Gió Lào ơi đừng thổi nữa

  • 07:08 | Thứ Bảy, 25/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa hè năm nay, do thời tiết có sự biến đổi nên gió Lào thổi muộn. Những người già cứ nhìn nhau thắc mắc. Có cụ nói, không có gió Lào thì càng thích chơ răng, nóng hập hập chứ báu bổ chi. Nhưng cũng có cụ lặng im, mắt nhìn về dãy Trường Sơn xa xôi, có gì đó vừa ngóng đợi vừa luyến tiếc.
 
Ừ, thì đành rằng gió Lào thổi về là mang đến bao nhiêu nỗi thống khổ. Nhưng khổ lắm cũng thành quen, quen riết rồi, khi thiếu lại thấy nhớ. Tôi ngồi uống trà với các cụ nên cũng xen vào câu chuyện. Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, một người con sinh ra bên dòng Gianh đã viết: “Tôi khổ vì gió Lào nhưng tôi cũng yêu cái gió tai quái này. Bởi vì nó là thứ gió thổi suốt sáu tháng trong một năm trên quê hương tôi. Thấm thía cái nghèo, cái khổ của quê nhà, tôi mới viết được câu thơ như thế này: Thóc gầy trông mãi cũng quen/Gió Lào thổi lắm thành tem bảo hành...”.
 
Tôi thích thú ba chữ “tem bảo hành” trong câu thơ cuối. Bởi gió Lào đã trở thành “thương hiệu” thành “đặc sản” của miền Trung. Bởi dù anh đi đâu, ở đâu, nếu đã giới thiệu mình là người Quảng Bình, mà lại ú ớ về gió Lào thì chắc chắn là người nói láo. Nếu không, anh cũng chỉ là người có gốc gác mà thôi.
 
Thậm chí, ở quê tôi, ngay cả một đứa trẻ cũng biết cách nhận ra một ngày có gió Lào thổi từ sáng sớm. Trước khi có hiện tượng gió Lào thổi, bầu trời thường nhìn rất trong xanh, gió hơi yếu, lặng gió hoặc không có gió. Trên nền trời, chỉ thấy có một vài vệt mây li ti và chân trời phía Tây thường có màu vàng da cam. Hoặc sẽ cảm thấy khí quyển rất trong, có thể cảm nhận một thứ nóng làm cho da mặt hầm hập như đang bị sốt nhẹ. Bên cạnh đó, tiết trời cũng trở nên rất khô trước khi có gió Lào thổi tới.

Nói gió Lào là “đặc sản” của miền Trung, nhưng riêng ở Quảng Bình, chí ít là vùng ven sông Gianh vẫn có sự khác biệt. Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì: “Gió hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam-Đông Bắc qua Campuchia và Lào. Khi tiếp cận dãy núi Trường Sơn thì gió tăng tốc, vượt qua và tràn xuống vùng Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Gió thường xuất hiện từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín, thường bắt đầu thổi từ 8-9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều”. Tuy nhiên, ở cái vùng đất Ba Đồn, rất nhiều năm, ngay đầu tháng 2 âm lịch gió Lào đã thổi sàn sạt. Không chỉ thổi từ “8-9 giờ sáng đến chiều tối” đâu mà thậm chí, gió Lào có khi còn thổi liên tục suốt cả ngày đêm, có đợt kéo dài kỷ lục đến cả nửa tháng.

Những kỷ niệm xót chua về gió Lào thuở ấu thơ, cũng khiến tôi không bao giờ quên được. Đó là giai đoạn từ cuối thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, lúc bấy giờ, chưa có khoán 100, hợp tác xã mất mùa thường xuyên nên đói lắm. Mùa gió Lào thổi khi lúa chiêm chưa chín, ngày dài dằng dặc càng kéo dài thêm cơn đói. Thậm chí, đến mùa thu hoạch cũng chỉ đươc mấy chục cân thóc mà thôi, đói vẫn hoàn đói. Bữa ăn chính chủ yếu toàn khoai. Sáng sớm, mẹ tôi luộc một nồi khoai để cho 8 đứa con ăn cả ngày. Ba tôi ăn vội vài củ, xách theo cái ấm nhôm nước, đập trâu đi cày. Mẹ ngồi may nón ngáp đỏ con mắt. Đêm hôm qua, mẹ đã thức suốt đêm để chờ ngọn gió Lào tắt, mới ủ được chùm lá nón cho dịu cơn khô, mới có thế bóc ra và ủi bóng được.
 
