Miền đá… những mùa chưa cũ

  • 19:23 | Thứ Sáu, 12/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Lọt thỏm giữ muôn trùng đá núi, đá chót vót, đá chông chênh, đá cồn cào, đá náo nhiệt cười, đá nhíu mặt trầm tư, đá giận dữ như tuôn trào thác đổ… Anh dò sóng điện thoại như muốn reo ca với người bạn thân năm nào… cũ cũng như đá. Để khoe rằng: “Cho mình mượn ý tưởng của bạn, như một thời chênh vênh đá tại xứ Mường thăm thẳm nhé. Miền đá, những mùa cũ!”.
 
Rồi anh lại cục mịch… giữa muôn trùng đá, vách cao đá, đá chạm đến muôn trùng mây, làm chi có sóng mà điện thoại. Nhưng nếu có sóng, anh sẵn sàng dũng cảm nói với bạn thân: “Miền đá trung trinh này chưa một lần là mùa cũ. Mới như nếp sương mờ lưng lững, bạn tôi ơi!”.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Ấy là anh lành tính thế, chứ giữa muôn đá trùng vây, lưng anh nặng gánh gùi con chữ.
 
2. Y May, cô bé xem xém tuổi trăng tròn ở xứ đá vời vợi gặp anh vào một ngày trong quá khứ. Em trốn chạy trước khi vào độ tròn trăng. Anh hỏi vì sao? Cô bé thật lòng: “Họ đến bỏ của”. “Không hiểu!”. Y May giải thích: “Là lúc em được đằng trai bắt về làm vợ. Mà em lại thích làm cô giáo hơn, cắm con chữ vào miền đá nơi em sống, cho một ngày đá đơm hoa”.
 
Miền đá… qua lời Y May thật dung dị. Anh dứt khoát rời phố, cõng chữ lên cắm vào đá núi. Tính từ ngày trong quá khứ gặp Y May, đếm ngón tay, ngót nghét mười mùa rẫy. Y May vượt tầm qua phên dậu đá, theo đám mây bốn phương trời rong chơi… chưa một lần gặp lại.
 
3. Trời trưa trật, nơi bản nhỏ, Y Chi nói với đám trẻ chút chít con mình: “Thầy giáo đi mô, mặt trời dội về bên Tây, cái bụng không yên”. Bữa cơm trưa hóa thành buổi chiều, đám trẻ đói thắt bụng. Y Chi dắm dúi: “Thầy giáo chưa ăn, đố đứa mô đụng tay”. Y Chi lấy con dao bên góc nhà, te tái băng rừng về miền đá.
 
Y Chi tìm thấy anh, người thầy giáo của bản nhỏ giữa muôn trùng đá chót vót, chồng chềnh, cồn cào, náo nhiệt, thác đổ… Y Chi vứt con dao xuống dưới chân mình: “Tưởng thầy vượt qua hết miền đá này về xuôi rồi”. Anh cười, tiếng dội vào đá: “Không mà!”
 
Bữa cơm trưa thành chiều, chút chít nhà Y Chi nhìn anh ăn ngon lành. “Thầy đừng về xuôi”- thằng bé lớn tuổi nhắc. Chợt nhiên, anh buông bỏ: “Không mà!”
 
Đêm đó, anh kể cho người bạn thân câu chuyện về hành trình cõng chữ nơi miền đá quê anh. Khác xa một thời chênh vênh đá tai mèo xứ Mường thăm thẳm. Câu chuyện nguyện cầu về Y May nối nhịp duyên nợ cho anh lên miền đá. Chuyện nhà Y Chi đi tìm anh dung dị. Chuyện đám trẻ trâu chút chít, trơ trọi đá ngóng chờ thầy trong đói thắt. Chuyện con chữ cắm sâu vào đá, chồng lên đá… vững bền như đá. Cuối câu chuyện, anh hỏi bạn: “Tin không?”
 
Không tin… cứ vào miền đá nghèo- hiền- ngoan quê anh. Khắc thấy!
 
Hồ An

tin liên quan

Nhớ mùa sim ấy...

(QBĐT) - Nhớ mùa sim ấy người ơi!

Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc trên môi trường số

Tình trạng vi phạm bản quyền nghệ thuật nói chung, vi phạm bản quyền âm nhạc nói riêng trên môi trường số đang không ngừng gia tăng đã ảnh hưởng tới uy tín, quyền lợi của nhiều nghệ sĩ, gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

Một "bảo tàng" đường Trường Sơn bằng "văn tự"

(QBĐT) - Sau 16 năm hoạt động (1959-1975), đường Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trước Tổ quốc. Đến nay, hơn 40 năm đã qua, không ít chiến sỹ mở và giữ đường Trường Sơn đã "theo bước" vị Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, không ít "di tích đường Trường Sơn đã mờ đi trên mặt đất và ngay cả trong ý thức của mỗi  chúng ta" như "Lời giới thiệu chung" về các di tích Trường Sơn đã viết.