Hữu Phương, từ "Chân trời mùa hạ" đến "Quay đầu lại là bờ"

  • 07:05 | Thứ Tư, 23/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nói đến các cây bút sinh trưởng, thành danh và “bám trụ” suốt đời tại đất lửa Quảng Bình, không thể thiếu nhà văn Hữu Phương. Anh từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật (VH-NT) Quảng Bình từ năm 1998-2009; và cũng như tôi, trên chục năm, Hữu Phương có thêm một chức nghe sang trọng, nhưng đơn vị “ba không” (không trụ sở-không kinh phí-không quyền hành): đó là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam ở địa phương (Huế và Quảng Bình).
 
Hữu Phương sinh năm 1949, chỉ thua tôi 10 tuổi; năm 1972, khi anh tốt nghiệp khoa Toán Trường đại học sư phạm Vinh thì tôi đang chạy ngược xuôi đến các đơn vị giao thông ở Quảng Trạch và Bố Trạch quê anh, theo dõi công việc sửa chữa cầu đường để đón thời cơ ngừng bắn đến gần. Mấy chục năm cùng hoạt động văn nghệ, tôi và Hữu Phương đã hơn một lần “ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng” trong các dịp đi trại sáng tác hay dự hội nghị.
 
Vậy mà nhiều lúc cứ “thắc mắc” không hiểu cái “duyên” nào, nguồn cơn nào đã đưa một thầy giáo dạy toán từ bục giảng bước sang địa hạt văn chương một cách ngoạn mục như thế? Có lẽ chỉ do lĩnh vực sáng tạo vốn là bí ẩn và tiềm năng con người là vô tận? Như tôi biết, Hữu Phương là người thích “vui vẻ”, không ưa đại ngôn. Tuy vậy, trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” do Hội Nhà văn Việt Nam in năm 2020, Hữu Phương đã “tự bạch” như sau: “Văn chương là gì mà không hiểu sao càng chí tâm chí cốt với nó, càng thấy thương đất nước…”.
Nhà văn Hữu Phương tại đảo Cồn Cỏ, tháng 5/2020.
Nhà văn Hữu Phương tại đảo Cồn Cỏ, tháng 5/2020.

Có thể nghĩ, đó là động lực đã đưa thầy giáo Hữu Phương trở thành một trong số tác giả có nhiều thành tựu, nhất là về tiểu thuyết. Bạn đọc chú ý đến Hữu Phương từ truyện ngắn “Ba người trên sân ga” đã được dựng thành phim “Đời cát”; anh cũng đã có 3 tập truyện ngắn đạt Giải A Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư, nhưng sau tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” (NXB Hội Nhà văn, 2007)-Giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2006-2010) của Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Phương đã tạo được dấu ấn về thể loại được xem là “cỗ máy cái” của nền văn học với 2 tiểu thuyết được xuất bản tiếp theo là “Súng nổ bến Thiên Đường” (NXB Công an nhân dân, 2014) và “Quay đầu lại là bờ” (NXB Văn học, 2019).

Điều dễ nhận thấy hơn cả là các tiểu thuyết của Hữu Phương, tuy đề tài khác nhau, nhưng đều lấy bối cảnh Quảng Bình với những thời đoạn khác nhau. Tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” lấy bối cảnh là hoạt động sản xuất và chiến đấu ở một hợp tác xã, một làng quê điển hình của Quảng Bình trong quãng thời gian từ cuối những năm sáu mươi đến khi hòa bình được lập lại, đất nước thống nhất, “Chân trời mùa hạ” với gần 600 trang sách chữ nhỏ, đã tái hiện một cách chân thực cuộc sống phong phú nhiều vẻ ở tầng căn bản nhất của xã hội với những con người đã đóng góp lớn lao nhất trong cuộc chiến tranh. Đó là nông thôn và người nông dân…
 
