Huyền tích thác Bụt

  • 08:06 | Thứ Bảy, 09/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa đại ngàn xanh phía dưới chân thác Bụt, trong thời khắc đất trời giao hòa linh thiêng bỗng vút lên lời nồng nàn mời gọi: “Rằm tháng ba quê ta hội mở/Cùng về đây dâng kính hương hoa/Ông Ngoi, thác Bụt trên tòa/Cung đàn nhịp phách câu ca thỉnh mời/Cầu muôn đời dân an, quốc thái/Cho muôn nhà vạn đại cao sâu/Thành tâm ghi nhớ làm đầu/Thập phương trăm họ vạn lời tạ ơn”...
 
Sân khấu thực cảnh hoành tráng
 
Sau bao chờ đợi, lần đầu tiên người dân Minh Hóa và du khách thập phương chuẩn bị thưởng thức một chương trình nghệ thuật thực cảnh đặc sắc trong Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba với chủ đề “Huyền tích thác Bụt” (vào lúc 20 giờ ngày 14/4/2022). Chương trình do nhà văn Nguyễn Quang Vinh dàn dựng kịch bản và làm tổng đạo diễn, huy động hàng trăm diễn viên, nghệ sỹ khắp cả nước, các CLB dân ca và bà con trong huyện Minh Hóa tham gia.
 
Những ngày này, khi chúng tôi có mặt tại khu vực được lựa chọn làm nơi tổ chức chương trình đã thấy hình hài một sân khấu hoành tráng đang gấp rút hoàn thành, các diễn viên, nghệ sỹ tham gia chương trình cũng đã hội tụ về chuẩn bị tham gia vào khâu tập luyện.
 
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: “Chương trình nghệ thuật thực cảnh mang chủ đề "Huyền tích thác Bụt" năm 2022 thực sự trở thành một điểm nhấn, một sự khác biệt, là ân tình của tôi dành cho huyện Minh Hóa, không thể nào cân đong đo đếm hết được. Sự khác biệt tạo ra là dịp người dân Minh Hóa, du khách thập phương nhớ về quê hương với một bề dày văn hóa, lịch sử, tâm linh đặc sắc. Từ đó, mỗi lần đến dịp Rằm tháng ba lại nhắn nhủ nhau tìm về nguồn cội, tìm về yêu thương, thủy chung, đoàn kết xây dựng Minh Hóa ngày một giàu đẹp thêm”.
Một góc thị trấn Quy Đạt.
Một góc thị trấn Quy Đạt.

Sân khấu thực cảnh thực sự hoành tráng, nơi diễn ra sự kiện có sức chứa hơn 1.500 người và hoàn toàn lộ thiên giữa núi rừng nguyên sơ. Bối cảnh dựng lên dung dị, gần gũi, giàu tính hình tượng như cốt cách của người Minh Hóa.

Một cây cầu đá và những chiếc cầu tre bắc qua dòng suối; bàn thờ Bụt linh thiêng; dăm mái nhà tranh thấp thoáng giữa vườn cam, đu đủ, cọ, tre, cội rơm và đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ... Từng con đường xuôi xuống dòng suối nơi diễn ra đại cảnh hò thuốc cá, hàng chục nam thanh, nữ tú cùng nhau thả cây tèng trong giai điệu hò thuốc vấn vương phía đầu nguồn. Cuối dòng suối là cảnh phụ nữ, trẻ em reo hò bắt cá bỏ vào oi...

Huyền tích thác Bụt được tái hiện bằng âm nhạc
 
Rằng... Hôi lên là hôi lên... Giữa núi rừng linh thiêng chợt cất lên lời xá như từ ngàn xưa vọng về: “Chùa Tân Kiều ngàn năm thuở trước/Huyền tích xưa thác Bụt linh thiêng/Danh thơm vang khắp mọi miền/Dấu thiêng để lại lưu truyền đời sau/Chuyện kể rằng hai anh em nhà nọ/Lên lèn cao tìm kiếm mật ong/Mát lành đây giếng khơi trong/Cạnh bên tảng đá hiện thân lạ thường/Thoạt nhìn lên cây cam mộng quả/Dạ bảo lòng ngắt trái cùng ăn/Vui cười không chút băn khoăn/Thấy người thêm khỏe, rủ nhau ra về/Bước chân về, anh em lạc lối/Quanh quẩn rồi, vẫn trở lại gốc cam/Nhìn lên bàn đá hào quang/Mười hai vị tượng hình nhân thẳng hàng/Dạ bảo lòng hai anh em bàn bạc/Buộc đoạn dây đem tượng đá về nhà/
 
