Mùa đi trên những luống cây

  • 08:07 | Thứ Sáu, 28/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hồng Thủy-làng lúa, làng rau, làng hoa. Tôi đã phải duyên với miền quê giàu sức sống này.
 
Mùa lúa, về Hồng Thủy thể nào tôi cũng lang thang trên những bờ ruộng nhỏ, để ngửa mặt hứng mỗi ngọn gió lẻ mát rượi lướt qua cánh đồng. Lúa dập dờn như sóng, rì rào như hát. Không gian mát và thơm. Mùi nắng. Mùi lúa. Em tôi là nông dân, một lần cùng tôi ra đồng nói rằng: Những thửa ruộng này vốn trước kia là vời. Em đã cùng bà con quai đê lấn vời mà nên. Người Hồng Thủy gọi phá Hạc Hải là vời, nghe đến xa thẳm. Những cánh đồng  mọc lên, vời không còn vẻ mênh mông biển dã mà có đoạn là  mặt hồ phẳng lặng, có đoạn mang dáng hình một dòng sông uốn lượn thư nhàn giữa hai bờ lúa.
 
Xã Hồng Thủy giờ đã có đến 150ha lúa ruộng vời, năm đưa về hàng nghìn tấn thóc, mang lại sung túc cho mỗi nếp nhà. Đất Hồng Thủy là đất sinh sôi, từ ruộng sâu, ruộng cạn, lúa cao, lúa thấp lớp lớp mọc lên, cá, tôm, ốc, ếch, năn, lác, rong rêu... không bao giờ thưa vắng. Tất cả những gì từ vời đều hữu ích cho nhà nông. Khi Hạc Hải là bể cạn “bể cạn ai mài xanh sắc nước...” đến Hạc Hải đã lúa hóa, dân quê vẫn thế. Chỉ ăn hột gạo đồng mình, ăn con cá, con tôm ngoài vời, dù nhỏ một tí, ít ỏi một tí nhưng là cái vị mặn mòi, đậm đà của đồng đất Lệ Thủy, hương vị trong lành của nắng gió Lệ Thủy.
 
Đời sống đầm phá là một phần ở những ngôi làng neo quanh đây. Nò, đáy, nơm, chẹp, oi, trúm... treo lủng lắng đầu hồi. Năn, lác rẽ quạt phơi ngoài sân. Rơm rạ, rong rêu quấn quýt bên hiên. Tháng chạp, lại lang thang ra đồng, lúa non xanh mởn, cánh đồng mướt như nhiễu, như nhung, chợt nhớ những câu thơ cùng tháng năm ở lại của thi sỹ Nguyễn Bính: “Mùa xuân là cả một mùa xanh/Giời ở trên cao lá ở cành/Lúa ở đồng tôi và lúa ở/Đồng nàng và lúa ở đồng anh...”. Đồng tiếp đồng, mênh mông và vợi xa...
 
Quanh năm suốt tháng chẳng mấy khi tôi thấy người Hồng Thủy thư nhàn. Mùa nào cây ấy, người không nghỉ, đất đai mấy khi nghỉ. Vụ lúa lại đến mùa rau. Sóng lúa gối kề lớp lớp cải,  ngò,  xà lách, tần ô... dệt xanh đồng bãi. Em tôi nói rằng, vạt đất mà không có cây chi mọc lên là thấy thương chi lạ. Nên, biết trồng rau chẳng được nhiều tiền, nhiều khi mang cho còn không hết, nhưng chẳng ai nỡ bỏ đất. Chỉ kéo dài một vệt mỏng ven Quốc lộ 1 từ Đông Hải, Thạch Hạ, Mốc Định, đến An Định mà Hồng Thủy đã gom được hơn 210ha đất trồng rau các loại.
 
Cũng lạ thay, ở cái miền quê cả vời, cả đồng, cả cát này, đất đai thật giàu tình cảm. Một hạt giống bất kỳ nào rơi xuống cũng cứ thế mà lên, tươi hoa, trĩu quả. Dọc những hàng rào lùm bụi ven đường, dưa leo, mướp đắng, mướp hương lúc lỉu trái non nhưng chẳng phải của ai. Lũ con nít đùa nhau cười vang trôổng nhỏ, nếu thấy khát sẽ với ngắt một trái dưa leo trong tầm tay mà không bị ai la mắng, cha mẹ cũng chẳng cần lo lắng, vì bụi cây đó không bao giờ bị tưới thuốc sâu.
Làng hoa Hồng Thuỷ. Ảnh: Ngọc Hải
Làng hoa Hồng Thuỷ. Ảnh: Ngọc Hải
Mùa đi... mùa đi... quen đến nỗi chỉ cần đứng từ xa nhìn lại là tôi đã có thể phân biệt được màu xanh của mỗi loại cây. Luống nào trồng xà lách. Luống nào cải. Luống nào ngò. Luống nào tần ô. Rồi su hào, bắp cải... Tôi thích ngắm nhìn những vườn cải quá lứa đâm ngồng xanh múp với chi chít nụ vàng, nụ biếc lúp búp non căng. Khi thịt thà, giò chả đã ngán thì một đĩa ngồng cải nóng sốt cùng chén nước mắm ớt tỏi chanh sẽ là món ăn hết đầu tiên trên mâm. Ngày trước, thường có nón trắng của chị tôi bên những luống rau ấy. Bây giờ thì chị chẳng đi được nữa, chị ngồi trên xe lăn, mỗi chiều nhìn ra đồng mà lắc đầu thở dài, đôi mắt đẹp thăm thẳm nỗi buồn xa vắng. Chẳng biết bấy nay cánh đồng có thấy nhớ một chiếc nón trắng của chị tôi không?! 
 