Đến tiểu thuyết “Súng nổ bến Thiên Đường”, tác giả dẫn độc giả lên vùng đất Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng nổi tiếng với cuộc chiến chống lâm tặc đầy cam go. Nhân vật chính là Luận, một sĩ quan công an trẻ, đẹp trai vừa tốt nghiệp đại học an ninh, được “Giám đốc Công an tỉnh “đánh” vào tổ chức tội phạm phá rừng”. Lời giới thiệu tác phẩm đã “lật bài ngửa” như thế. Và như thế, đúng ra, độc giả sẽ hồi hộp theo dõi cách thức Luận khám phá, lật mặt kẻ phạm tội và cũng lo cho Luận có thể bị “lộ mặt” theo kiểu một truyện trinh thám thông thường.
 
Nhưng thực ra, Luận chỉ đóng vai một “sinh viên kinh tế” về nhà người quen cũ nghỉ ngơi chờ xin việc, tự do thoải mái quan sát cuộc sống trong vùng, chứ Giám đốc Công an không giao cho anh nhiệm vụ điều tra phá án cụ thể nào. Ông muốn nắm được “toàn cảnh” một địa bàn trọng yếu với bản chất của nó. Còn tác giả, mượn “đôi mắt” của Luận miêu tả cuộc sống nhiều mặt phong phú như nó vốn có. Cũng có thể nói đây là ưu điểm của “Súng nổ bến Thiên Đường”; tác giả đã tránh được kiểu xây dựng cốt truyện bám theo một vụ án, một chiến dịch, một công trình-kiểu cốt truyện chạy theo sự việc và vô hình trung đã tự “bó tay” mình, tự hạn chế mình trong một không-thời gian chật hẹp…
 
Tiểu thuyết “Quay đầu lại là bờ”, tác giả mượn câu thành ngữ quen thuộc làm tên sách thật là đích đáng đối với hoàn cảnh và tâm trạng của Trương Thuấn, khi ông ta từ Mỹ bất ngờ trở về Đồng Hới trong ngày giỗ ông giáo Thọ. Thuấn không phải là nhân vật chính trong tác phẩm-theo thuật ngữ văn học thì ông ta là “nhân vật phản diện”, nhưng xoay quanh Thuấn là cả loạt mối quan hệ dằng dịt với nhiều tình tiết gay cấn tạo nên bi kịch, có sức cuốn hút bạn đọc.
Bìa các cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hữu Phương.
Bìa các cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hữu Phương.
Điều có lẽ khiến không ít bạn đọc bất ngờ là xoay quanh chỉ một gia đình ông giáo Thọ bình thường ở một phố thị nhỏ khiêm tốn như Đồng Hới, chứ không phải là tướng lĩnh hay “danh gia vọng tộc” ở các đô thị trung tâm; và cũng chỉ với một tập sách 400 trang, chứ không phải tiểu thuyết bộ đôi, bộ ba như không ít trường thiên tiểu thuyết gia đình từng nổi danh trên văn đàn; vậy mà “Quay đầu lại là bờ” đã “chạm” đến hầu hết những sự kiện lớn của lịch sử đất nước hơn nửa thế kỷ vừa qua… Nhờ thế, tác phẩm đã được trao Giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lớn thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam và mới đây là Giải A Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư…
 
Như thế, hiện thực được miêu tả trong 3 cuốn tiểu thuyết của Hữu Phương chính là cuộc sống đa dạng, phong phú của quê hương tác giả. Trong lý luận văn học, có tác giả nêu luận điểm, đại ý “anh viết cái gì không quan trọng bằng anh viết như thế nào”; nói cho dễ hiểu, thì tác giả muốn lưu ý trong văn chương, chỉ nên quan tâm đến nghệ thuật mà thôi! Điều này có phần đúng, nhất là cái thời người thẩm định các cuộc thi chỉ chú trọng những tác phẩm bám sát thực tế cuộc sống nhân dân rồi “châm chước” về nghệ thuật thể hiện. Đến nay thì không mấy ai quan niệm đơn giản như thế nữa.
 
