Đại thắng Mùa Xuân 1975

  • 11:57 | Thứ Bảy, 30/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những ngày tháng 4 này, lòng chúng ta ai cũng hân hoan trào dâng những niềm vui bất tận khi nhớ về cách đây 47 năm với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đất nước ta đã thống nhất trọn vẹn, non sông ta thu về một mối, nhân dân hai miền Nam-Bắc sum họp một nhà thỏa lòng ước mong tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu từ 6 năm về trước trong lời chúc Tết xuân Kỷ Dậu năm 1969 trước lúc Người đi xa: “Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào/Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.
 
Thưa Bác! Xuân 1975 là mùa xuân vui nhất, đẹp nhất bởi lần đầu tiên sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, ngót trăm năm Pháp thuộc, hàng chục năm kháng chiến chống quân xâm lược, dải đất hình chữ S thân yêu sạch bóng quân thù. Trong thời khắc lịch sử đó, hàng triệu người dân Việt Nam tự đáy lòng mình nhớ tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đau đáu với khao khát niềm mong sao cho nước ta độc lập, dân ta được tự do không còn chia cắt.  
 
Không phải ngẫu nhiên, cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 được Bộ Chính trị đặt tên là chiến dịch Hồ Chí Minh và sau giải phóng toàn miền Nam, thành phố Sài Gòn được mang tên Bác Hồ kính yêu. Sinh thời Bác luôn hướng về miền Nam với nỗi nhớ da diết. Vườn Bác, cây vú sữa đồng bào miền Nam tặng vẫn tỏa bóng xanh tốt, quả ngọt trĩu cành. Hàng dừa mang bóng dáng miền Nam thân yêu vẫn nghiêng nghiêng bên ao cá, “Bác nhớ miền Mam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” (Tố Hữu). Bác đặt bàn tay lên ngực trái: “Miền Nam trong trái tim tôi” và ao ước được vào thăm đồng bào miền Nam.
 
Đường đến Sài Gòn ngày 30/4 vẫn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng” ( Phạm Tuyên). Đó cũng chính là con đường mà Bác đã khẳng định với phương hướng chiến lược được Người đúc kết trong 2 câu thơ chúc Tết như một lời tiên tri dự báo thật chính xác thiên tài: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
Giở lại những trang sử hào hùng ta thấy Bộ Chính trị đã chọn thời cơ chiến lược thật sáng suốt: Đầu năm 1975, sau chiến thắng Phước Long, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam mở những đòn tiến công chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên; chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Ngày 26/4, ta nổ súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Với nhịp điệu dồn  dập hối hả như mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng...”
 
Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Lịch sử sang xuân, anh vào trận cuối cùng/ Đại lộ Hồ Chí Minh thác réo quân đi cuồn cuộn/ Anh đánh như sét nổ, trời rung/ Anh chuyển như lũ dâng, bão cuốn”. Còn nhà thơ Hữu Thỉnh, một người lính trực tiếp cầm súng theo đội hình xe tăng vào giải phóng Sài Gòn thì viết cụ thể hơn trận đánh hiệp đồng binh chủng: “Thiết giáp cuốn say người/ Lặng lẽ đặc công vào lót ổ/ Giành giật những nhịp cầu/ Xe pháo ầm ì vô tận nối nhau đi/ Áo tân binh xanh đẫm bến phà”.
 
Đường đến Sài Gòn 30/4 là con đường của sức mạnh khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước; là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc trên 2 miền Nam-Bắc kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, chống chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ và chi viện chiến trường giải phóng Miền Nam thành đồng tổ quốc thân yêu. Đường lối kháng chiến do Đảng đề ra đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước cùng nhau đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp vì lý tưởng cao đẹp mà lịch sử đặt ra bên cạnh được sự giúp đỡ chí tình của các nước bạn bè quốc tế. Sức mạnh đấu tranh nhờ đó được biểu hiện phong phú, nhân lên gấp bội biến thành hành động thực tiễn qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi từ hậu phương đến tiền tuyến.
 
Điển hình như các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”; “Xe chưa qua,nhà không tiếc”; phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”. Còn ở miền Nam thì “Ra ngõ gặp anh hùng”; “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; hay câu nói nổi tiếng của nữ anh hùng Út Tịch: “Còn cái lai quần cũng đánh”. Có thể nói sức mạnh của nhân dân là sức mạnh tổng hòa trong đó hình ảnh “Mẹ Việt Nam anh hùng” nổi bật lên như một tượng đài bất diệt, một biểu tượng cho ý chí bất khuất kiên cường, sự hy sinh thầm lặng lớn lao.
 
Có những con đường huyền thoại để đi tới đại thắng mùa xuân 1975 được xây bằng xương máu. Đó là con đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, là huyết mạch quan trọng để chi viện miền Nam. Còn có con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông của đoàn tàu không số lặng lẽ mở tuyến vào Nam một cách sáng tạo và quả cảm. Các anh hy sinh hòa vào nước biển mặn mòi không một nấm mồ, xương cốt hóa thành san hô đỏ lấp lánh như phù sa của biển. Lại có những con đường địa đạo xuyên trong lòng đất mà có nhà thơ ví là “Mặt trời trong lòng đất” của đất thép Củ Chi và Vĩnh Linh khiến quân thù ngạc nhiên và khiếp sợ khi sức sống chiến tranh nhân dân đội lên từ lòng đất mà không có vũ khí tối tân nào hủy diệt được.
 
Đó cũng là con đường của nghĩa quân Lê Lợi “Nếm mật, nằm gai” kháng chiến 10 năm hy sinh gian khổ để chiến thắng giặc Minh; là con đường hành quân thần tốc của đại quân vua Quang Trung từ Nam ra Bắc đánh bại quân Thanh; là con đường vận tải xe đạp thồ, dùng sức người kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đến con đường những “Con rồng lửa” bắn cháy “Pháo đài bay B52” của “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó cũng là con đường đi từ các trận thắng Ấp Bắc đến Tết Mậu Thân 1968 và Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào với 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị. Những người lính từ anh vệ quốc quân đến chiến sỹ giải phóng quân, từ mũ nan, dép lốp, áo trấn thủ đến mũ tai bèo, mũ sắt với các binh chủng hiện đại. Họ tiếp bước cha anh, tiếp bước thế hệ viết tiếp “Bài thơ báng súng”: “Con lớn lên đang viết tiếp thay cha/Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/Người hôm nay viết tiếp người hôm qua” ( Hoàng Trung Thông) .
 
Nắng tháng 4-nắng vàng mật ong còn tươi sắc xuân, nắng của ấm áp lòng người hân hoan chào đón kỷ niệm ngày 30-4 lịch sử.
 
 
Tùy bút Nguyễn Ngọc Phú

tin liên quan

Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập

(QBĐT) - Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. 

Hội diễn dân vũ và trao giải cuộc thi dân vũ online

(QBĐT) - Chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 29/4, tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch đã tổ chức hội diễn dân vũ và trao giải cuộc thi dân vũ qua video. 
 

Dư âm nhạc phẩm đầu tiên viết về Đồng Hới

(QBĐT) - Đã gần 80 năm trôi qua kể từ tác phẩm âm nhạc đầu tiên viết về Đồng Hới, nhạc phẩm "Sóng Nhật Lệ" (nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiếu) ra đời, nhiều ký ức đã phai mờ, những cố nhân ngày xưa nay đã trở thành thiên cổ.