Thương nhớ lời ru

  • 14:17 | Thứ Sáu, 05/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi nhớ thuở ấu thơ, mạ tôi ngày hai buổi đi làm hợp tác xã. Anh em chúng tôi ở nhà với bà nội. Bà tôi mù chữ, nhưng ca dao tục ngữ cứ thuộc làu làu. Đặc biệt bà có lời ru rất khác lạ. Giọng cứ âm ấm, buồn buồn, nghe như có cái gì chạy trong lồng ngực rồi lan tỏa như sóng ở trong đầu. Chỉ cần năm bảy câu lục bát là anh em tôi đi vào giấc ngủ. Tôi rất nhạy cảm. Khi chưa có thằng em kế, khoảng hai tuổi, tôi như đã thẩm thấu được lời ru. Nhất là những câu ca dao về thân phận phụ nữ thời phong kiến cứ ngấm dần trong tâm hồn tôi. Có lẽ vì vậy, mà sau này thơ tôi luôn bị ám ảnh.
 
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội để khi đói lòng.
Đói lòng ăn một quả sim
Uống một bát nước đi tìm người thương.
Người thương em biết ở đâu
Năm canh nhớ bạn em sầu cả năm.
 
Những câu lục bát riêng lẻ, nhưng bà tôi cứ khéo hát nối, nghe rất thú vị. Có lẽ do góa chồng từ khi 27 tuổi nên bà tôi cứ hay hát ru những bài nghe buồn buồn như vậy.
Minh họa: Tiến Hành
Minh họa: Tiến Hành
Sau này bà tôi già, bệnh tật không ru cháu được nữa. Mạ tôi chuẩn bị sinh đứa con thứ tám thì bà mất. Hồi trước, thi thoảng tôi vẫn nghe mạ hát ru. Giọng mạ tôi cũng truyền cảm lắm. Nhưng sau này đến tuổi đi học, lại ham chơi nên tôi không còn để ý mạ hát những gì. Tuy nhiên, tôi nhớ một lần, vào mùa hạ năm 1980, khi đó tôi tròn 15 tuổi. Đứa em thứ bảy bị viêm đa cơ phải nằm bệnh viện huyện.
 
Bệnh viện lúc đó thiếu thốn lắm. Giường bệnh vạc gỗ, trải manh chiếu mỏng. Ba tôi phải chặt lá chuối hơ lửa cho mềm đưa lên lót em nằm cho đỡ đau. Tôi chiều đi chăn bò về phải đi bộ ba cây số để đưa cơm, cháo lên cho mạ và em. Hôm đó tôi đến muộn, trời đã tối. Bệnh viện không có điện, thắp cái đèn dầu leo lét. Đang chuẩn bị bước lên thềm phòng bệnh thì nghe em khóc rủ rỉ và tiếng ru thê thiết của mạ.
 
Mạ thương con ra cầu Ái Tử
Vợ thương chồng ra đứng núi Vọng Phu
Một mai bóng xế trăng lu
Con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu đợi chờ… à ơ…
 
Tôi đứng sững lại, người tự nhiên bủn rủn. Tôi đánh rơi cả cái gióng mây nhỏ có niêu cơm mà ba tôi làm cho tôi xách. Nước mắt giàn dụa và không kìm nén được, tôi chạy vào ôm mạ khóc nức nở. Mạ vỗ về, tưởng tôi sợ bị đòn vì làm đổ cơm. “Không răng cả, không răng cả…”.  Tôi vừa sút sít vừa đút cháo cho em, mạ dùng số cơm còn lại.
 
Từ lời ru, đôi khi cũng có nhiều hệ lụy. Còn nhớ năm 1987, tôi ở bộ đội. Đơn vị tôi có đợt dã ngoại ở thượng nguồn sông Hương (Thừa Thiên-Huế). Tôi và ban chỉ huy ở trong một nhà dân. Nhà có một bà mẹ chồng góa và hai vợ chồng cùng tuổi tôi, nhưng đã có đứa con thứ hai gần một tuổi. Mười là tên người vợ, mặc dù con mọn nhưng làm việc quần quật suốt ngày. Anh chồng thì chỉ nhậu và ngủ. Khi con khóc, Mười lại chạy vào, mồ hôi nhễ nhại, vén áo cho con bú. Tôi thấy thật tội nghiệp Mười. Tôi bảo, em cứ làm việc đi, tôi trông hộ con cho.
 
Thế là mỗi lần cháu bé khóc, tôi cất tiếng ru. Có lẽ thừa hưởng cái “gen” của bà và mạ, nên mỗi lần cháu khóc, tôi chỉ cần ru năm bảy câu lục bát là cháu ngủ ngon lành. Từ đó Mười cứ dựa vào tôi. Có lần vội chạy đi đâu đó, Mười dúi con đang khóc cho tôi và nói câu bất ngờ “ru con cái anh nì”. Hành động  đó khiến anh chồng vô cớ nổi cơn ghen. Bà mẹ chồng thì kiện cáo với chỉ huy. Thế là thời gian sau đó cho đến khi về, tôi không dám bồng và ru cháu nữa. Mỗi lần con khóc, Mười lại nhìn tôi rơm rớm nước mắt. Tôi thương Mười và cháu bé vô cùng.
 
Viết đến những dòng này trời cũng vừa rạng sáng. Cháu ngoại lại khóc thét và quấy rầy. Tôi ngồi buồn thơ thẩn, rồi bất giác bước lên phòng con gõ cửa. Con gái à, con để ba hát ru cháu ngoại xem. Ba lớn lên từ lời ru. Sự nghiệp thi ca của ba cũng xuất phát từ lời ru. Các con trở thành những đứa con ngoan ngoãn, thông minh cũng nhờ tiếng hát ru của ba mẹ. Lời ru ấm áp là sự truyền cảm của nhân từ đức độ mà đứa trẻ sau này được thừa hưởng. Cả con gái và con rể im lặng. Tôi nhẹ nhàng bồng cháu, vỗ về rồi cất tiếng hát ru: À….ơ…Chim trời ai dễ đếm lông…Nuôi con ai nỡ…À…ơ…Nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày… à…ơ…
 
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Tổ chức Tuần phim chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định 2761/QĐ-BVHTTDL ngày 27-10-2021 về việc tổ chức Tuần phim chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII.

Cuộc chiến của thân phận

(QBĐT) - Sau vài năm trăn trở với thơ, Hữu Phương chuyển hẳn sang "sân" văn. Từ đó, những trang viết của ông liên tục được bạn đọc chú ý, đón nhận. Ông nhanh chóng trở thành cây bút văn xuôi kỳ cựu của miền Trung, viết nhiều, viết sâu, viết chắc về đề tài chiến tranh và người lính. 

Niềm tin...

(QBĐT) - Chị vác cây bạch đàn dài ngoằng đi như chạy trên dốc xuống. Vứt cái cây xuống đất, chị bắt vạt áo dính đầy đất bụi lên lau khuôn mặt đẫm mồ hôi. Cả ngày vật lộn với những cây bạch đàn chị gần như kiệt sức. Chị ngồi bệt xuống vệ cỏ thở hổn hển.