Tình quê đậm đà trong ca khúc "Không can chi mô"

  • 08:00 | Thứ Bảy, 23/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có một miền quê gan góc, dạn dày trong bom đạn, bão lụt, đói nghèo, nhưng miền quê ấy cũng rất đẹp, nghĩa tình và lãng mạn... Ca khúc “Không can chi mô”, lời thơ Đặng Thái Sơn, do nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú Quốc Nam phổ nhạc đã đưa người nghe về với một vùng quê gần gũi, thân thương và rất đỗi thiêng liêng bên dòng sông Gianh thơ mộng.
 
Quê hương gan góc, nghĩa tình
 
Đặng Thái Sơn không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp, ông là một cựu chiến binh, cũng là một doanh nhân. Hiện, ông đang giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình. Ông từng tham gia hội thi “Báo cáo viên giỏi toàn quốc năm 2019” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức và xuất sắc giành giải nhất.
 
Đặng Thái Sơn chia sẻ, ông sinh ra ở làng Kinh Châu, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm với mảnh đất sơn thủy hữu tình, nhưng vô cùng gan góc và nghĩa tình bên bờ sông Gianh này. Ông kể, những năm tháng chiến tranh ác liệt, những ngôi làng bên bờ sông Gianh như quê ông là những “túi bom” mà giặc Mỹ trút xuống.
 
Ngày đó, ở quê ông nhà nào cũng đào một cái hầm chữ A, nhưng mỗi lúc tránh bom đạn, người làng không bao giờ cho tất cả người nhà cùng xuống một hầm mà thường hoán đổi cho nhau để đề phòng những tình huống xấu nhất. Còn bố ông, một nhà giáo, vẫn thường dặn mẹ ông, dù khoai sắn, cháo rau gì thì cũng phải cố gắng lo cho các con ăn no vào mỗi buổi sáng… Sự kiên gan, bình thản của người dân trước đạn bom kết tụ trong câu nói: "Bom đạn tránh người, chứ người không tránh được đạn bom".
 Một làng quê yên bình bên dòng sông Gianh thơ mộng.
Một làng quê yên bình bên dòng sông Gianh thơ mộng.
Chiến tranh, bom đạn ác liệt là vậy nhưng người làng cũng rất lãng mạn. Những ngày hội làng, những đêm trăng thanh, sân đình, ngõ xóm lại vang lên những câu Kiều cổ, những điệu hát nhà trò hay tiếng à ơi mẹ ru con ngủ mà tiếng bom đạn của chiến tranh cũng không thể nào “át” được.
 
Chính những năm tháng tuổi thơ được thấm đẫm trong cái nôi gan góc, lãng mạn, nặng nghĩa, nặng tình đó nên sau này lớn lên đi bộ đội và lập nghiệp ở xa nhưng hình ảnh quê hương với những nỗi nhớ, niềm thương lúc nào cũng chất chứa trong trái tim ông. Và những lúc như vậy, Đặng Thái Sơn gửi gắm cảm xúc vào những bài thơ ông viết về quê hương.
 
Đặng Thái Sơn cho biết, bài thơ “Không can chi mô” được ông viết theo “đặt hàng” của nhạc sỹ Quốc Nam, nhưng ở đó là một dòng cảm xúc dạt dào, một ân tình sâu nặng đã dưỡng nuôi trong suốt cuộc đời ông. “Không can chi mô” là sự hòa quyện giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu quê hương, là một bức tranh đẹp với những "gam màu" bình dị, thân thương mà cũng rất tươi sáng về một làng quê, như những làng quê của Quảng Bình, của miền Trung yêu thương.
 
Chạm đến cảm xúc của mỗi người
 
Nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú Quốc Nam, tác giả của ca khúc “Điệu ví dặm là em”, người được đông đảo khán giả đánh giá là người làm “sống dậy hồn quê” bằng âm nhạc cho biết, khi nhận được bản thảo bài thơ “Không can chi mô”, ông đã rất hài lòng vì cảm nhận được một sự đồng điệu trong tâm hồn của tác giả thơ với nhạc sỹ.
 