Thực ra, hiện thực trong 3 tác phẩm của Hữu Phương qua gần 1.500 trang sách mà tôi giới thiệu tóm lược ở trên, ngoài giá trị nhận thức, giúp cho hàng nghìn độc giả trong cả nước thêm hiểu và thương mến Quảng Bình, đã thể hiện phần nào nghệ thuật tiểu thuyết của tác giả về mặt cấu trúc truyện và xây dựng nhân vật. Về hai mặt này, theo tôi, “Súng nổ bến Thiên Đường”“Quay đầu lại là bờ” hay hơn “Chân trời mùa hạ”, chứng tỏ Hữu Phương viết ngày càng “lên tay”, là cây bút tiểu thuyết đang sung sức.
 
Trong “Chân trời mùa hạ”, tác giả đã dành phần lớn số trang để tái hiện khung cảnh chiến đấu và sản xuất ở Đại Hòa. Có thể những khung cảnh đó gắn với kỷ niệm riêng gần gũi thân thiết, nên tác giả không đủ “tỉnh táo” để biết dừng ở mức vừa đủ, tránh sự dàn trải. Cũng có thể tác giả có ý định tốt muốn dựng một “bảo tàng” làng quê Quảng Bình trong chống Mỹ bằng ngôn ngữ, nhưng rất tiếc, khung cảnh trong “Chân trời mùa hạ”, ít có những cảnh hùng tráng đặc sắc và có vị trí quan trọng trong lịch sử chiến tranh ở Quảng Bình, nên chưa đủ sức nâng tầm nhân vật lên mà ngược lại, những trang miêu tả quá nhiều sự việc “sản xuất, chiến đấu” đã lấn át nhân vật.
 
Nhược điểm này dễ thấy ở không ít tiểu thuyết Việt Nam, nhất là trước thời kỳ đổi mới 1986. Riêng Hữu Phương, đến “Quay đầu lại là bờ”, anh đã vượt hẳn lên. Có thể nói đọc “Quay đầu lại là bờ” có cảm tưởng như nhìn một hạt muối thấy biển cả. Với dung lượng có hạn, đạt được điều đó là nhờ tác giả đã tránh lối miêu tả các sự kiện lớn như nhiều tiểu thuyết sử thi trước đây. Trong “Quay đầu lại là bờ”, các cột mốc và biến cố lớn của đất nước được thể hiện qua cảm nhận và hồi ức của người trong cuộc, chứ không phải tác giả miêu tả diễn biến sự kiện tuần tự theo dòng thời gian nên không chỉ có sức truyền cảm từ số phận nhân vật mà mạch truyện biến hóa rất nhanh…
 
Trường hợp Hữu Phương làm tôi liên tưởng đến Mạc Ngôn-nhà văn đoạt giải Nô-ben nhờ phương pháp “lạ hóa” đã làm nổi bật hiện thực cuộc sống đầy những bi hài kịch của Trung Quốc. Tôi không có ý so sánh, nhưng Mạc Ngôn cũng là nhà văn mà mọi tác phẩm của ông đều lấy bối cảnh làng Cao Mật quê hương của mình. Như vậy, có thể nói con đường Hữu Phương lựa chọn là đi sâu khai thác cuộc sống giàu có muôn vẻ của quê hương để sáng tác, cũng là con đường lớn để lớp nhà văn trẻ giàu tiềm năng của Quảng Bình hiện nay tiếp tục tạo nên những tác phẩm có giá trị hơn nữa …
 
Nguyễn Khắc Phê

tin liên quan

Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 579/QÐ-BVHTTDL tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2022.

Sự đan bện ký ức chiến tranh và tinh thần sinh thái trong "Cây đời"

(QBĐT) - Công tác ở Văn phòng Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, Trác Diễm còn là cây bút khá sắc sảo thuộc lớp người viết trẻ. "Cây đời"-NXB Thanh Niên, năm 2020 là đứa con tinh thần thứ năm của Trác Diễm.

Mẹ tôi

(QBĐT) - Mẹ tôi ra đứng triền sông