Thường cứ sau rằm tháng mười, Hồng Thủy rạo rực mùa hoa mới. Đêm lung linh ánh đèn. Từ trên cao nhìn xuống, cả làng chấp chới như có hàng ngàn vì sao đậu vào đất. Nghe bảo, phải thắp đèn như thế để cây thức mà lớn cho kịp Tết. Ngày, người người cặm cụi cùng mỗi luống cây. Tất yếu thôi, bởi những cúc, những ly, những lay ơn, thược dược kia sẽ mang về cho người quê Tết đủ đầy. Cũng là những loại ấy, giống ấy  nhưng hoa trồng trên đất này rực rỡ hơn, lâu tàn hơn. Ai có hỏi vì sao vậy, tôi trả lời rằng, với đất này, nước này, thì cây gì cũng tốt, riêng gì hoa?!
 
Người Hồng Thủy trồng hoa trên đất cát pha tơi xốp và thông thoáng. Hưởng nắng, hưởng gió và sống trên vùng thổ nhưỡng ăm ắp mạch sống thì cây cứ thế mà phơi phới vươn lên. Và cây còn được tưới tắm bằng một thứ nước đã được tinh cất từ lòng cát, trong veo, ngọt mát đến bất ngờ. Gọi là nước mội. Có thể tìm thấy nước mội ở bất kỳ động cát nào ở Hồng Thủy. Chỉ cần đào sâu một tý, luồn nhẹ ống vào trong cát, ắt có nước. Cát đẻ ra nước. Tất cả mọi sinh hoạt của người Hồng Thủy đều dùng thứ nước tinh khiết ấy. Ở nơi đây, bên cạnh mỗi cái trôổng dẫn vào làng đều có một con mương nhỏ dẫn nước từ động cát về để tưới cây. Quanh năm nước trong veo và chảy chưa bao giờ dứt. Nhà nhiều thì mười lăm, hai chục ngàn cây. Nhà ít thì năm, bảy ngàn, đôi ba ngàn. Nhưng ít nhiều gì thì cũng phải có.
 
Con người nơi đây làm cái gì cũng chậm rãi, từ tốn. Họ không mưu cầu tận thu rồi “no dồn đói góp”, mà luôn hướng đến sự cân bằng. Trồng hoa không cứ nhằm vào ba ngày Tết. Nếu được thì được nhiều nhưng đã thua thì thua đủ. Căn ke, tính toán thời gian xuống giống làm sao để hoa nở dần dần, bắt đầu từ rằm tháng Chạp là có bán, lai rai từ Tết ông Công, ông Táo đến Tết Nguyên đán rồi ra Nguyên tiêu rằm tháng giêng mới xem như xong mùa hoa Tết. Chưa bao giờ hoa Hồng Thủy bị dồn vào tình trạng bán không hết, để không đặng. Vãn mùa hoa ế phải phá bỏ, ngó thương hung! 
 
Ngày Tết về quê, hoa ngoài vườn luống thưa, luống dày vẫn đang rạo rực nở. Em tôi thủ thỉ: “Trồng bưa bán thôi chị nạ. Ra rằm tháng giêng, hoa vừa hết là đẹp. Để chuyển sang trồng vụ khác”.
 
Và, cứ thế mùa đi trên những luống cây!
 
Tuỳ bút của Trương Thu Hiền

 

tin liên quan

Nhớ câu đối Tết

(QBĐT) - Hàng năm, cứ khoảng 20 tháng Chạp, trên nhiều tuyến phố ở TP. Đồng Hới, cây cảnh, hoa Tết đã bắt đầu được bày bán. Nhìn những chậu quất trĩu quả, những cành đào đầy nụ hoa tím, đỏ từ phía Bắc chở vào; những chậu mai, chậu cúc vàng từ phía Nam ra, rồi các loài hoa hồng, lay ơn, cẩm chướng… đua nhau khoe sắc, lòng người cảm thấy rạo rực, náo nức.

Xây dựng văn học - nghệ thuật Quảng Bình thời kỳ mới toàn diện, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp Nhân dân (*)

(QBĐT) - Phát biểu của đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Bình, ngày 26/1.
 

Sứ mệnh nhà thơ với trái tim biển, đảo

(QBĐT) - Biển, đảo luôn là đề tài nằm lòng, đề tài lớn xuyên suốt chiều dài văn học Việt Nam.