Theo nhạc sỹ Quốc Nam, bài thơ giản dị, mộc mạc trong cách dùng từ, nhưng giàu hình ảnh, với giọng điệu thiết tha, sâu lắng, đã chạm đến cảm xúc của mỗi người, đặc biệt là những người đang sống xa quê hương. Thế nên, khi phổ nhạc, nhạc sỹ Quốc Nam chỉ thay đổi một vài từ ngữ trong bài thơ để âm điệu mềm mại, mượt mà hơn. Ngay cả tiêu đề của bài thơ “Không can chi mô” cũng được nhạc sỹ giữ nguyên để đặt cho "đứa con tinh thần" của mình.
 
Ca khúc “Không can chi mô” hiện đã được ca sỹ Huyền Trang thu âm. Ca sỹ Huyền Trang, sinh năm 1990, tại Nghệ An. Cô theo học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Cô từng đoạt danh hiệu quán quân dòng nhạc dân gian trong cuộc thi Sao Mai năm 2013.
 
Nói về ca khúc “Không can chi mô”, ca sỹ Huyền Trang chia sẻ: “Huyền Trang may mắn là người đầu tiên được thể hiện ca khúc này. Đây là một ca khúc rất đặc biệt từ tên gọi, đến ca từ, giai điệu. Tựa đề, cũng như câu chủ đạo của ca khúc “Không can chi mô” là câu mà người miền Trung nói chung và người Quảng Bình nói riêng rất hay nói tới và nay lại được đưa vào ca khúc bằng một cách rất độc đáo! Âm điệu như tiếng nói của người Quảng Bình, mộc mạc, chân chất mà chan chứa yêu thương!"
 
“Ca khúc “Không can chi mô” được viết trên âm hưởng dân ca Quảng Bình với giọng rê thứ dân gian; giai điệu trữ tình da diết. Tiết tấu của ca khúc đằm thắm mà vui nhộn, dí dỏm như tấm lòng của người dân quê vậy…”, nhạc sỹ Quốc Nam chia sẻ.

Khi nghe ca khúc này, chắc chắn người nghe sẽ cảm nhận được một bức tranh quê hương dù đã cũ mà vẫn mới nguyên. Đó là hình ảnh về “Một thời hố bom trăng soi đáy nước”, về những “Bụi hóp, bờ tre xanh mát con đường”, về dòng sông Gianh, về cầu Kiều cổ, hay điệu hát Nhà trò…Bắt gặp những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy, trong mỗi con người chúng ta, có lẽ không ai là không nhớ về quê hương, nguồn cội!

 
"Không can chi mô" là một tác phẩm hay, độc đáo; với một lối phối khí mới. Với cách thể hiện của Huyền Trang, và tới đây khi được làm MV ... hy vọng ca khúc sẽ được công chúng yêu thích và lan tỏa.
 
Cô giáo Trần Ngọc Phương, giáo viên Trường THPT Lê Trực (Tuyên Hóa) sau khi nghe ca khúc “Không can chi mô” đã viết cảm tưởng: “Ca từ mộc mạc, chân chất mà sao da diết, lôi cuốn đến vậy; hình ảnh quê hương gần gũi, thân thương mà cũng thật thiêng liêng, xúc động! Và rồi, cứ thế những ca từ ấy len lỏi, thấm sâu vào tâm hồn của mỗi người, để rồi chúng ta dù đi đâu xa đều cũng nhớ và tìm về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình”.
 
Video ca khúc "Không can chi mô":
 
 
 
Phan Phương

tin liên quan

Mạch nguồn cảm xúc chưa bao giờ vơi cạn

(QBĐT) - Biển, đảo là mảng đề tài lớn, hấp dẫn đối với văn học-nghệ thuật (VHNT). Từ tình yêu biển, đảo, yêu quê hương, đất nước, các văn nghệ sỹ (VNS) đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng bằng những rung cảm mạnh mẽ trước hiện thực cuộc sống.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đoàn Đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam

Chiều tối 21-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú, cùng các Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhân Ngày thành lập Liên hợp quốc (24-10-1945 – 24-10-2021).

Lập hồ sơ hai di sản văn hóa tiêu biểu đệ trình UNESCO

Thủ tướng đồng ý triển khai lập Hồ sơ di sản đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật Chèo Đồng bằng sông Hồng và Võ cổ truyền Bình Định, đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.