lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà còn cho chúng ta thấy những phẩm chất cao quý của đạo đức, phong cách cùng cuộc sống đời thường giản dị, thanh cao từ vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Thư viện tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh không chỉ là 2 địa chỉ tin cậy để mỗi người dân, khách tham quan tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Quảng Bình mà còn là điểm đến quen thuộc giúp mọi người tìm hiểu, tiếp cận nguồn tư liệu phong phú về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Qua đó, tạo động lực để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua học tập và làm theo Bác trong mỗi hành động, việc làm. |
Nh. V
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.