Lối mòn xuôi bước xuống làng/Mặt trời sắp lặn bên đàng suối reo/Hiện trước mặt thác xanh như ngọc/Hai anh em xuống tắm đùa chơi/Lên bờ đi tiếp đồi sim/Vai gùi đè nặng, như kìm bước chân/Người em tức, ghè vào tượng đá/Bụt linh thiêng trút giận lên đầu/Làm người bệnh nặng, ốm đau/Mùa màng thất bát, bò trâu lụi tàn/Bao đá lở, lèn rơi, thú dữ/Bao dân tình đói khổ gian nan/Đắng cay, cơ cực bần hàn/Tha phương khắp chốn, dặm ngàn gieo neo/Nay hay tin, hỏi ra mới biết/Hai anh em làm phật ý Bụt thiêng/Lập đàn, sắm lễ cầu an/Cúi xin ông Bụt ơn ban mọi nhà/Từ khi đó quê làng yên ả/Nhà nhà đều rộn rả vui tươi/Trẻ già, trai gái rạng ngời/Làm ăn no đủ, người người hân hoan...”.
 
Tham gia biễu diễn trong chương trình nghệ thuật thực cảnh “Huyền tích thác Bụt” có các NSND: Nguyễn Ngọc Bình, Minh Gái; các NSƯT: Đình Cương, Trương Thương Huyền, Trịnh Tiến Lâm, Phạm Huy Thục; các nghệ sỹ: Hoài Nhi, Nguyễn Quý, Hiển Lợi; đội ngũ ca sỹ: Thúy Hà, Nguyễn Phương Nga, Hồ Song, Thúy Hiền, Mai Chung; nhóm nhạc Âm sắc Việt; dàn nhạc dân tộc, Học viện Âm nhạc Huế; Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Trung ương; Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế; các CLB dân ca huyện Minh Hóa; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa.

Để rồi từ đó “Niềm vui phấn khởi dân làng/Tháng ba hội mở rộn ràng vui thay/Danh lam thắng tích nơi này/Tâm linh văn hóa từng ngày trổ hoa/Tự hào Minh Hóa quê ta/Ngày vui hội mở tháng ba chợ rằm/Lèn thiêng thác Bụt ngàn năm/Đời đời con cháu lo chăm giữ gìn”.

Về tổng thể, chương trình nghệ thuật thực cảnh được bố cục thành hai phần, phần 1: “Huyền tích thác Bụt”; phần 2: “Vấn vương Minh Hóa quê mình” tạo thành một dòng chảy nối liền từ quá khứ đến hiện tại, hướng về tương lai. Khắc họa nên dòng chảy huyền tích này là ngôn ngữ hình thể của dàn diễn viên gạo cội hòa quyện cùng sự dung dị, chất phác, tự nhiên của diễn viên quần chúng huy động từ người dân Minh Hóa và âm nhạc, lời ca, tiếng hát qua sự thể hiện của các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng.
 
Ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết: “Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Minh Hóa để khắc phục mọi khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà lễ hội Rằm tháng ba năm nay được tổ chức quy mô, bài bản. Điểm nhấn khác biệt so với những năm trước là chương trình nghệ thuật thực cảnh chủ đề “Huyền tích thác Bụt”. Từ điểm nhấn này, Tuần lễ văn hóa, thể thao, du lịch và Hội Rằm tháng ba tiếp nối với hàng loạt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất và con người Minh Hóa. Rằm tháng ba là cơ hội để Minh Hóa quảng bá, phát triển thế mạnh về du lịch trên hành trình di sản miền Trung với nhiều danh thắng, lịch sử, văn hóa, tâm linh: Thác Bụt, động Tú Làn, làng đá cổ Trung Hóa, hồ Yên Phú, thác Mơ, Khe Thui, Cổng Trời, Cha Lo...”.
 
Thanh Long

tin liên quan

Nhiều hoạt động trong Ngày Sách và Văn hóa đọc

Các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc".

Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ

Ngày 31/3, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022) dành cho các hoạ sỹ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp; công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 kết nối trực tuyến đến hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 - Lễ giỗ Tổ linh thiêng và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu sẽ diễn ra vào ngày 10/4/2022 (tức ngày 10/3 âm lịch) bằng hình thức kết nối trực tuyến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.