"Trở về thương lấy nhau thôi"

  • 21:17 | Thứ Ba, 25/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi không hiểu vì sao, trong những ngày cận Tết, lòng lại nghĩ nhiều đến những câu thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Trở về thương lấy nhau thôi/Một năm đời lại qua rồi còn đâu/Trở về ngắm lại hàng cau/Mẹ cha trồng thuở mái đầu còn xanh”...
 
1. Ngày ngoại tôi còn sống, vào những ngày cuối năm, bà thường hay ngồi tựa cửa ngóng ra con đường đất phía đầu làng. Tôi không rõ bà đang nghĩ ngợi điều gì chỉ thấy trong ánh mắt trầm đục vời vợi những mong ngóng và cả những nỗi buồn mênh mang. Thỉnh thoảng, ngoại lại vội vã nén tiếng thở dài. Chỉ đến khi cháu con lũ lượt dẫn nhau về đón Tết, khuôn mặt khắc khổ của bà mới giãn ra và lấp lánh niềm vui sum họp. Hóa ra, như tất thảy những người mẹ khác, ngoại tôi ngóng đợi những đứa con phương xa trở về đón Tết sau một năm chộn rộn áo cơm.
 
Nhưng chẳng năm nào, đại gia đình chúng tôi được đón Tết đủ đầy. Năm nay vắng người này, năm sau lại vắng người kia. Vậy nên, dẫu niềm vui hiển hiện trên gương mặt chằng chịt vết nhăn của bà thì trong thẳm sâu ánh mắt trầm đục vẫn phảng phất nỗi buồn. Và trong câu chuyện bên mâm cơm ngày cuối năm, dẫu chộn rộn tiếng cười, bà tôi vẫn luôn nhắc nhiều đến những đứa con xa quê, giọng có lúc như nghẹn lại. Nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi ngoai.
Làng tôi. (Ảnh: Đức Thành)
Làng tôi. (Ảnh: Đức Thành)
Thế rồi, ngoại ra đi trong một chiều cuối năm lạnh ngắt. Khi tất cả chúng tôi tề tựu đông đủ bên giường bệnh, bà lần lượt nhìn ngắm từng người một rồi nhẹ nhàng nhắm mắt. Đó là cái Tết đầu tiên đại gia đình chúng tôi đủ đầy con cháu nhưng lại vắng bóng bà và mãi mãi sẽ không còn sự hiện diện của bà trong mỗi dịp họp mặt. Nhiều năm trôi qua, mỗi ngày giỗ bà, chúng tôi lại trở về nơi căn nhà cũ ở phía cuối làng. Dẫu bữa cơm đại gia đình ngày sum họp bao giờ cũng rộn rã tiếng cười nhưng trong sâu thẳm vẫn thấy thiếu vắng một điều gì đó thiêng liêng. Có lẽ như ai đó đã nói, rằng khi còn mẹ, anh em là một gia đình nhưng khi mẹ mất đi, anh em chỉ còn là người thân. 
 
2. Ngày chúng tôi kết hôn cũng là lúc mẹ chồng tôi lâm bệnh nặng. Một ngày, khi vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng mình sẽ chẳng còn trên cõi tạm được bao lâu nữa, mẹ gọi chúng tôi đến ngồi cạnh giường và trao một món quà nhỏ. Mẹ không đủ sức để cất giọng, chỉ hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài trên khuôn mặt sạm đen sau những lần truyền hóa chất.
 
Đôi bàn tay gầy guộc cứ nắm chặt lấy bàn tay chúng tôi như thể muốn nhắn nhủ điều gì. Mãi sau này, khi mẹ mất đi, tôi mới biết, món quà mà bà trao cho chúng tôi ngày đó được mua bởi những đồng tiền mẹ lặng lẽ tích cóp từ khoản tiền mừng Tết của chồng tôi. Sau mỗi dịp về nhà đón Tết, thay vì dẫn mẹ đi chợ sắm sửa, chuẩn bị mâm cơm ngày Tết, chồng tôi vẫn thường biếu mẹ một chút tiền. Bà đã không dùng nó vào việc sắm Tết, càng không dùng vào bất cứ việc gì cho bản thân mình. Vậy mà, nhờ bàn tay vun vén của mẹ, mâm cơm ngày Tết bao giờ cũng sung túc, đủ đầy. Riêng khoản tiền ấy mẹ giữ lại, năm này qua năm khác, từng chút, từng chút mong một ngày trao lại cho con.
 
Mẹ chồng tôi mất cũng trong một ngày giáp Tết mưa buồn hiu hắt. 10 năm trời, dù không ai nói ra, nhưng trong sâu thẳm mỗi người đều không nguôi nhớ mẹ, nhất là mỗi dịp sửa soạn đón Tết. Những giây phút ấy, lại nhớ dáng mẹ lặng lẽ vun vén cho từng góc nhà, tự tay làm từng món ăn mà chồng con thích. Không ca thán, không đòi hỏi, với mẹ, đó là một niềm vui vô tận và là niềm hạnh phúc lớn lao! 10 năm mất mẹ là chừng ấy cái Tết thiếu đi bàn tay vun vén của mẹ. Mâm cơm ngày sum vầy xoay trở thế nào, đông đủ ra sao cũng trống trải vô cùng.
 
