.

Những người "giữ hồn" văn hóa dân tộc ở Minh Hóa

.
07:56, Chủ Nhật, 29/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Chúng tôi gọi những nghệ nhân dân gian ở huyện miền núi Minh Hóa là những người "giữ hồn" văn hóa dân tộc, bởi họ đã dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện. Khi được hỏi, họ đều bảo rằng, “liều thuốc dẫn” mở lối cho niềm đam mê ấy là tình yêu tha thiết với từng câu hò, điệu ví hay từng tiếng đàn, từng loại nhạc cụ của quê hương…
 
Tự tay làm nhạc cụ dân tộc 
 
Chúng tôi tìm về xã Yên Hóa, nơi được xem là cái nôi của các làn điệu dân ca ở xứ núi Minh Hóa, đặc biệt là nghệ thuật hát nhà trò, để tìm gặp nghệ nhân dân gian Đinh Văn Đống. Ở cái tuổi ngoài 70 nhưng ông Đống vẫn lịch lãm, tinh anh, hát hay, đàn giỏi và đặc biệt ông vẫn tự tay làm được nhiều loại nhạc cụ dân tộc, trong đó có cây đàn đáy, một loại nhạc cụ truyền thống thuần Việt…
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Đinh Văn Đống cho biết, gia đình ông có nhiều đời giữ vai trò là “kép” chính cho các gánh hát nhà trò nổi tiếng ở vùng đất 2 tổng Cơ Sa và Kim Linh (Minh Hóa xưa). Bản thân ông Đống, lúc 18 tuổi đã trở thành một “kép” chính trong gánh hát của quê hương. Và là “kép” chính nên ông Đống rành rẽ và chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, ông dành tình yêu mãnh liệt cho cây đàn đáy, loại nhạc cụ đã gắn bó với ông như máu thịt gần như cả cuộc đời.
Nghệ nhân Đinh Văn Đống và chiếc đàn đáy mà ông vừa hoàn thành.
Nghệ nhân Đinh Văn Đống và chiếc đàn đáy mà ông vừa hoàn thành.
Ông Đống kể, khoảng năm 1968, cây đàn đáy duy nhất của gánh hát làng ông bị hỏng. Ngày đó, chiến tranh ác liệt, việc mua lại một cây đàn đáy mới là vô cùng khó khăn. Để có nhạc cụ biểu diễn, ông Đống đưa cái đàn đáy đã hỏng ra sửa nhưng sửa mãi không được vì cây đàn đã hỏng quá nặng. Sửa không được nên ông quyết định tự tay làm một cây đàn mới.
 
Sau khi đã “nghiên cứu” cây đàn cũ, ông Đống bắt đầu tìm gỗ, sắm cưa, đục để làm đàn. Sau nhiều lần phá đi làm lại, cái đàn đáy đầu tiên do chính tay ông Đống làm cũng hoàn thành sau hơn 3 tháng miệt mài. Cũng từ đó, ngoài biểu diễn, ông Đống còn có thêm một niềm đam mê đó là chế tác đàn đáy và các loại nhạc cụ dân tộc.
 
Theo ông Đống, chế tác nhạc cụ dân tộc đòi hỏi rất kỳ công và sự thẩm âm chính xác tuyệt đối, chính vì vậy, người làm phải có sự hiểu biết nhất định và lòng kiên trì. Có những nhạc cụ có thể làm trong vòng vài ngày, nhưng với cây đàn đáy ông phải mất gần cả tháng mới hoàn thiện.
 
“Tôi không nhớ nỗi mình đã làm được bao nhiêu cây đàn đáy, bởi lẽ tôi làm đàn đáy không phải để mưu sinh mà chủ yếu thỏa mãn niềm đam mê và để bảo tồn vốn văn hóa truyền thống quý báu của cha ông…”, ông Đống chia sẻ.
 
Truyền dạy các làn điệu dân ca
 
Năm 2020, hò thuốc cá, một làn điệu dân ca riêng có của người Minh Hóa được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thành quả đó, ngoài sự nỗ lực của cả cộng đồng, có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện.
 
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 10 người được công nhận là nghệ nhân dân gian. Không chỉ hò thuốc cá, nhiều năm qua, họ là những người thầm lặng bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn như: Đúm, ví, hát ru, hát bội, hát kiều, các trò chơi và hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc khác. 
 Văn hóa văn nghệ dân gian Minh Hóa được biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.
Văn hóa văn nghệ dân gian Minh Hóa được biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.
Tiêu biểu như các nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống, Trần Khánh Nguyên, Đinh Thanh Đàn, Đinh Thị Hà, Cao Thị Hương, những người am hiểu hò thuốc cá từ lúc 15-16 tuổi và hàng chục năm qua. Họ âm thầm giữ gìn, phát triển giá trị của các làn điệu dân ca Minh Hóa, mặc dù không có một đồng thù lao nào...
 