Gần trưa, khi gió Lào tăng tốc, thổi những cơn nóng hầm hập, hất tung cả mái tranh, bụi đường bay mù mịt thì người ta báo tin ba tôi say nắng, ngất xỉu ngoài đồng. Ba tôi vốn người gầy yếu, nghề nghiệp chính là may mặc. Nay vì áp lực phải đi cày, phải tiếp xúc với cái nóng kinh khủng của gió Lào, lại còn đói nữa nên không chịu nổi. Mẹ tôi vét thùng còn nửa lon gạo, chắt nước cơm sôi, lại xin mấy thìa đường của bà cô làm ở thương nghiệp, khuấy đều. Ba tôi uống và tỉnh hẳn. Những ký ức này đã hình thành nên bài thơ “Gió Lào” từng đăng trên Báo Quảng Bình: “Nóng từ mặt đất nóng lên/Hay là theo gió nóng trên nóng về/Bụi mù bủa lưới làng quê/Mặt hồ bốc khói bờ đê rộp phồng/Cha theo cày ải ngoài đồng/Đất nâu tóe lửa cháy lòng bàn chân/Con trâu sủi bọt lũi lầm/Mỏi mong hạt lúa chín dần giấc mơ…”.
 
Một tai họa nữa mà gió Lào thường mang đến cho mảnh đất nghèo quê tôi đó là “Cháy nhà”. Quê tôi sau chiến tranh đa số là nhà tranh vách đất. Nghề làm nón phải trải qua giai đoạn chế biến lá nón mà đa số là cần đến lửa. Dù cẩn thận đến mấy thì mùa gió Lào nào cũng có những tiếng thét thất thanh “Bớ làng ơi cháy nhà!”. Trận cháy nhà khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến là nhà bác sát bên cạnh. Đau thương, mất trắng, cùng kiệt. Nó ám ảnh tuổi thơ tôi đến mức, sau này cứ thấy lửa là giật mình.
 
Tôi còn nhớ, cứ mỗi lần gió Lào “lên cơn” thổi ào ạt ngày đêm, mẹ tôi lại chắp tay, ngước mặt nhìn trời phía Tây cầu nguyện: “Gió Lào ơi, xin đừng thổi nữa!”.
 
Ngày nay, gió Lào vẫn thổi, nhưng không còn “tai họa” như xưa nữa. Thiếu nước thì đã có giếng khoan, nước máy. Nóng thì đã có quạt gió điều hòa. Ruộng đã có máy cày, lúa gạo ăn không hết. Quê tôi cũng không mấy ai làm nón nữa rồi và đều nhà bê tông cốt sắt, khó cháy lắm. Nhưng những bậc cùng lứa với ba mẹ tôi thì đều đã về với đất. Chiều hôm qua, ra thắp hương ba mẹ ngoài đồng, gió Lào mạnh đến nỗi hương không cháy được. Nhìn những ngôi mộ cỏ nằm rạp dưới gió, tôi bỗng nhớ lời mẹ tôi nguyện cầu: “Gió Lào ơi đừng thổi nữa”.
 
Ngày hôm nay, tôi quyết định mang máy tính ra ngồi đầu ngọn gió Lào để viết những dòng ký ức này.
 
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Đại hội Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hóa lần thứ III

(QBĐT) - Sáng 24/6, Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hóa tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027.

Sen Đồng Hới

(QBĐT) - Mải mê những mùa sen Tây Hồ

Ra mắt bộ sách đặc biệt "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thể dục Thể thao"

Hướng tới kỷ niệm 77 năm Quốc khánh (2/9/1945), Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đầu tư và Hỗ trợ Chuyển đổi số Quốc gia cùng Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Kết nối và Phát triển Công nghệ Toàn cầu phối hợp xuất bản và phát hành cuốn sách đặc biệt: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thể dục Thể thao".