10 năm qua, dù tôi đã cố gắng bù đắp thì trong anh-đứa con trai út mẹ hết lòng yêu thương-khoảng trống mẹ để lại mãi mãi không ai và không điều gì có thể khỏa lấp. Nhiều năm trôi qua, tôi biết, anh vẫn không nguôi day dứt khi nghĩ về mẹ, về những vô tâm ngày cũ. Anh bảo, giá như Tết này còn mẹ, thay vì chỉ “mang tiền về cho mẹ” như một nghĩa vụ, sẽ chở mẹ đi chợ hoa sắm Tết, cùng dọn nhà và chuẩn bị những món ăn ngày Tết. Giá như còn mẹ, sẽ không để mẹ cô đơn trong những ngày mà đáng ra cần lắm sự sum vầy, sẻ chia và vun vén. Giá như…! Thế nhưng, có một sự thật xót xa rằng, 10 cái Tết trôi qua, chúng tôi đã là những đứa con mồ côi mẹ!
 
3. Bạn tôi, đứa con gái lấy chồng viễn xứ đã nhiều năm trời chưa về thăm nhà, cũng là chừng ấy thời gian không thể đón Tết cùng mẹ. Năm nay, bạn về! Ngày trở về, bao nhiêu vất vả, khổ đau trong những năm bôn ba xứ người bỗng chốc trôi tuột theo cơn gió đông lạnh ngắt khi thấy dáng mẹ đón đợi trước cổng. Nụ cười mẹ đủ sức xoa dịu những vết thương ray rứt trong tâm hồn đứa con gái trưởng thành. Bạn bảo, những ngày nằm trên giường bệnh nơi xứ người, có lúc tưởng buông xuôi nhưng nghĩ về mẹ, lại mạnh mẽ vượt qua và bước tiếp.
Con đường làng vẫn đón đợi những đứa con xa quê về đón Tết.
Con đường làng vẫn đón đợi những đứa con xa quê về đón Tết.
Với riêng tôi, nơi căn nhà nhỏ nép mình trên con đường hoa tím dẫn ra ruộng lúa mênh mang, cha mẹ vẫn luôn đón đợi chúng tôi trở về. Nơi ấy, dù chỉ là căn nhà gió lùa tứ phía trong những ngày cũ hay ngôi nhà mới khang trang vừa được cất dựng thì với những đứa con xa nhà, cảm giác đều như nhau. Bởi một lẽ giản đơn rằng ở nơi đâu có mẹ, nơi ấy chính là nhà! Và hiển nhiên, sẽ chẳng có gì vững chãi bằng một ngôi nhà có mẹ. Một năm trôi qua, dù là hạnh phúc hay khổ đau, dù thành công hay thất bại thì với những đứa con trưởng thành, Tết vẫn khao khát được trở về. Nơi căn nhà có mẹ, sẽ không có những bon chen, vị kỷ, không có hơn thua, được mất, chỉ có tình thương ấm áp, tràn đầy. Và dù lòng có vụn vỡ đến đâu, Tết về với mẹ cũng sẽ được chữa lành ngay thôi.
 
Tết, hạnh phúc khi vẫn còn mẹ nở nụ cười chào đón những đứa con trở về!
 
Tết, về với mẹ thôi! Bởi sẽ chẳng còn được mấy cái Tết có mẹ ngóng đợi trước hiên nhà.
 
Và Tết, trở về để “thương lấy nhau thôi”!
 
Diệu Hương

tin liên quan

Hoa môi

(QBĐT) - Xuân muộn

Quảng Bình hoài chuyện...

(QBĐT) - Trước năm 1975, tôi sống ở Thanh Hóa, chỉ biết nếu đi về phía Nam sẽ tới quê tôi, là Huế, muốn thế phải qua Nghệ An, qua đèo Ngang, qua cầu Hiền Lương... Học cấp 3, hết ba tháng hè đi học lại thì nghe mấy đứa con trai lớn trong lớp kể chuyện Quảng Bình. Là chúng đi với bố hoặc anh làm thợ xẻ. Và chúng vào Quảng Bình.

Văn học - nghệ thuật Quảng Bình trên hành trình xây dựng và phát triển

(QBĐT) - Hội Sáng tác văn nghệ, thuộc Ty Văn hóa Quảng Bình, tiền thân của Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình được thành lập vào tháng 6/1961. Đồng chí Lê Khai, Trưởng ty Văn hóa được cử làm hội trưởng. Ngay sau đó, Đại hội Hội Văn nghệ Quảng Bình lần thứ nhất đã được triệu tập, đồng chí Lê Khai được đại hội bầu làm Chủ tịch hội. Ngay từ khi mới ra đời, Hội VHNT Quảng Bình đã tỏ rõ năng lực tập hợp hội viên và phát động các phong trào sáng tác, trở thành ngôi nhà chung của nhiều văn nghệ sỹ (VNS).