Không chỉ say mê tập luyện, biểu diễn, các nghệ nhân dân gian còn mở lớp truyền dạy dân ca Minh Hóa cho lớp trẻ. Nhiều năm qua, dưới hiên nhà của nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa) thường xuyên tồn tại những lớp học dân ca Minh Hóa thu hút hàng chục người, trong đó có các em học sinh tham gia học.
 
Em Đinh Nguyễn Hồng Bội (12 tuổi) chia sẻ: “Em rất thích câu hát dân ca của huyện Minh Hóa. Được tham gia lớp học của bà Đống không chỉ giúp chúng em biết hát các làn điệu dân ca mà chúng em còn biết thêm nhiều về nền văn hóa đặc sắc của quê hương mình.”
 
“Nhiều hôm dạy mệt, đau rát cả họng, nhưng nhìn thấy các cháu say sưa học, say sưa hát, bao mệt nhọc đều tan biến. Thứ duy nhất đọng lại với tôi chỉ còn là niềm vui, sự mãn nguyện khi được là người hướng dẫn cho những “truyền nhân” gìn giữ tinh hoa văn hóa của quê hương mình”, nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống bày tỏ.
 
Ông Đinh Văn Chinh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Minh Hóa cho biết, thời gian qua, huyện Minh Hóa rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian. UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành trên địa bàn phối hợp đưa các làn điệu dân ca của huyện, trước mắt là hò thuốc cá, vào trường học.
 
Cùng với đó, huyện hỗ trợ thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên các CLB văn nghệ dân gian trong cộng đồng và khuyến khích các nghệ nhân dân gian mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đây là những nhân tố tích cực giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, dân gian trên địa bàn huyện.
 
"Hiện, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 10 người được công nhận là nghệ nhân dân gian; 6 CLB đàn hát dân ca ở các xã: Xuân Hóa, Yên Hóa, Trung Hóa, Hóa Hợp, Hồng Hóa, thị trấn Quy Đạt và 3 CLB trẻ trong trường học với hàng trăm thành viên. Hoạt động tích cực, hiệu quả, các nghệ nhân và CLB đàn, hát dân ca trên địa bàn đã góp phần đưa bản sắc, các giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc huyện Minh Hóa vào kho tàng tri thức văn hóa của đất nước”, ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa chia sẻ.
 
 Phan Phương
,
  • NXB Kim Đồng ra sách về bối cảnh lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập

    Qua cuốn sách, bạn đọc được chiêm ngưỡng một bức tranh sống động và cụ thể về bối cảnh ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập, hiểu thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.

    28/08/2021
    .
  • "Mỹ thuật với tôi là cuộc sống"

    (QBĐT) - Đó là tâm sự chân thành của nhà điêu khắc Võ Tuấn Hải, hội viên Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình). Xem mỹ thuật là cuộc sống, là đam mê và khổ luyện từng ngày, anh đã từng bước khẳng định bản thân trên hành trình chinh phục con đường nghệ thuật đầy khó khăn và thử thách.

    28/08/2021
    .
  • Chỉ vì một chữ "duyên"

    (QBĐT) - Say mê dân ca từ nhỏ, chị Phạm Thị Tuyết (Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VH-TT) thị xã Ba Đồn) đã có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa-văn nghệ địa phương.

    27/08/2021
    .
  • Sống mãi với thu vàng

    (QBĐT) - Có một mùa thu
    Tổ quốc lặng đi
    26/08/2021
    .
  • Bác Giáp về quê

    (QBĐT) - Cả Quảng Bình mấy đêm liền thao thức
    Mong từng giây được đón Bác về quê
    26/08/2021
    .
  • Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Tối 24-8, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao Quảng Bình phối hợp với Nhà hát ca-múa-nhạc Việt Nam, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên tổ chức biểu diễn ghi hình chương trình nghệ thuật đặc biệt "Vị tướng của lòng dân" kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2021).

    25/08/2021
    .
  • "Văn nghệ sỹ Quảng Bình phải đóng góp nhiều hơn cho VHNT nước nhà..."

    (QBĐT) - Sinh thời, dù bận rộn việc nước, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn dành nhiều tình cảm cho các văn nghệ sỹ. Và với các văn nghệ sỹ quê nhà, Đại tướng bao giờ cũng dành sự quan tâm đặc biệt với những góp ý, sẻ chia chân thành... 

    25/08/2021
    .
  • Người con làng Thá (*)

    (QBĐT) - Nhớ về làng cói quê cha
    Mẹ chuyên cần chuốt từng sợi nắng
    25/08/2021
    .